"Cô giáo La sát" Hoàng Thị Ngọc và chuyện vun trồng "hạt giống vàng điền kinh" trên đất nắng lửa
Vừa chạy vừa học vẫn ra huy chương vàng và tấm bằng danh giá
Năm 13 tuổi, cô bé rụt rè Hoàng Thị Ngọc đến từ gia đình thuần nông ở huyện miền núi Tuyên Hóa dự thi hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình (2008) đã lọt vào tầm ngắm của các HLV bộ môn điền kinh Trung tâm TDTT. Ít ai nghĩ được rằng, chỉ 13 năm sau đó, cô bé ấy đã lấy tấm bằng Thạc sỹ và mang về cho tỉnh nhà những tấm huy chương điền kinh quốc tế danh giá.
Thành tích ấy góp phần giúp Quảng Bình được ghi nhận trên bản đồ thể thao nước nhà, rằng nơi này không chỉ có dòng sông Gianh lịch sử đã nhào nặn nên những kình ngư kiệt xuất như Trần Xuân Hiền, Nguyễn Huy Hoàng, mà mảnh đất nắng lửa khô cằn ấy vẫn có thể nảy mầm những "hạt giống vàng" điền kinh...
Ngày 26/7/2017 chắc chắn vẫn mãi là cột mốc khó quên với điền kinh Quảng Bình. Ở phần thi nội dung tiếp sức 4x400m nữ tại SEA Games 29 tại Malaysia, Hoàng Thị Ngọc ở lượt chạy thứ 3 đã tỏa sáng cùng các đồng đội Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền mang về tấm HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Quảng Bình có một tấm huy chương điền kinh SEA Games, mà lại là HCV. 2 năm sau ở Philippines tại kỳ SEA Games 30, Hoàng Thị Ngọc cùng đồng đội một lần nữa bảo vệ thành công tấm HCV nội dung 4x400m tiếp sức nữ. Nghe thông tin ấy từ nhà, HLV Dương Nhật Thu, người dìu dắt những bước chạy đầu tiên của Ngọc tại TDTT Quảng Bình đã nghẹn ngào khóc vì xúc động.
“Lâu nay, khi nhắc tới thể thao thành tích cao Quảng Bình mọi người quen nghĩ tới các môn bơi, lặn, rowing..., gắn với dòng sông Gianh lịch sử. Việc Hoàng Thị Ngọc giành HCV SEA Games 2 kỳ liên tiếp là minh chứng rằng những tài năng điền kinh có thể nảy nở trên mảnh đất nắng lửa khắc nghiệt này. Điều này khiến những người làm công tác thể thao như chúng tôi rất đỗi tự hào", HLV Nhật Thu từng chia sẻ.
Để sàng lọc ra những hạt giống, tài năng điền kinh chưa bao giờ là dễ dàng, và càng khó hơn ở một tỉnh đặc thù không có bề dày truyền thống về điền kinh và kinh phí cho thể thao còn rất eo hẹp cũng như cơ sở vật chất tập luyện còn nhiều hạn chế như Quảng Bình. Hoàng Thị Ngọc được thầy giáo thể dục phát hiện tố chất và khuyến khích tập nhiều môn như nhảy cao, nhảy xa, chạy ngắn. Nhưng gia đình thuần nông của cô bé vẫn muốn con theo học văn hóa cho đến nơi đến chốn để có công việc ổn định.
"Em học văn hóa thuộc diện giỏi nên gia đình muốn em tập trung học văn hóa thay vì theo nghiệp thể thao gian khổ. Nếu không theo thể thao, chắc em đã thi vào ngành công an, vì hâm mộ các cô chú cảnh sát hình sự trong phim từ nhỏ", cô gái với cá tính độc lập, mạnh mẽ và mái tóc tém hệt con trai chia sẻ, và không giấu sự hâm mộ dành cho cả người anh trai ruột hiện là quân nhân chuyên nghiệp
Nếu không có giải hội khỏe Phù Đồng hồi năm 2008 và cặp mắt tinh đời của những nhà tuyển trạch ở địa phương, Quảng Bình đã để lỡ một "hạt giống vàng điền kinh". Nhưng bên cạnh sự kèm cặp, chỉ bảo, uốn nắn và dạy dỗ cả về chuyên môn lẫn nhân cách từ những người thầy đầu tiên, để "hạt giống" nảy nở thành công mang về thành tích chói lọi là cả hành trình dài phấn đấu bền bì, nỗ lực, sự hy sinh và cả thái độ tập trung chuyên nghiệp trong tập luyện lẫn sinh hoạt của chính bản thân VĐV.
