Ansu Fati - Ác quỷ trong bộ mặt trẻ thơ
Năm 2001, cha của Fati rời Cộng hòa Guinea-Bissau để chuyển đến Tây Ban Nha với mong muốn sẽ có được cuộc sống tốt hơn giống như nhiều người dân châu Phi khác. Ông chọn ngôi làng nhỏ Herrera ở ngoại ô Sevilla để làm nơi định cư của gia đình.
Ở quê nhà, cha Fati từng chơi bóng và niềm đam mê của ông cũng được truyền cho con trai lớn Braima và thằng em Ansu.
"Tôi không hề có khái niệm thằng nhóc có kỹ năng chơi bóng", ông Bori nhớ lại thời điểm Ansu bắt đầu bén duyên với trái bóng, trước sinh nhật 7 tuổi của cậu.
"Nó ngày nào cũng hỏi đi hỏi lại: 'Bố cho con đi đá bóng'. Cuối cùng, quá mệt mỏi với màn 'tra tấn tinh thần' của nó mà tôi phải miễn cưỡng đồng ý. Đưa nó đến sân tôi để nó chơi ở đường piste và bảo: 'Khi nào con thấy mệt thì tự về nhé', rồi sau đó tôi đi làm.
"Tối hôm đó trở về nhà tôi ngạc nhiên thấy một nhóm người đứng trước cửa. Họ nói với tôi: 'Fati, ông biết mình đang có gì không đấy?'. Tôi trả lời 'không'. Tôi không hiểu họ đang nói cái gì. Họ nói tiếp: 'Ngày mai đưa Ansu đến sân bóng và ông nhớ xem nó chơi.
"Hôm sau tôi nán lại để xem Ansu chơi bóng, và thấy nó chơi cũng 'ra gì" ra phết, rê dắt bóng qua hết đối thủ".
Không lâu sau cái ngày ông Bori được hàng xóm cho biết con ông chơi bóng cũng cừ thì một người khác xuất hiện trước cửa nhà ông, tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời của thằng con trai mà ông chưa từng nghĩ sẽ hướng nó đi. Đó là Palo Banco, Giám đốc phụ trách đào tạo trẻ Sevilla. Blanco đã nhìn Ansu và anh trai Braima chơi bóng và muốn hỏi thêm thông tin về gia đình hai cậu nhóc.
Ansu ký hợp đồng với CLB địa phương Escuela Peloteros de Herrera vào tháng 12 năm 2009. Cậu nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của đội U8 trong khi tập luyện với Sevilla hàng tuần. Tài năng Ansu được ghi nhận và Sevilla đã lên kế hoạch sẽ sở hữu cậu hoàn toàn trong tương lai. Giống như nhiều cầu thủ trẻ khác, Sevilla luôn làm tốt nhất có thể để Ansu không rơi vào tầm ngắm của những "cá mập" Real Madrid và Barca. Nhưng nỗ lực của đội bóng này đã không thành.
Những người phụ trách học viện trẻ Real Madrid và Barca đã phát hiện ra Ansu, và họ cũng lần lượt gõ cửa nhà Ansu ở ngôi làng dân số hơn 5 nghìn dân.
"Real Madrid đề nghị một khoản tiền và một căn nhà ở Madrid", ông Bori nhớ lại những đãi ngộ được đội chủ sân Bernabeu đưa ra để thuyết phục ông cho Ansu về Học viện trẻ CLB.
Nhưng có một điều mà Giám đốc Học viện đào tạo trẻ của Real Madrid sau đó là Paco de Garcia không thể đáp ứng được cho nhà Ansu: Khu tập luyện phức hợp Valdebebas của CLB vẫn chưa có khu ký túc xá để các cầu thủ trẻ có thể ở lại qua đêm. Điều đó khiến cha Ansu cảm thấy lấn cấn, không chắc chắn việc gia nhập Real Madrid có thực sự phù hợp với con trai mình hay không.
Phía Barca cử điều phối viên bóng đá trẻ CLB khi đó là Albert Puig đến nói chuyện với cha Ansu một vài lần. Đội bóng xứ Catalan đưa ra số tiền ít hơn Real Madrid, nhưng họ lại chiếm lợi thế khi đáp ứng được điều mà kình địch "bó tay".
"Anh ta (Albert Puig) đến và chúng tôi ngồi trao đổi trong phòng khách. Khi tôi nói sẽ bàn về hợp đồng vào ngày mai thì anh ta phản ứng luôn: 'Không, chúng tôi có luôn hợp đồng ở đây rồi', Bori nói tiếp.
Khi Sevilla biết tin, họ đã có phản ứng. Trong văn phòng của mình, GĐTT Sevilla Monchi hỏi cha Ansu rằng Barca trả ông bao nhiêu và CLB sẽ đưa ra con số hấp dẫn không kém. Động thái giữ Ansu của Sevilla là quá muộn bởi cha anh đã cam kết với phía Barca.
Sevilla tiếp tục đào tạo Ansu trong tâm trạng miễn cưỡng. Điều đó dễ hiểu vì họ sẽ không thể hái quả ngọt từ Ansu trong tương lai dài do vậy không cho cậu chơi trong các trận đấu của CLB. Ansu vì thế chuyển sang đội bóng nghiệp dư do các CĐV Real Madrid tại Sevilla thành lập có tên Sextacampeones de Herrera trong thời gian chờ tới Barca.
Vào cuối mùa giải, ở tuổi lên 10, Ansu gia nhập lò La Masia. Anh của cậu là Braima cũng đã đến trước đó. Để trông nom hai anh em, Bori để vợ đến Barcelona trước và ông chuyển đến sau đó một thời gian sau khi thu xếp xong công việc.
Ansu nhanh chóng gây ấn tượng ở các cấp độ đội trẻ tại La Masia. Anh từng có một mùa chơi bùng nổ khi đá cặp với Take Kubo, cầu thủ trẻ người Nhật Bản sau đó đã gia nhập Real Madrid và giờ đang được cho Mallorca mượn. Trong một năm đá với Take, trong khi "Messi Nhật Bản" ghi 73 bàn thì Ansu có 56 lần lập công.
Và khi mà cậu bạn đồng niên người Nhật Bản đang đi tìm cơ hội ở Mallorca, ngày 31/8/2019, Ansu Fati đã điền tên mình vào lịch sử gã khổng lồ xứ Catalan. Anh ghi một bàn vào lưới Osasuna trong trận hòa 2-2 ở vòng 3 La Liga 2019/20 và trở thành cầu thủ trẻ nhất của Barca ghi bàn tại La Liga (16 tuổi 304 ngày). Hai tuần sau, ngày 14/9, trong chiến thắng Valencia với tỷ số 5-2, Ansu Fati trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử La Liga ghi bàn và kiến tạo trong một trận.
Trước đó, khi được HLV Valverde tung ra sân trong trận gặp Betis tại vòng 2, Ansu Fati cũng là cầu thủ trẻ thứ 2 của Barca góp mặt tại giải đấu cao nhất Tây Ban Nha (16 tuổi 298 ngày).
Truyền thông và giới chuyên môn ngay lập tức dùng những mỹ từ để nói về Ansu Fati. "Ansu, cậu đến từ hành tinh nào vậy", tờ Sport đặt câu hỏi; trong khi Telegraph của Anh giật title "Một ngôi sao ra đời".
Đối với Ansu và gia đình anh, những gì họ đang trải qua giống như một giấc mơ. Con trai của họ như thể từ một cậu nhóc nhem nhuốc bỗng chốc rũ bùn đẹp rạng ngời chỉ sau một đêm khi mà Ansu chưa hề chơi cho đội B trước khi được HLV Valverde triệu tập lên đội một.
Sau cuộc gọi từ HLV Valverde, như Bori kể lại, Ansu không ăn cũng không ngủ được trong khi ông và vợ đều không cầm được nước mắt. "Tôi chắc chết vì hạnh phúc mất", Bori chia sẻ cảm giác chứng kiến con trai vào sân từ ghế dự bị trong trận gặp Betis, và hẳn ông đã trải qua cảm giác như vậy trong những tuần sau đó với những bàn thắng của con trai.
Một tương lai hứa hẹn đang mở ra trước mắt Ansu nếu cậu biết cân bằng được tâm lý và đứng vững trước những lời ca tụng cứ ngày một nhiều. Barca đương nhiên đặt nhiều kỳ vọng vào gã trai đang được ví von như "ác quỷ", và chờ đợi Ansu Fati sẽ là người kế thừa Messi khi siêu sao người Argentina chắc chắn không thể đi ngược sự khắc nghiệt của thời gian.