Chơi xấu và xấu chơi
Hình ảnh Salah rơi nước mắt rời sân sau khi bị ngã dập vai với cánh tay bị Ramos kẹp chặt trở nên "hot" mấy ngày qua. Trong tình huống này, trọng tài không phạt thẻ đội trưởng Real Madrid.
Quyết định ấy đang gây tranh cãi. Người không ưa Ramos, đặc biệt các CĐV Liverpool thì nói chắc luôn: “Chơi tiểu xảo ăn vào máu rồi”.
Ở góc độ khác, có người bình tĩnh hơn. Một bạn đọc bình luận: “Các bạn xem bóng đá mà chưa từng xỏ giày đá bóng thì hãy xem thôi, nhiều lúc phân tích người có chuyên môn họ cười cho. Ramos đá vị trí hậu vệ, đã là hậu vệ thì phải cản bóng, chặn người. Các lò đào tạo, họ cũng đào tạo xoạc bóng, tắc bóng, cản người... Có những tình huống tiền đạo quá nhanh, quá khéo thì chỉ hơn nhau nửa nhịp là va chạm rồi. Quan trọng đó là thái độ và đạo đức. Trong tình huống này Ramos cũng chỉ cố gắng để ngăn cản tiền đạo đối phương và anh ấy cũng thừa biết mình đã phạm lỗi. Nhưng đó là một phần của bóng đá, cũng là trách nhiệm của một hậu vệ…”.
Người ta còn nói, điều quan trọng là ở góc nhìn, như nhìn vào nửa ly nước. Kẻ lạc quan nói cái ly đầy một nửa, bi quan bảo cái cái ly vơi một nửa.
Bóng đá rõ nhất điều này: Khi cần thì người ta yêu cầu đá bóng phải máu lửa, nhiệt huyết và nói như Calisto là phải “fighting, fighting” - chiến đấu. Nhưng cũng có thể, người ta quay ngoắt lại ngay: Đá gì mà thôi bạo, là chơi xấu.
Một bạn nghề lâu năm thì nói “bóng đá không phải là môn Giáo dục công dân”. Người khác thì bảo “nếu bóng đá mà chỉ đứng nhìn đối phương dắt bóng là một thứ bóng đá hèn hạ”.
Thực tế thì người Đức có đến mức phải “chơi bẩn” thế không? Chắc là không nhưng ở góc nhìn của người Anh thì lại là chuyện khác.
Cùng một sự việc, nhiều đánh giá khác nhau và có lẽ, không nên kết luận vội vàng bất kỳ điều gì, nhất là với bóng đá mà bản chất của nó là trò chơi của những người đàn ông.