Cấm quyền SHCT của bên thứ ba: Con đường nào cho các tài năng Nam Mỹ?
Một lý do quan trọng để các CLB châu Âu và cầu thủ Nam Mỹ có thể tìm đến nhau là sự tồn tại của các trạm trung chuyển cầu thủ ở TBN và BĐN, và đến lượt mình thì phần lớn những CLB TBN hay BĐN lại cần đến TPO để đóng vai trò trung chuyển một cách hiệu quả. Vì thế, khi TPO không còn tồn tại cũng là lúc hoạt động giao dịch cầu thủ giữa châu Âu và Nam Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng…
Tìm “hàng” Nam Mỹ
Bóng đá châu Âu không hề thiếu tài năng, mà bằng chứng là các ĐTQG đến từ châu lục này đã đăng quang ở cả 3 kỳ World Cup gần nhất. Tuy nhiên chừng ấy vẫn là chưa đủ để đáp ứng tham vọng của các CLB tại lục địa già và lẽ tất yếu là họ phải nhập khẩu thêm tài năng từ bên ngoài, trong đó nguồn hàng từ Nam Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế (CIES) thì tính đến hết năm 2014 có tới hơn 300 cầu thủ Nam Mỹ đang chinh chiến ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, trong đó vị trí dẫn đầu thuộc về Brazil và Argentina (mỗi nước đóng góp 112 cầu thủ) còn vị trí thứ ba là của Uruguay với 26 người. Tuy nhiên giá trị của các món hàng xuất khẩu mang nhãn mác Nam Mỹ không dừng lại ở đó.
Không chỉ dồi dào về số lượng, các cầu thủ Nam Mỹ còn phần nào chiếm ưu thế về chất lượng so với những đồng nghiệp châu Âu. “Thử nhìn khắp châu Âu xem những tiền đạo giỏi nhất đến từ đâu? Rất nhiều người trong số họ, ít nhất là 80%, đến từ Nam Mỹ” – HLV Arsene Wenger từng nhận xét. Có lẽ Wenger hơi quá lời, nhưng phát biểu của ông cũng không sai sự thực là mấy khi mà những Lionel Messi, Luis Suarez, Neymar, Sergio Aguero, Diego Costa, Alexis Sanchez, Carlos Tevez, Edinson Cavani… đều đang làm mưa làm gió ở các giải đấu hàng đầu châu Âu. Nếu không có sự góp mặt của các ngôi sao Nam Mỹ thì chắc chắn chất lượng của các cuộc tranh tài trên lục địa già sẽ giảm sút đáng kể và chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu hết các giải VĐQG lớn tại châu Âu đều nhìn về phía bên kia Đại Tây Dương với ánh mắt đầy thèm muốn. Bên cạnh những thị trường truyền thống như La Liga hay Serie A, giờ đây kể cả một nền bóng đá đậm chất Anglo-Saxon như Premier League cũng đang rất tích cực sử dụng cầu thủ Nam Mỹ. Nhưng sau khi FIFA ban hành quyết định cấm quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ ba (TPO) thì hành trình vượt Đại Tây Dương của những Suarez hay Neymar mới sẽ trở nên khó khăn hơn đáng kể.
Dấu chấm hết cho mô hình Porto?
Nhắc đến TPO thì không thể nào không nói đến Porto, một trong những CLB được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tồn tại của sản phẩm này. Tháng 4 vừa qua, Porto đã bán hậu vệ cánh Danilo cho Real Madrid với cái giá 31,5 triệu euro và một lần nữa khẳng định thương hiệu của mình như là chuyên gia “mua rẻ – bán đắt” trong làng bóng đá châu Âu. Kể từ năm 2004 đến nay thì đội bóng BĐN này đã đút túi tới hơn 600 triệu euro doanh thu từ việc bán cầu thủ, trong đó có những thương vụ siêu lợi nhuận như Falcao (mua từ River Plate với giá 5,5 triệu euro, bán cho Atletico với giá 40 triệu euro), James Rodriguez (mua 5,1 triệu, bán 45 triệu) hay Hulk (mua 5,5 triệu, bán 60 triệu) và bản danh sách này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục được kéo dài với những Jackson Martinez, Alex Sandro hay Juan Fernando Quintero. Công thức làm ăn của Porto nghe thì có vẻ rất đơn giản: sục sạo khắp Nam Mỹ để tìm ra một cầu thủ trẻ nhiều triển vọng, đưa anh ta về đào tạo một thời gian trước khi “sang tay” cho các đội bóng khác, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng chuyển nhượng cầu thủ là một ngành kinh doanh đầy mạo hiểm. Nếu một cầu thủ mà Porto đã mất nhiều công sức để tìm về bỗng nhiên thi đấu