Với Hoàng Thị Ngọc, sau tấm HCB nội dung 400m nữ ở giải lứa tuổi tại Nghệ An, năm 2010 bắt đầu được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia tập trung tại trường TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh, bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới, tự lập xa nhà khi mới 15 tuổi.
Đấy là một bước ngoặt nữa khi môi trường mới giúp nâng bước thành tích cho Ngọc để rồi những tấm huy chương quốc tế như HCB cá nhân 400m, HCV đồng đội 4x400m giải trẻ, giải học sinh ĐNÁ, và đỉnh điểm là HCĐ giải trẻ châu Á 2014 đã mở ra cánh cửa lên đội tuyển quốc gia khi Ngọc tròn 20 tuổi, năm 2015.
Phải mất 2 năm "ăn cơm Nhổn", tập trọn những giáo án nặng bất kể ngày nắng mưa đông hè, học hỏi nhìn vào kinh nghiệm những đàn anh đàn chị đi trước và rút ra bài học giúp phát huy tối đa tố chất điểm mạnh cá nhân, kể từ năm 2017 mới đánh dấu rõ nét bước chạy của cô gái từ Quảng Bình trong đội hình tiếp sức 4x400m nữ với rất nhiều ngôi sao lừng lẫy như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền hay Nguyễn Thị Oanh.
Ngọc không có thể hình lý tưởng như Lan, tốc độ tốt như Oanh và kinh nghiệm bản lĩnh càng thua xa đàn chị từng dự Olympic Nguyễn Thị Huyền. Nhưng đóng góp về chuyên môn, cá tính và cả sự ăn ý trong từng động tác bắt nhịp, trao-nhận gậy của chân chạy có vóc dáng "lực lưỡng" và mái tóc tém rất dễ nhận ra này trong đội hình tiếp sức 4x400m là không cần bàn cãi.
Tấm HCV 4x400m nữ giải châu Á 2017 cùng 3 kỳ SEA Games liên tiếp thi đấu chính thức từ 2017 đến 2022 tại Việt Nam đủ cho thấy đẳng cấp của "Ngọc La sát". Ấn tượng hơn, trong những năm tháng ấy, ít người biết rằng chân chạy có sức học đáng nể này đã nỗ lực gấp bội khi dành tối đa thời gian rảnh rỗi ít ỏi và tiết kiệm số tiền không nhiều từ những khoản thưởng thành tích để hoàn thành xuất sắc hành trình học văn hóa tại trường Từ Sơn.
Với một VĐV đỉnh cao, không ít người phải mất tới 6-8 năm mới hoàn thành xong tấm bằng cử nhân vì rất nhiều lý do. Một trong số đó là thu xếp thời gian theo học khi phải tập luyện từ sáng đến chiều muộn mệt lử khiến ngay cả "chuyện ăn uống còn chả buồn động đến", hay việc đi tập huấn và thi đấu quanh năm suốt tháng...
Nhưng với Ngọc, chỉ hơn 2 năm sau kỳ SEA Games 2019 thành công ở Philippines, ở tuổi chưa đầy 26 vẫn đang đỉnh cao sự nghiệp, tấm bằng Thạc sỹ có lẽ là món quà tuyệt vời khác - bên cạnh những tấm huy chương - cô dành tặng bố mẹ, những người từng không muốn con gái theo thể thao để tập trung học văn hóa.
-->>> Tuyển thủ điền kinh dành dụm tiền thưởng SEA Games khổ luyện lấy bằng thạc sĩ
"Cô giáo La sát" và chuyện tiếp bước gieo "hạt giống vàng điền kinh" trên đất nắng lửa
Một ngày trung tuần tháng 6 vừa qua khi Hoàng Thị Ngọc chia sẻ những bức hình thú vị trên cương vị mới: "cô giáo Ngọc La sát" dẫn dắt đội điền kinh măng non Quảng Bình đi thi đấu giải Vô địch các nhóm tuổi trẻ quốc gia 2023 tại Bến Tre, hẳn nhiều người càng bất ngờ hơn nữa với sự thay đổi này.
