Cả môn cầu lông không nhiều tiền bằng một mình Tiến Minh

thứ ba 23-2-2016 23:00:55 +07:00 0 bình luận
Tổng đầu tư của ngành thể thao cho môn cầu lông trong năm 2016 chỉ là 50.000 USD, ngang khoản tài trợ 1 tỷ đồng ngôi sao Tiến Minh vừa nhận được.
Ưu tiên cao cũng chỉ 50.000 USD

Tại buổi công bố tài trợ trị giá 1 tỷ đồng của thương hiệu thể thao Mizuno hàng đầu Nhật Bản cho Tiến Minh, khi được hỏi về mức đầu tư cho ngành thể thao, ông Trưởng bộ môn Lê Thanh Hà đã phải ngập ngừng mãi mới đưa ra con số 50.000 USD. Đơn giản vì nó quá thấp, đặc biệt với một môn có phong trào phát triển bậc nhất, sở hữu 2 gương mặt sáng giá Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang.

Ông Hà cũng phải phân trần rằng, đó cũng đã là một ưu tiên của ngành thể thao từ nguồn kinh phí chung eo hẹp. Cầu lông dù sao cũng chỉ xếp nhóm 2, sau 5 môn thế mạnh hàng đầu của thể thao Việt Nam.

Kể từ khi Minh vươn tới đỉnh cao thế giới (và sau đó là Trang), cầu lông đã trở thành môn đại chúng bậc nhất, nổi bật cả về nền tảng lẫn mũi nhọn. Tuy nhiên, môn này chưa bao giờ nhận được đầu tư vượt mức 50.000 - 60.000 USD mỗi năm. Khoản kinh phí này gần như được “mặc định” cho bộ môn cầu lông. Dù biết rằng môn mình chịu nhiều thua thiệt so với mặt bằng chung, song bộ môn luôn phải xác định phải tìm mọi cách để khắc phục, sử dụng khoản tiền khiêm tốn sao cho hiệu quả nhất.

Nghịch cảnh cả môn thua Tiến Minh

Nhìn nhận thẳng thắn, tổng đầu tư từ nhà nước cho một môn hàng đầu về nhiều mặt như cầu lông chỉ 50.000 USD, ngang với khoản tài trợ 1 tỷ đồng của Tiến Minh thực sự vẫn là một nghịch cảnh. Khoản kinh phí tương ứng trên 1,2 tỷ đồng đó mới đáp ứng được phân nửa nhu cầu tập huấn, thi đấu của ĐT Trẻ và ĐTQG. Chính xác hơn, nó chưa đủ cho 2 tay vợt trọng điểm Minh và Trang.

Nếu chỉ dựa vào nguồn bao cấp, có lẽ các mục tiêu đào tạo VĐV, vươn ra quốc tế, mở rông và nâng chất các giải đấu của cầu lông Việt Nam đã bế tắc từ lâu. Rất may, một vài tài năng như bộ đôi Minh Trang có sự hậu thuẫn đắc lực từ các nhà tài trợ, đơn vị chủ quản nên có sự đảm bảo tương đối tốt cho phát triển.

Trong mảng quan trọng bậc nhất này, ngành thể thao chỉ cố gắng hỗ trợ một phần. Cũng nhờ Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã có thể tự chủ nên cơ quan quản lý nhà nước gần như không phải lo kinh phí tổ chức các giải đấu.

Ngay như năm 2016 với 50.000 USD, các nhà quản lý cầu lông xác định dành một nửa để tập trung cao độ cho 2 tuyển thủ giành suất Olympic Minh - Trang thi đấu quốc tế nhằm tích lũy điểm và cọ xát đỉnh cao. Phần còn lại chỉ đủ để ĐTQG dự tranh 2-3 cuộc đấu quốc tế chính thức khác, với số lượng tuyển thủ khiêm tốn. Bộ môn cầu lông không còn nguồn nào để hỗ trợ tập việc huấn, thi đấu cho nhiều tay vợt trẻ tuyến dưới. Họ có đủ tiềm năng và sức vươn song gần như đang phải tập “chay” quanh năm suốt tháng.

Từ cách làm hiện tại gắn với sự bó buộc về kinh phí ngay từ ngành thể thao, có thể thấy, cầu lông Việt Nam rơi vào một vòng luẩn quẩn ở mảng thành tích cao. Phía sau Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang, chưa thấy tay vợt trẻ nào có đủ khả năng, điều kiện để lọt được vào Top 50, chứ chưa nói đến đẳng cấp hàng đầu thế giới như Minh.

Kinh phí cả môn thua một bản hợp đồng tài trợ của 1 VĐV. Đó có thể là một điều đáng mừng cho cá nhân cụ thể, nhưng lại là nỗi đau của cả một môn thể thao. 

"So sánh ngay các nước trong khu vực, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan đều có lực lượng VĐV trẻ hùng hậu còn chúng ta có lứa kế thừa quá mỏng, một phần do thiếu kinh phí, phần khác do cách đầu tư dàn trải, tự phát theo từng địa phương. ĐTQG phải may mắn mới tập trung khoảng 1 tháng nên không thể tạo ra sự cạnh tranh và nâng cao trình độ giữa các tay vợt như cách làm quốc tế”. Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM, Huỳnh Thị Ngọc Liên

Đứng thứ 42 trên BXH thế giới tương ứng với vị trí thứ 18/34 trong danh sách các tay vợt nam đủ tiêu chuẩn dự Olympic 2016, Tiến Minh coi như chắc chắn lập kỳ tích là tuyển thủ Việt duy nhất 3 lần tranh tài ở đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất này. Olympic 2008 Minh góp mặt cùng tay vợt nữ Lê Ngọc Nguyên Nhung. Olympic 2012 Minh là đại diện duy nhất. Đến kỳ Thế vận hội vào tháng 8 tới, ngoài Minh thì cầu lông Việt Nam rất nhiều khả năng có thêm một gương mặt nữ giành quyền tới Brazil là Vũ Thị Trang, người đang xếp 24/34 tay vợt nữ đủ tiêu chuẩn.

Bắn súng là môn nhận được kinh phí đầu tư lớn nhất của Thể thao Việt Nam trong năm 2016 với 250.000 USD, trên 5 tỷ đồng. Bốn môn khác có kinh phí trên 150.000 USD gồm: Điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ và cử tạ. Đây đều là những môn sẽ đóng vai chính trong mục tiêu giành suất và phấn đấu giành huy chương Olympic 2016. Theo đánh giá, 5 môn này cùng với cầu lông sẽ mang về 10-13 suất tới Brazil tranh tài.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội