Thảm cảnh phía sau kỳ tích điền kinh Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình vượt mặt người Thái, lên “đỉnh” SEA Games
Thành quả ấy tiếp tục được bảo vệ vững chắc ở SEA Games 30. Với Asiad 2018, điền kinh Việt Nam cũng lần đầu giành được tới 2 HCV.
Phía sau hào quang choáng ngợp kết đọng cho cả hành trình qua 2 thập kỷ đầy mồ hôi, nước mắt ấy của môn điền kinh là thảm cảnh của sự nhìn nhận, đầu tư bất cập đến khó tin.
“Ăn đong” từng tấm huy chương
Có mặt từ ngay kỳ SEA Games tái hội nhập năm 1989, điền kinh đã phải trắng mắt trước sự thật phũ phàng bị tụt hậu quá xa so với mặt bằng chung khu vực khi không giành nổi huy chương nào. Hai năm sau tại SEA Games 1991, môn này mới có 2 tấm huy chương, trong đó có HCB quý hơn Vàng của tuyển thủ nhảy cao Vũ Mỹ Hạnh.
Đến SEA Games 1995, điền kinh mới giành tấm HCV đầu tiên, kỳ tích ấy chính là người phụ nữ giờ đang vật lộn với nghịch cảnh Vũ Bích Hường trên đường chạy 100m rào.
Từ Mỹ Hạnh tới Bích Hường, điền kinh Việt Nam đã có những bước tiến song đến cả chục năm sau vẫn chưa thoát cảnh ăn đong từng tấm huy chương SEA Games. Riêng HCV đạt được đều nhờ cả vào nỗ lực tự thân của VĐV cùng may mắn, kiểu như Phan Văn Hóa (HCV 800m nam năm 1999) hay Phạm Đình Khánh Đoan (HCV 800m nữ năm 1999, 800m nữ và 1.500m nữ năm 2001).
Vượt bão gian tuổi và bệnh thành tích trước mắt
Việc Việt Nam chuẩn bị đăng cai SEA Games 2003 với một chương trình mục tiêu quốc gia đã mở ra cơ hội phát triển có một không hai, cũng như đặt ra cả một thách thức lớn đối với môn điền kinh.
Ngoài điều kiện khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, lực lượng, môn này còn bế tắc bởi cơn bão gian lận tuổi gắn với căn bệnh thành tích trước mắt của cả làng điền kinh Việt. Như các nhà quản lý huấn luyện nhớ lại thì tỷ lệ sai lệch tuổi tại nhiều giải trẻ lên tới 50%. Các địa phương và chính các VĐV đều chỉ bó hẹp mình trong những giải đấu quốc nội mà không hề có niềm tin có thể vươn ra quốc tế.
Có hai việc vừa mang tính chiến lược vừa là giải pháp cấp bách đã được những người có trách nhiệm của điền kinh Việt nam đã tập trung quyết liệt, mạnh mẽ, bền bỉ.
Thứ nhất, đã quyết tâm tuyên chiến với vấn nạn gian tuổi. Hàng loạt đơn vị, VĐV đã bị chỉ mặt điểm tên, rất nhiều biện pháp phòng chống được áp dụng hiệu quả.
Thứ hai, ngoài sự ưu tiên các nội dung truyền thống, điển hình cự ly chạy trung bình hay nhảy cao, điền kinh Việt Nam cũng tích cực “đón đầu” các nội dung khó và mới như chạy ngắn, phối hợp, nhảy, dưới sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế.
Chính động lực SEA Games 22 cùng các biện pháp căn cơ và rất trúng ấy đã giúp môn này có những đột phá từ gốc rễ. Vấn nạn gian tuổi lập tức được chặn đứng, và nhanh chóng được đẩy lùi. Một khí thế mới đã xuất hiện ở nhiều địa phương, đơn vị, nhất là những nơi có truyền thống như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Quân đội, Nam Định. Điển hình như Hà Nội tiến hành tuyển chọn kỹ lưỡng rồi gửi quân sang Trung Quốc đào tạo dài hạn ở rất nhiều nội dung
Lật đổ người Thái lên “đỉnh” SEA Games
Những sự thay đổi cả lượng lẫn chất ấy của điền kinh Việt Nam đã cho ra “điểm rơi” rực rỡ đầu tiên tại chính kỳ SEA Games 22 trên sân nhà khi đoạt tới 8 HCV, vượt cả thành tích của 7 kỳ Đại hội trước cộng lại. Ngoài ngôi sao Nguyễn Thị Tĩnh đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục, chúng ta còn lần đầu bước lên ngôi cao nhất ở nhiều nội dung vẫn được cho là siêu khó như 7 môn phối hợp nữ, 10.000m nữ, hay tiếp sức 4x400m nữ.
