Kế hoạch tập luyện 3 môn phối hợp cho ‘newbie’

thứ năm 2-5-2019 3:15:00 +07:00 0 bình luận
Giấc mơ trở thành một Ironnam hiện không còn quá xa vời khi ở Việt Nam hiện nay, phong trào tập luyện và thi đấu 3 môn phối hợp đã khá phát triển. Nhưng để bắt đầu bước vào hành trình trở thành “Người sắt” thì những người mới nên tìm hiểu những điều dưới đây.

3 môn phối hợp có những cự ly nào?
Hiện tại, có một số cự ly chuẩn cho các cuộc thi 3 môn phối hợp được thiết kế phù hợp với nhiều cấp độ.

- Sprint: cự ly thích hợp cho những “newbie” (người mới tập) khi quãng đường cho từng nội dung khá dễ chịu: bơi 750m, đạp xe 20km và chạy 5km. Ở Việt Nam hiện đã có giải Sprint khá nổi tiếng do Sunrise Sprint Vietnam tổ chức. Hay gần đây nhất, Sprint cũng là nội dung xuất hiện tại TRI-Factor 2019 tổ chức tại Vũng Tàu ngày 7/4/2019.
- Olympic (51,5km): 3 môn phối hợp ở Thế vận hội có tổng cự ly là 51,5km: 1,5km bơi, 40km đạp xe và 10km chạy.

- Half Ironman (70.3): dành cho những người bán chuyên. Ở những cuộc thi này, các vận động viên sẽ phải bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy 21km. Ironman 70.3 Vietnam là cuộc thi “bán Người sắt” nổi tiếng tại Việt Nam. Năm nay, mùa thi thứ năm của giải này được tổ chức tại Đà Nẵng vào 12/5/2019. Đây cũng là giải Ironman 70.3 vô địch châu Á Thái Bình Dương, quy tụ nhiều hảo thủ khắp nơi trên thế giới. Sau giải này, 50 vận động viên xuất sắc nhất sẽ giành vé dự giải vô địch thế giới được tổ chức tại Nice (Pháp) vào 7-8/9/2019.
- Ironman (140.6): Đây chính là cuộc thi dành cho những vận động viên chuyên nghiệp hoặc những người có đủ thời gian tập luyện để chinh phục các nội dung “khủng”: bơi 3,8km, đạp xe 180km và chạy 42km. Ironman ở Kona, Hawaii (Mỹ) là giải đấu mà mọi triathlete mơ ước được thi đấu.

Bắt đầu tập luyện
Để chinh phục Sprint, bạn cần phải lên kế hoạch tập luyện nghiêm túc từ 3 tháng trước cuộc thi. Nếu đã từng tập luyện các môn khác đều đặn, có thể lực tốt thì thời gian chuẩn bị có thể giảm xuống còn khoảng 2 tháng.

- Cần duy trì chế độ tập 2 buổi mỗi tuần cho cả 3 môn bơi-đạp-chạy. Dần dần, bạn phải đẩy mức độ lên cao hơn, ví dụ 2 môn liên tục cho một buổi tập trong tuần. Chú ý, không tăng khối lượng tập nhiều quá 10% ở mỗi môn cho những tuần kế tiếp.
- Kết hợp tập khả năng chịu đựng, bên cạnh các bài tập sức bền. Những bài tập bổ trợ cho các nhóm cơ bắp là rất cần thiết. Vào phòng thể hình tập hoặc tập ngay tại nhà là điều cần thiết.
- Các bài tập tăng sức mạnh cơ lưng, vai và cánh tay là điều bắt buộc cho môn bơi.
- Tập cơ mông, đùi, gân… nên được chú trọng cho các bài đạp xe.
- Bài tập chạy cần chú ý đến sức mạnh cơ chân, bên cạnh các bài tập bổ trợ về hông, vai…
- Chú ý có 1-2 ngày nghỉ trong tuần để cơ thể hồi phục.

Luyện bơi cơ bản
Bơi được hầu hết người tập 3 môn phối hợp xác nhận là nội dung khó khăn nhất. Bơi quyết định nhiều đến việc hoàn thành cả chặng, nếu thất bại thì những nội dung sau sẽ không được thi đấu.

Khi bắt đầu tập bơi, bạn nên chọn bể bơi không quá đông, tốt nhất có thêm bạn “cùng level” để luyện cho phù hợp. Thuê chuyên gia dạy bơi ngay từ đầu cũng là gợi ý tốt bởi tập đúng kỹ thuật ngay từ đầu sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian hơn.

Phụ kiện cần cho các buổi học bơi: quần áo bơi (nên là đồ bơi chuyên dụng để tập làm quen ngay từ đầu), kính bơi (gần như bắt buộc), mũ (giúp đầu tóc gọn gàng) và nút tai (tránh nước)…

Kỹ thuật: cần tập thở trước khi tập các động tác bơi khác. Bơi tự do (bơi sải) là kỹ thuật được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, bơi ếch cũng rất cần, nhất là khi biển động. Lặn cũng là kỹ thuật cần phải lưu ý học nghiêm túc.

Đạp xe cơ bản
Bơi là nội dung khó, nhưng đạp xe lại là nội dung giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian tổng. Nếu đạp xe tốt, bạn có thể rút ngắn thời gian khá nhiều. Xe đạp dành cho các cuộc thi 3 môn phối hợp có quy định rõ ràng. Dĩ nhiên, một chiếc xe đạp đường bằng chuyên dụng là tuyệt nhất khi bạn sẽ không được phép sử dụng… xe đạp leo núi để thi đấu.

Khi chọn xe mới tập, bạn không cần một chiếc quá đắt tiền. Thậm chí, xe đã qua sử dụng có giá từ 20 triệu đồng trở lên là đã có thể dùng ổn.

Cần nắm rõ phần kỹ thuật đạp xe, nắm được cách vận hành của đĩa số, phanh… để làm chủ chiếc xe và tốc độ của bạn. Hiện tại, nhiều cửa hàng bán xe đạp luôn có những tư vấn viên sẵn sàng giúp bạn nắm rõ các kỹ thuật cơ bản của xe cũng như tập luyện.

Cần phải làm quen với xe mới trong vài buổi. Sắm các phụ kiện như trang phục phù hợp, mũ, kính, găng tay, giày cá… Các buổi tập đạp xe cũng nên đạt tối thiếu 25-40km, và nên tập ở nhiều địa hình như đường bằng, leo dốc, đổ đèo…

Chạy cơ bản
Chạy được coi là đơn giản nhất khi bạn chỉ cần một bộ quần áo và một đôi giày. Luyện chạy hàng ngày từ những cự ly ngắn 3-5km đều đặn. Chạy thả lỏng, tránh nhịp tim lên quá cao, tránh tăng cự ly quá nhanh… là dần dần bạn đã có thể “nuốt” được môn này.

Nên kết hợp 2 nội dung tập trong một buổi vào một ngày nào đó trong tuần. Ví dụ đạp xe 40km, xong chạy tiếp 10km… Dần dần, kết hợp đủ cả 3 môn trong một buổi tập, có thời gian tập đúng kế hoạch là bạn đã sẵn sàng cho các cuộc thi 3 môn phối hợp rồi.

Thanh Mai
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội