Sự “thất truyền” của nhảy cao Việt Nam - Kỳ 2: Khi “huyền thoại nhảy cao” chia tay sự nghiệp quá sớm
Tính đến thời điểm này, nhảy cao Việt Nam vẫn chưa tìm được ai thay thế Nguyễn Duy Bằng và Bùi Thị Nhung, những người đang nắm giữ kỷ lục quốc gia cũng như những thành tích vươn tới tầm châu Á. Tuy nhiên, khi cả hai giải nghệ, nhảy cao Việt Nam đã “thất truyền thành tích”…
Nguyễn Duy Bằng: Chia tay trên đỉnh cao sự nghiệp
Trong làng điền kinh Việt Nam, đặc biệt ở nội dung nhảy cao nam, không ai là không biết về tài năng và cá tính mạnh của Nguyễn Duy Bằng. Chàng trai quê Bến Tre thống trị nội dung nhảy cao và là VĐV đẳng cấp nhất mà nhảy cao nam Việt Nam có được.
Sở hữu kỷ lục quốc gia lên tới 2,25m, thành tích đáng kinh ngạc lập lại Giải Các ngôi sao châu Á 2004 lúc 22 tuổi, Nguyễn Duy Bằng xác lập một mức xà mà nhiều chuyên gia có lẽ khó có VĐV Việt Nam sau này xô đổ được. 2005 cũng là kỳ SEA Games thành công nhất với chàng trai sinh năm 1982 khi anh giành tấm huy chương vàng đầu tiên ở đấu trường Đông Nam Á sau cú nhảy 2,14m.
Tuy nhiên, vào năm 2007, khi ấy mới 25 tuổi, Nguyễn Duy Bằng bất ngờ tuyên bố nghỉ thi đấu khi vẫn đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Những khúc mắc của anh với đơn chủ quản là chuyện cá nhân, nhưng kéo theo đó là những rạn nứt về việc đãi ngộ khiến anh không còn hứng thú cống hiến nữa.
Sau những trắc trở đó, Nguyễn Duy Bằng vẫn gắn bó với hố nhảy cao và chỉ thật sự giải nghệ vào năm 2014, nhưng thành tích của anh không còn được như xưa nữa. Chấn thương liên miên, cộng với sự thăng tiến về trình độ của đối thủ, Nguyễn Duy Bằng chính thức chia tay bộ môn đã mang đến cho anh danh tiếng.
Duy Bằng kết hôn với Nguyễn Thị Ngọc Tâm năm 2009, người cũng là một tài năng nhảy cao nữ nhưng chưa phải là số 1 bởi “lấp bóng” đồng nghiệp Bùi Thị Nhung quá xuất sắc cùng thời. Hai vợ chồng Duy Bằng - Ngọc Tâm tự gây dựng sự nghiệp riêng bằng việc mở các trung tâm huấn luyện phát triển chiều cao cho trẻ em.
CLB Bằng Tâm do Ngọc Tâm chủ yếu đứng lớp có tới hàng trăm học viên, chủ yếu là các em nhỏ được cha mẹ gửi gắm để tham gia các khóa học nhằm phát triển thể lực, đặc biệt là phát triển chiều cao. Ngoài công việc quản lý CLB, Duy Bằng còn thành lập và dẫn dắt đội bóng đá của trung tâm để sinh hoạt, giao lưu thi đấu với nhiều đối tác khác.
Với công việc và vị thế hiện tại, ít nhất thì Duy Bằng vẫn còn đang làm một công việc liên quan đến thể thao, đến chuyên môn của mình. Anh tham gia công tác đào tạo VĐV nhảy cao trẻ cho thể thao TP.HCM, như một cách để tiếp tục những đam mê với nghề nghiệp.
Dưới tay đào tạo của Nguyễn Duy Bằng, cũng có một số VĐV trẻ được phát hiện và huấn luyện bài bản. Đáng chú ý nhất là Cao Võ Ngọc Long, chàng trai sở hữu kỷ lục quốc gia trẻ 2,10m khi mới 17 tuổi 3 năm trước. Ngọc Long giành huy chương vàng Giải trẻ châu Á 2017 (2,10m), rồi vô địch Giải điền kinh vô địch các lứa tuổi Đông Nam Á 2017 tại Philippines (2m) và giành cả suất dự Giải vô địch điền kinh trẻ thế giới 2017 tại Kenya.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, người ta ít còn nghe đến cái tên Cao Võ Ngọc Long nữa…
Bùi Thị Nhung và “ngã rẽ an toàn” sau giải nghệ
Cũng giống Nguyễn Duy Bằng, Bùi Thị Nhung là đại diện xuất sắc nhất của nhảy cao nữ Việt Nam. Cô gái Hải Phòng trở thành hiện tượng đặc biệt khi xuất sắc giành huy chương vành Giải Vô địch châu Á 2003 tổ chức ở Manila (Philippines), trở thành người đầu tiên mang về huy chương vàng điền kinh một nội dung thi đấu Olympic cho thể thao Việt Nam. Cú nhảy 1,88m đã khiến Bùi Thị Nhung trở thành đối thủ đáng gờm ở tất cả các giải đấu lớn nhỏ sau đó.
Bùi Thị Nhung cũng gặt hái hàng loạt thành công và thành tích 1,94m mà cô đạt được tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2005 có lẽ là kỷ lục quốc gia mà khó có đàn em nào vượt qua được. Cũng đoạt huy chương vàng SEA Games đầu tiên năm 2005 như Nguyễn Duy Bằng, Bùi Thị Nhung còn lên bục cao nhất lần nữa năm 2007 và thành tích 1,88m là mức nhảy ổn định nhất của ngôi sao này.
Cùng tổ tập luyện với Duy Bằng - Ngọc Tâm, Bùi Thị Nhung cũng kết hôn năm 2009 như cặp đôi này, nhưng ông xã lại là Nguyễn Chí Đông, một ngôi sao chạy marathon nổi tiếng không kém. Cũng gặp chấn thương liên miên, Bùi Thị Nhung quyết định chia tay hố nhảy cao cũng đã 10 năm.
Khác với Duy Bằng, người chọn làm công tác huấn luyện và cùng vợ quản lý trung tâm thể thao phát triển chiều cao, môn học có liên quan đến nghề nghiệp, Bùi Thị Nhung lại chọn công việc hành chính cho Trung tâm Đào tạo VĐV Hải Phòng, không còn dính dáng đến việc phát hiện và đào tạo lứa kế cận nữa.
Nhìn vào thành tích của nhảy cao Việt Nam tại đấu trường SEA Games gần đây, có thể thấy đây không còn là môn mũi nhọn, có khả năng “gánh vàng” cho điền kinh Việt Nam. Lứa VĐV kế cận không có ai đủ tố chất để tiếp bước các “huyền thoại nhảy cao”, chứ chưa nói đến việc… vượt mặt.
>>>Sự “thất truyền” của nhảy cao Việt Nam - Kỳ 1: Thời hoàng kim dần xế tà