1 năm trước đó, kỳ SEA Games 31 trên sân nhà Việt Nam vào tháng 5/2022 tưởng như sẽ là kỷ niệm ngọt ngào nhất với Hoàng Thị Ngọc khi gia đình có mặt ở sân Mỹ Đình cổ vũ cô con gái lần thứ 3 giành tấm HCV SEA Games nội dung 4x400m nữ, thì "biến cố doping" sau đó quả là kỷ niệm tồi tệ đáng quên.
Cú tai nạn đó không khuất phục được ý chí thi đấu của Ngọc, nhưng mặt khác nó cũng mở ra cơ hội hay nói chính xác hơn là thôi thúc nhanh hơn ý định trở về địa phương cống hiến tiếp cho điền kinh Quảng Bình trên vai trò mới.
"Quyết định chuyển về công tác tuyển quân, đào tạo huấn luyện quản lý các em trẻ năng khiếu ở địa phương là dự định trước khi có sự cố doping. Em cũng theo thể thao được xấp xỉ 15 năm, cống hiến những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết nhất. Giờ là lúc thích hợp chuyển sang công tác huấn luyện, để thế hệ trẻ vươn lên ở đội tuyển quốc gia", Hoàng Thị Ngọc chia sẻ.
Nếu nhìn lại hành trình vươn đến đỉnh cao sự nghiệp thể thao mà vẫn hoàn thành một cách lý tưởng việc học văn hóa, việc trở thành HLV, "cô giáo Ngọc La sát" ở tuổi 28 khi nhiều đồng đội vẫn còn thi đấu trên tuyển là điều không có gì phải nghi ngờ.
Trên cương vị vai trò mới, Hoàng Thị Ngọc vẫn được sự chỉ bảo của một trong những người thầy cũ, HLV Dương Văn Mạnh. Và cái cách "cô giáo La sát" cùng những "hạt giống vàng" mới của điền kinh Quảng Bình ngay lập tức tỏa sáng quả thực rất bất ngờ, thú vị.
Với 10 tấm huy chương, trong đó có 4 tấm HCV, 4 HCB và phá 1 kỷ lục trẻ QG, những cô nhóc cậu bé của "cô giáo La sát" đã tạo ra hiện tượng thú vị ở giải các nhóm tuổi trẻ quốc gia. Nếu 15 năm trước điền kinh Quảng Bình bắt đầu bước ra ánh sáng với cô bé Hoàng Thị Ngọc thì giờ lớp kế cận cô bé ấy giúp Quảng Bình xếp thứ 6 tại một giải đấu cấp quốc gia.
Tất nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Theo đánh giá của những nhà làm chuyên môn, giải nhóm tuổi trẻ mới là bước đầu tiên nhận diện ra những VĐV có tố chất để theo điền kinh và từ đó bồi dưỡng, hướng dẫn tập luyện điền kinh bài bản, khoa học nhằm phát triển lên chuyên nghiệp.
Như thế, để đánh giá sự phát triển của những "hạt giống điền kinh" nảy mầm từ miền đất nắng lửa Quảng Bình này, mức độ kế tiếp sẽ là giải vô địch trẻ quốc gia và sau đó là cả một hành trình dài, rất dài nữa.
Liệu bao nhiêu trong số những cô cậu bé này sẽ vươn đến tầm giành huy chương quốc gia, trở thành tuyển thủ quốc gia và nhắm tới thành tích khu vực, châu lục? Có lẽ chỉ tương lai mới biết, nhưng bây giờ, ít nhất những "hạt giống điền kinh" này cũng có một tấm gương để nhìn vào và noi theo vươn lên, đó là "cô giáo La sát".
-->>> Thạc sĩ chạy vượt rào Trần Thị Yến Hoa và ngã rẽ cuộc đời sau SEA Games 30
VIDEO: đội hình tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam vô địch giải châu Á 2023