sa sút hoặc dính chấn thương dài hạn thì họ coi như đã mất trắng khoản đầu tư này và đội chủ sân Dragao sẽ cần sử dụng TPO để giảm thiểu rủi ro (vì ngoài họ thì còn có một bên thứ ba góp vốn vào vụ làm ăn). Ngoài ra, với một CLB không thuộc hàng siêu giàu như Porto thì họ thường cần tới TPO để có đủ sức mạnh tài chính nhằm ký HĐ với những cầu thủ mà mình mong muốn. Tuy nhiên bản án cấm TPO mà FIFA mới ban hành (chính thức có hiệu lực từ 1/5/2015) gần như đã đặt dấu chấm hết cho những ngày tháng huy hoàng của Porto trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng Porto không phải là nạn nhân duy nhất của quyết định cấm TPO…
Trạm trung chuyển Iberia
Có không ít rào cản trên con đường chinh phục giấc mơ châu Âu của những tài năng Nam Mỹ. Đơn cử, theo hệ thống quy định về nhập cư của Vương quốc Anh hiện nay thì một cầu thủ ngoài EU sẽ chỉ được cấp giấy phép lao động nếu như anh ta đang khoác áo một ĐTQG nằm trong Top 70 trên BXH FIFA và đã tham dự ít nhất 75% số trận đấu của đội tuyển đó trong vòng 2 năm gần nhất (tất nhiên là các CLB vẫn có thể nộp đơn xin giấy phép cho một số trường hợp ngoại lệ, nhưng tỷ lệ thành công không phải là cao). Điều đó cũng có nghĩa là các viên ngọc thô Nam Mỹ ở độ tuổi trên dưới 20 – những người chưa thực sự thành danh và khó mà góp mặt đủ 75% số trận của ĐT nhà – sẽ gần như không có cơ hội đặt chân tới Premier League. Ấy là chưa kể đến những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, môi trường sống, phong cách thi đấu…. mà một cầu thủ trẻ không dễ để vượt qua. Do đó các cầu thủ Nam Mỹ sẽ phải tìm kiếm một trạm trung chuyển và từ trước đến nay thì TBN hoặc BĐN thường đóng vai trò trung chuyển cầu thủ Nam Mỹ tới phần còn lại của lục địa già.
Điểm đến đầu tiên sau khi sang châu Âu của phần lớn các cầu thủ Nam Mỹ sẽ là một CLB thuộc hàng nhỏ và vừa ở TBN hoặc BĐN. Môi trường đó sẽ giúp họ mài giũa kỹ năng, quảng bá hình ảnh, thích nghi dần với lối chơi nặng về chiến thuật của bóng đá châu Âu và trong nhiều trường hợp (như Deco, Pepe, Diego Costa…) thì thậm chí còn giúp họ có đủ điều kiện để nộp đơn xin nhập quốc tịch EU. Những người thành công vượt qua được quá trình rèn luyện kể trên sẽ có cơ hội khoác áo những đội bóng lớn thực sự, những CLB mà có lẽ cầu thủ nào cũng mơ ước một lần được khoác áo như Real, Barca, Man Utd hay Chelsea. Đó là một chuỗi mua bán mà tất cả các thành viên tham gia vào đó đều có thể hài lòng: các CLB lớn có được người mà họ cần còn các đội bóng nhỏ kiếm được một khoản lợi nhuận kha khá, nhưng điều kiện tiên quyết để mô hình này được vận hành suôn sẻ là sự tồn tại của TPO. Ngoại trừ Real và Barca, các CLB khác ở TBN hay BĐN thường không mấy dư dả tiền bạc và họ cần đến sự trợ giúp về tài chính của một bên thứ ba để chiêu mộ các viên ngọc thô Nam Mỹ. Nếu TPO bị cấm áp dụng thì chưa chắc những Suarez, Aguero, Diego Costa, James Rodriguez, Di Maria, Falcao… đã có thể đặt chân đến châu Âu và những màn trình diễn kỳ ảo của họ đương nhiên cũng sẽ không xuất hiện.
Tóm lại, việc cấm áp dụng TPO có thể sẽ khiến cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ tại lục địa già trở nên kém thanh khoản và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn với tất cả các bên tham gia. Khi những trạm trung chuyển ở TBN và BĐN không còn hoạt động hiệu quả, các CLB châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với những mục tiêu mà họ cần, sẽ phải chấp nhận ký HĐ với những cầu thủ chưa được rèn giũa nhiều trong môi trường bóng đá cựu lục địa (và chất lượng các trận đấu cũng có thể vì thế mà giảm sút). Theo chiều ngược lại, Đại Tây Dương vốn đã rộng nay sẽ càng trở nên rộng hơn đối với các cầu thủ Nam Mỹ, giấc mơ đổi đời của họ cũng vì thế mà sẽ xa vời hơn…
QUANG HẢI