Từ sự cố lịch sử ở giải xe đạp đua băng đồng VĐTG 2016: Lại thêm “doping cơ khí”

thứ tư 3-2-2016 22:46:56 +07:00 0 bình luận
Giữa lúc chưa nguôi ngoai vị đắng khi cua-rơ huyền thoại Lance Armstrong thú nhận dùng chất kích thích năm 2013, làng xe đạp vừa nhận thêm cú sốc mới khi tay đua nữ Femke Van den Driessche bị kết tội “doping cơ khí” tại giải xe đạp đua băng đồng VĐTG ở Bỉ cuối tuần qua.

Thế nào là “doping cơ khí”

Theo định nghĩa của Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI), “doping cơ khí” nhằm chỉ hành động gian lận bằng cách giấu các động cơ nhỏ vào khung xe đạp nhằm giúp cua-rơ chiếm lợi thế không công bằng với các đối thủ khi thi đấu.

Trò gian ấy đã bị UCI cấm tiệt ở các giải và tổ chức này không ngừng thể hiện quyết tâm “nhổ cỏ tận gốc”, đặc biệt khi Greg LeMond - tay đua người Mỹ duy nhất từng hai lần vô địch Tour de France (không tính Lance Armstrong bị tước mọi danh hiệu) biểu diễn cho mọi người thấy việc che giấu và kích hoạt động cơ trong một chiếc xe đạp đua có thể thực hiện dễ dàng như thế nào.

Cua-rơ nữ 19 tuổi người Bỉ Femke Van den Driessche trở thành trường hợp chính thức đầu tiên bị kết tội gian lận tại giải xe đạp đua băng đồng VĐTG 2016.

Không ai nắm chính xác “doping cơ khí” ra đời như thế nào. Nhưng giờ đây, làng xe đạp hầu như đều biết sự tồn tại của các nguồn cung cấp điện phục vụ cho xe đạp. Đơn cử như Vivax Assist - công ty Áo cung cấp dịch vụ gắn động cơ vào bên trong cọc yên mà “không để lại dấu vết” bên ngoài - ngày càng khiến giới chuyên môn tin tưởng “doping cơ khí” dễ dàng phát triển do công nghệ có thể thu nhỏ các thiết bị cung cấp điện để phục vụ cho những tay đua muốn giở trò gian lận.

Vì như “quảng cáo” của Vivax Assist, các cua-rơ có thể trang bị một động cơ gắn ở cọc yên cùng một hộp pin nhỏ kích cỡ khoảng 22cm và nặng chừng 1,8kg có thể giấu dễ dàng bên dưới gióng dưới. Sau đó, cua-rơ chỉ cần nhấn một nút trên tay lái là đủ để kích hoạt động cơ nhằm gia tăng sức mạnh. Nhưng trong thời gian qua, trò gian này rất dễ bị đối thủ phát hiện do tạo ra khác biệt quá rõ giữa các xe đua. Đấy là lý do khiến giới chuyên môn vẫn cho rằng “doping cơ khí” chẳng qua chỉ là nỗi lo vô cớ trong làng xe đạp đỉnh cao.

Thế nhưng, một số chuyên gia đang tin rằng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật như hiện nay, giới công nghệ thừa sức sáng tạo ra những động cơ mới đủ nhỏ để giấu vào trong khung xe, cọc yên hoặc bánh sau… Song song đó, pin có thể dễ dàng bỏ vào bình nước hoặc túi đồ gắn dưới yên, còn nút kích hoạt không khó ngụy trang trên tay lái.

Lúc ấy, động cơ gắn trên xe có thể giúp tay đua gia tăng tốc độ lên khoảng 4-5km/h trong vòng 1 giờ. Theo tính toán của Vivax Assist thì xét về lý thuyết, tùy thuộc năng lượng chứa trong pin mà động cơ có thể giúp tay đua cải thiện sức đạp với công suất tăng thêm 200w trong vòng từ 60-90 phút.

Nhưng trên thực tế, công suất cung cấp cho tay đua có lẽ chỉ ở mức 110w do động cơ được trang bị cần nhỏ hơn nữa, chưa kể hộp pin cũng cần được thiết kế gọn hơn nghĩa là thời gian sử dụng cũng bị rút ngắn hẳn. Dù vậy, động cơ này vẫn đem lại ưu thế khổng lồ cho các tay đua gian lận, vì khoảng cách hiện nay giữa các cua-rơ thật ra chẳng bao nhiêu (tính bằng giây hoặc 1 phút là khá nhiều trong nội dung đua tính giờ), nên chỉ cần cầm chắc chạy nhanh hơn đối phương chừng 1 phút là có thể quyết định xong thứ hạng.

Sự cố lịch sử của làng xe đạp

Hiểu rõ nguy cơ một tay đua có thể chiếm ưu thế nhờ gian lận như thế nào bằng cách bấm nút động cơ đúng lúc để tăng tốc, UCI đã có những biện pháp phòng chống “doping cơ khí” khá tích cực từ ngay sau những nghi vấn ban đầu phát sinh năm 2010. Hệ quả là giờ đây, UCI gọi “doping cơ khí” là “trò gian lận công nghệ” và sẵn sàng cấm thi đấu ít nhất 6 tháng với các tay đua nhúng chàm, chưa kể tiền phạt dao động từ 20.000-200.000 franc Thụy Sĩ (tương đương 13.600-136.000 bảng). Nếu là đội đua gian lận, mức phạt có thể lên tới 1 triệu franc Thụy Sĩ.

Đồng thời, UCI không ngừng yêu cầu vận dụng khoa học kĩ thuật để phát hiện “doping cơ khí”. Trước đây, nhiều nhà quan sát khá xem nhẹ nguy cơ này do không tin rằng nó có khả năng lan rộng vì cần nút kích hoạt và hộp pin rõ ràng cồng kềnh nên dễ bị phát hiện. Nhưng theo thời gian, khi các thiết bị và động cơ ngày càng được thu nhỏ đủ để nhét vào bên trong khung xe, UCI rõ ràng cần phải tiến hành kiểm tra nhiều hơn với các thiết bị dò tìm tối tân hơn tại các cuộc đua quốc tế.

Bản thân UCI ý thức rõ vấn đề nghiêm trọng tới mức nào nên từng sử dụng máy dò tia X kèm các máy ghi hình tí hon nhằm quan sát mọi thứ bên trong xe. Thậm chí, một thành viên cao cấp của tổ chức này còn tiết lộ họ đang sẵn sàng kiểm tra xe của các cua-rơ bằng hệ thống mới, nhưng ngay cả chủ tịch UCI Brian Cookson cũng không dám phê chuẩn thử nghiệm hệ thống này ở một giải nào đó do lo ngại “đánh cỏ động rắn”, khiến những kẻ gian lận cảnh giác rồi tìm biện pháp khác.

Tuy nhiên, sự cố Femke Van Den Driessche trở thành cua-rơ đầu tiên ở một giải cấp thế giới sử dụng “doping cơ khí” xem ra vẫn phức tạp hơn nhiều người nghĩ và rất dễ rơi vào cảnh “giơ cao, đánh khẽ”. Vì theo Van Den Driessche, “chiếc xe đạp đó không phải của tôi. Nó của một người bạn, và giống hệt chiếc của tôi”. Van Den Driessche cho biết bạn cô đã chạy xe này quanh sân tập hôm thứ Bảy trước rồi để xe dựa vào xe tải của đội đua. Một thợ máy ngỡ rằng đó là xe của Van Den Driessche nên đem lau chùi để chuẩn bị cho cô đua.

Vì thế, cô hoàn toàn không biết gì cho tới lúc bị phát hiện có mấy sợi dây điện thò ra ngoài xe. Ngoài ra cho tới nay, vẫn chưa rõ UCI bắt quả tang Van Den Driessche ngay sau cuộc đua dành cho lứa tuổi U.23, hay đây chỉ là kết quả ngẫu nhiên từ việc chọn đại một chiếc xe đem đi kiểm tra.

Dù vậy, ngay khi sự việc phát sinh, nhà sản xuất xe đạp Italia là Wilier Triestina có sản phẩm được Van Den Driessche sử dụng vừa dọa kiện cô gái 19 tuổi ra tòa do làm hỏng hình ảnh của họ. Trong lúc ấy, HLV đội tuyển Bỉ là Rudy De Bie tỏ ra chán ghét Van Den Driessche khi ông tuyên bố: “Chúng tôi cứ nghĩ rằng Femke là một tài năng xuất chúng, nhưng hóa ra cô ta đang lừa dối tất cả”. Trong khi ấy, Sven Nys - một trong những tay đua chạy băng đồng kiệt xuất khẳng định anh bị sốc và thất vọng, còn Patrick Lefevere - HLV của đội đua Etixx đòi cấm Van Den Driessche không được thi đấu trọn đời. 

Tại Vòng đua TBN 2014, cua-rơ người Canada là Ryder Hesjedal bị té, nhưng sau vụ tai nạn, bánh sau xe của anh vẫn tiếp tục quay!

Cua-rơ người Thụy Sĩ là Fabian Cancellara từng bị ghi hình với bằng chứng “không thể chối cãi” về hành vi “doping cơ khí”, nhưng vẫn luôn chối cãi và chẳng bị phạt gì.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội