Góc chiến thuật: “Con tắc kè” Barca và chiếc bẫy của Enrique
Hệ thống phòng ngự “nửa vời” của Pháo thủ
Trước giờ bóng lăn, giới chuyên môn đã phân tích khá nhiều về những giải pháp chiến thuật dành cho thầy trò HLV Wenger, từ việc chủ động nhường lại quyền kiểm soát bóng cho Barca, đến khâu tập trung tổ chức xây dựng nên một hàng phòng ngự bao gồm nhiều lớp, nhằm mục đích vô hiệu hóa khả năng tương tác và phối hợp của bộ ba tấn công MSN (Messi, Suarez, Neymar) bên phía CLB xứ Catalonia.
Trên thực tế, cách thức mà “Giáo sư” vận hành hệ thống phòng ngự của Arsenal không hề tuân theo một thứ triết lý chiến thuật cụ thể nào. Thay vì tập trung lùi sâu đội hình về bên phần sân nhà, hàng tiền vệ đội bóng thủ đô London vẫn sẵn sàng dâng cao khi cần thiết để pressing trực tiếp, qua đó khiến cho tuyến giữa Barca phần nào bị đứt gãy và không thể tìm được mối liên kết với các tiền đạo phía trên. Mặc dù vậy, cường độ gây áp lực của Pháo thủ cũng chỉ được duy trì ở mức trung bình, qua đó giảm tải đáng kể nguy cơ bị hở sườn đồng thời tránh để lộ ra những khoảng trống bên phần sân nhà.
Dễ dàng nhận thấy rằng, trong suốt hiệp thi đấu thứ nhất, Barca gần như rơi vào trạng thái không biết nên tấn công hay chủ động nhường lại thế trận cho Arsenal để chuyển sang chơi phòng ngự phản công thuần túy. Lần lượt cả Messi, Suarez lẫn Neymar đều không thể tạo ra được nhiều yếu tố đột biến do phạm vi không gian xoay sở quá hẹp đồng thời thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết từ tuyến hai. Hoàn toàn bế tắc trước một hệ thống phòng ngự theo kiểu “nửa vời” của Arsenal, thậm chí thầy trò HLV Luis Enrique suýt chút nữa còn phải trả giá đắt nếu như Alex Oxlade-Chamberlain tận dụng tốt hơn tình huống dứt điểm cận thành ở phút thứ 22.
“Con tắc kè” Barca
Những diễn biến trong vòng 45 phút so tài đầu tiên khiến rất nhiều người lầm tưởng về một kịch bản có lợi dành cho đội chủ nhà. Thế nhưng, Barca vốn dĩ chưa bao giờ một đối thủ đơn giản. Dưới thời Luis Enrique, đội bóng xứ Catalonia luôn thể hiện được khả năng thích ứng cực kỳ hiệu quả trước bất kỳ tình huống nào. Không thể tìm kiếm được những khoảng trống bên phần sân Arsenal, nhà ĐKVĐ Champions League đã quyết định dần chuyển đổi trạng thái từ cầm giữ bóng sang chủ động tổ chức tấn công nhanh.
Theo đó, bằng khả năng dâng cao cơ động đến từ bộ đôi hậu vệ biên Dani Alves và Jordi Alba, cộng thêm việc hai tiền vệ Ivan Rakitic và Andres Iniesta thường xuyên xâm nhập vào khu vực cấm địa đối phương, hàng công Barca đã bắt đầu khiến cho cấu trúc phòng ngự bên phía Arsenal trở nên rối loạn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa rằng những khoảng trống bên phần sân nhà của đội khách bắt đầu bộc lộ ra nhiều hơn bao giờ hết. Và mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu thú vị từ đây khi mà “Giáo sư” Wenger tưởng như đại diện Tây Ban Nha đã sớm rơi vào “chiếc bẫy” do mình chủ động cài cắm từ đầu trận.
“Bẫy chồng bẫy”, Enrique quá cao tay
Khoảng thời gian tiếp theo, Pháo thủ nhanh chóng đẩy cao đội hình tấn công, đặc biệt tìm cách khoét sâu vào hai hành lang cánh của Barca. Mặc dù vậy, trong lúc quá mải mê theo đuổi ý định tìm kiếm bàn thắng, đội bóng thành London vô hình trung cũng đánh mất đi sự gắn kết cần thiết ở tuyến phòng ngự. Hệ quả tất yếu, Arsenal nhanh chóng phải trả giá đắt trước những “đòn phản công” quá sắc bén đến từ phía thầy trò HLV Enrique mà tình huống ghi bàn của Messi chính là một minh chứng tiêu biểu hơn cả.
Cần phải nhấn mạnh rằng, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha đã thấu hiểu khá rõ ý đồ của Wenger ngay từ trong hiệp một. Thế nhưng, thay vì vội vàng áp dụng chiêu bài “dụ dỗ” đối phương dâng cao, Enrique đã quyết định bước sang hiệp hai mới tung ra “đòn độc” để trị Arsenal, thời điểm mà mà các cầu thủ bên phía đội chủ nhà dễ mất tập trung nhất. Điều này cũng chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Pháo thủ và những nhà ĐKVĐ châu Âu, chủ yếu liên quan đến khả năng chuyển đổi trạng thái một cách linh hoạt.
Vĩ thanh
Không còn nhiều cơ hội để Arsenal mơ về một kịch bản “thần thánh” tại sân Nou Camp trong tháng Ba tới đây. Mặc dù vậy, “trong rủi bao giờ cũng có may”, dẫu sao thì đội bóng của HLV Wenger cũng có thêm nhiều thời gian và sức lực để tập trung trọn vẹn cho mặt trận Premier League, đấu trường mà Pháo thủ “trắng tay” suốt 12 năm qua.
Về phần đội khách, thêm một lần nữa Barca lại chứng tỏ rằng họ vẫn đang là tập thể xuất sắc nhất châu Âu. Trong trường hợp tiếp tục thể hiện được phong độ ấn tượng như thế này, đội bóng xứ Catalonia hoàn toàn có thể đặt mục tiêu chinh phục kỷ lục vô địch Champions League hai mùa giải liên tiếp.