SEA Games 2005 có thể coi như một cột mốc đánh dấu một nền tảng vững chắc, một cuộc vượt ngưỡng khi điền kinh tái lập chiến tích 8 HCV.
Kể từ đó, môn cơ bản số 1 đã liên tục đột phá. Điền kinh Việt Nam đã luôn hoàn thành chỉ tiêu giành 7- 9 HCV ở các kỳ SEA Games bất chấp mọi hoàn cảnh, để lọt vào nhóm dẫn đầu.
SEA Games 2015, điền kinh Việt Nam đã khiến cả khu vực, kể cả người Thái phải nể phục và sợ hãi khi lần đầu nâng số HCV của mình lên hai con số, với 11 lần đăng quang.
Để rồi cả hành trình hai thập kỷ gian khổ và vinh quang của điền kinh Việt Nam đã kết đọng đỉnh cao chính ở kỳ SEA Games 2017.
Trước khi lên đường sang Malaysia tranh tài, đội tuyển Việt Nam với 40 tuyển thủ đặt chỉ tiêu giành 12 HCV song hướng tới một đích nhắm cao hơn nhiều. Các tuyển thủ Việt Nam đã tạo nên những cuộc bùng nổ khó tin liên tiếp trên SVĐ Bukit Jalil, để làm nên một cuộc đại phá và đại thắng của điền kinh ở đấu trường khu vực.
Chung cuộc, với 17 HCV, điền kinh Việt Nam đã lần đầu lật đổ sự thống trị tưởng như tuyệt đối của Thái Lan với thành tích gấp đôi để chiếm ngôi nhất toàn đoàn. Nếu tận dụng tốt hơn, số HCV còn có thể đạt con số trên dưới 20. Quan trọng hơn, đến SEA Games 2019, điền kinh Việt Nam lại bảo vệ vững chắc ngôi đầu với 16 HCV. Điền kinh đã đóng góp 1/3 tổng số HCV cho đoàn TTVN, và quan trọng hơn mang lại niềm tự hào, vị thế riêng, chứng tỏ diện mạo và nền tảng mới của thể thao Việt Nam.
Điều đáng nói, ngoài số HCV này trải khắp các nội dung, đặc biệt áp đảo về nữ, những gì mà điền kinh Việt Nam thể hiện còn cho thấy bước nhảy vọt về chất với hàng chục thông số vượt qua mức huy chương ASIAD, kể cả Vàng.
Môn này đã tạo nên những kỷ lục gia làm nghiêng ngả khu vực, vươn tới tầm châu lục trong nhiều năm, như Vũ Thị Hương (100m và 200m nữ), Trương Thanh Hằng (800m và 1.500m nữ), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp), Bùi Thị Nhung (nhảy cao nữ), Quách Thị Lan (400m và 400m rào), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ).
Điều đó đã được minh chứng ở ASIAD 2018 khi điền kinh Việt Nam lần đầu tiên đoạt HCV với sự tỏa sáng của “nữ hoàng nhảy xa” Thu Thảo. Và sau đó là tấm HV thứ 2 của Quách Thị Lan được công nhận ở nội dung 400m, do VĐV về nhất bị tước huy chương vì dính doping.
Đón đọc kỳ 2:
Chuyện những tấm HCV “rẻ” nhất thế giới
Những cột mốc SEA Games của điền kinh Việt Nam
SEA Games 1989: không giành được huy chương
SEA Games 1991: 2 huy chương đầu tiên, 1 HCB (Vũ Mỹ Hạnh nhảy cao), 1 HCĐ (Nguyễn Thu Hằng 100m rào nữ)
SEA Games 1995: lần đầu giành HCV (Vũ Bích Hường, 100m rào)
SEA Games 1999: lần đầu có 2 HCV (Phan Văn Hóa 800m nam, Phạm Đình Khánh Đoan 800m nữ)
SEA Games 2003: tạo cột mốc 8 HCV cùng 1 kỷ lục đầu tiên (Nguyễn Thị Tĩnh, 400m nữ)
SEA Games 2013: lần đầu số HCV vọt lên 2 con số (11)
SEA Games 2015: 11 HCV, phá 3 kỷ lục, giành 2 chuẩn Olympic
SEA Games 2017: 17 HCV, lần đầu đoạt ngôi nhất toàn đoàn
SEA Games 2019: 16 HCV, bảo vệ thành công ngôi nhất