Vì sao Huy Hoàng vẫn dự giải bơi VĐQG bể 25m dù đã có vé Olympic?
Sáng ngày 25/3, Huy Hoàng bước vào tranh tài ở cự ly sở trường 400m tự do. Ông Hoàng Quang Minh, Trưởng bộ môn bơi lội, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT tỉnh Quảng Bình lo lắng vì Huy Hoàng vừa mới điều trị chấn thương vai.
Ở ngày thi đấu đầu tiên, Huy Hoàng đoạt HCĐ nội dung 200m tự do, sau Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên. Tuy vậy, đẳng cấp, bản lĩnh của siêu kình ngư từng giành 1 HCB và 3 HCĐ ASIAD giúp Huy Hoàng cán đích đầu tiên với thông số 3:46.67. Đỗ Ngọc Vinh (Hà Nội), Quang Thuấn (Quân đội) xếp thứ 2 và 3.
Trần Hưng Nguyên bỏ cuộc khi vừa mới thi đấu khoảng 200m đầu. Anh bị đối thủ bỏ xa và chủ động dừng cuộc. Sau phần thi này, kình ngư đoàn Quân đội còn tranh tài ở hai cự ly 200m hỗn hợp và 4x100m tự do tiếp sức nam.
Đây là tấm HCV đầu tiên của Huy Hoàng ở giải đấu lần này. Anh đang là VĐV bơi lội duy nhất của Việt Nam có vé đến Paris và vẫn đang tìm kiếm thêm một suất tham dự Olympic 2024. Ngoài ra, giải bơi bể 25m không có trong hệ thống thi đấu Olympic và cũng chỉ có giải vô địch thế giới. Châu Á và Đông Nam Á không tổ chức.
Lý giải cho việc vì sao Huy Hoàng vẫn tham dự, ông Minh cho biết: “Hoàng thi đấu và tập huấn quanh năm nên ít có dịp thi đấu cho đơn vị địa phương Quảng Bình. Ở giải VĐQG bể 25m, hai năm trước, Hoàng không dự vì tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. Một năm Hoàng cũng chỉ có tham dự giải trong nước cho địa phương 1-2 giải. Ở đợt này, cậu ấy tập luyện trong nước nên tham dự giải. Ngoài đội tuyển quốc gia, VĐV cũng cần tham dự cho địa phương”.
Quảng Bình tham dự giải bơi bể VĐQG 25m với 3 VĐV. Ngoài Huy Hoàng còn có Ngô Minh Chiến (17 tuổi), Phạm Châu Hoàng Hà (12 tuổi). Cả hai đều không thể cạnh tranh huy chương.
Mục tiêu giành 2 HCV đặt cả lên vai của Huy Hoàng. Kình ngư sinh năm 2000 còn một 1 nội dung sở trường 1.500m vào ngày 27/3. Sau đó, anh di chuyển ra Hà Nội và không thể tranh tài ở nội dung 200m bướm trong ngày thi đấu cuối cùng (28/3).
Ở ngày thi đấu thứ 3, 5 HCV cá nhân chia đều cho các VĐV: Nguyễn Diệp Phương Trâm (TPHCM, 50m ngửa nữ), Trần Duy Khôi (TPHCM, 50m ngửa nam), Thúy Hiền (Quân đội, 100m ếch nữ), Võ Thị Mỹ Tiên (Long An, 400m tự do nữ), Trần Hưng Nguyên (Quân đội, 200m hỗn hợp nam). TPHCM và Đà Nẵng giành hai HCV ở các nội dung tiếp sức.
Có một kỷ lục được phá là 4x100m tự do nam của Đà Nẵng với 3:22.31. Điều này cho thấy sự hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao khi không có bất cứ VĐV nào tỏ ra vượt trội.
Sau ba ngày thi đấu, đoàn TPHCM dẫn đầu với 8 HCV, xếp sau là Quân đội (7 HCV) và Đà Nẵng (4 HCV).