UEFA và bóng đá châu Âu: Châu Âu buồn tẻ (Kỳ 1)
Sự yên lặng bất thường
Châu Âu đang trải qua một mùa hè nóng bậc nhất trong lịch sử, nhưng độ nóng ấy lại không được truyền tải đến các sân cỏ ở lục địa già. Tháng 5 là thời điểm mà mùa bóng sắp sửa hạ màn, là lúc diễn ra những vòng đấu cuối ở các giải VĐQG và lẽ ra phải là giai đoạn mà sự căng thẳng cũng như hồi hộp được đẩy lên đến đỉnh điểm cao trào. Nhưng tháng 5/2015 đã trôi qua một cách tương đối yên tĩnh và bình lặng. Sau ngày 8/5, cuộc đua đến ngôi vô địch tại tất cả các giải VĐQG lớn gần như đều đã ngã ngũ và người ta có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy một chút hấp dẫn hay kịch tính nào.
Tại Serie A, Juventus chính thức đăng quang từ ngày 2/5 khi mùa giải vẫn còn tới 4 vòng đấu (và thực ra thì Scudetto đã nằm trong túi họ từ giữa tháng 4, khi khoảng cách với đội xếp thứ hai Lazio được nới rộng ra thành 15 điểm). Cục diện ở Bundesliga cũng không có nhiều khác biệt khi mà Bayern Munich cũng lên ngôi sớm 4 vòng, thậm chí Bayern còn làm tốt hơn Juve ở chỗ họ đã trở thành nhà vô địch từ cuối tháng 4. Thậm chí kể cả Premier League, giải đấu vẫn được quảng bá là có tính cạnh tranh cao hàng đầu châu Âu cũng như thế giới, cũng an bài sớm không kém. Ngày 2/5, Chelsea bước lên ngai vàng Premier League sớm 3 vòng, nhưng thực ra ngay từ cuối tháng 3 thì Chelsea đã tạo ra khoảng cách trên dưới 10 điểm với nhóm bám đuổi và cuộc đua vô địch ở Premier League chỉ còn tồn tại trên góc độ lý thuyết. Tình hình tại La Liga khá hơn chút ít khi Barca và Real so kè khá quyết liệt đến tận 2-3 vòng đấu cuối, nhưng phong độ huỷ diệt của Barca khiến cho Real không có nhiều hy vọng và chút hy vọng nhỏ nhoi đó của Real cũng đã bị dập tắt sau trận hoà 2-2 trước Valencia ngày 8/5. Cái ngày 8/5 ấy cũng đã đặt dấu chấm hết cho màn rượt đuổi giữa PSG và Lyon ở Ligue 1, khi PSG nới rộng cách biệt ra thành 6 điểm và sở hữu hiệu số bàn thắng bại vượt trội trong bối cảnh mùa giải còn lại 2 vòng.
Buồn tẻ, dĩ nhiên rồi, nhưng điều thực sự đáng quan ngại nằm ở chỗ đó là một sự buồn tẻ có tính hệ thống. Juventus đã bỏ túi tới 4 danh hiệu VĐQG liên tiếp, còn Bayern và PSG kém cạnh hơn chút xíu với “chỉ” 3 lần liên tục mà thôi. Barca không thống trị La Liga một cách tuyệt đối như vậy, nhưng họ cũng vừa bước lên bục vinh quang lần thứ 4 trong vòng 6 năm và chỉ có Premier League là được đón chào một nhà vua tương đối mới mẻ (lần gần nhất Chelsea VĐ đã cách đây 5 năm). Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra thì cũng chỉ có vỏn vẹn 3 CLB từng đoạt chức VĐ giải Ngoại hạng trong suốt 10 năm gần nhất, và đó rõ ràng không phải là dấu hiệu nhận biết của một giải VĐQG giàu tính cạnh tranh.
Sân chơi khép kín
Các giải đấu nội địa đã vậy, đấu trường cấp châu lục cũng không khá hơn là bao. Champions League – giải đấu cấp CLB vẫn được cho là hấp dẫn nhất hành tinh – giờ đây dường như đã biến thành sân chơi riêng của một số đội bóng siêu giàu. Mùa giải 2011/12, các đội góp mặt ở vòng bán kết lần lượt là Real, Barca, Bayern, Chelsea. Sang mùa 2012/13 là Real, Barca, Bayern, Dortmund. Mùa 2013/14 là Real, Bayern, Atletico Madrid, Chelsea. Mùa 2014/15 là Barca, Real, Bayern và Juventus. Nói cách khác, trong vòng 4 mùa giải gần nhất thì chỉ có 7 CLB từng đi đến bán kết Champions League trong khi con số tối đa trên lý thuyết là 16 đội. Để so sánh, chỉ trong 2 mùa 2009/10 và 2010/11 thì đã có 7 CLB khác nhau từng hiện diện ở bán kết (Real, Barca, Man Utd, Schalke, Bayern, Lyon, Inter) còn trong quãng thời gian 4 mùa bóng từ 2007/08 đến 2010/11 thì số lượng CLB góp mặt ở vòng 4 đội cuối cùng là 10 (thêm Liverpool, Chelsea, Arsenal) và có thể coi là mức độ cạnh tranh ở Champions League trong giai đoạn 2011-15 đã giảm tới 30% so với giai đoạn 2007-11.
Đúng là lời nguyền Champions League vẫn đang ứng nghiệm khi chưa có đội bóng nào có thể bảo vệ thành công chức vô địch, nhưng chiếc Cúp bạc này chỉ được luân chuyển giữa một số CLB lớn và các đội bóng nhỏ hoặc vừa hầu như không có cơ hội “mon men” đến những vòng đấu cuối chứ đừng nói gì đến việc nâng Cúp – một điều vẫn rất thường xuyên xảy ra khi mà giải đấu này còn mang tên Cúp C1 châu Âu. Để so sánh, trong 4 mùa bóng từ 1983/84 đến 1986/87 thì có tới… 15 CLB khác nhau (một kỷ lục) từng ghi tên mình vào bán kết (Liverpool, Dinamo Bucuresti, Dundee, Roma, Juventus, Bordeaux, Panathinaikos, Anderlecht, Steaua Bucharest, Gothenburg, Barca, Porto, Dynamo Kiev, Bayern, Real). HLV Arsene Wenger cũng phải thừa nhận: “Champions League bây giờ nhạt nhẽo hơn rất nhiều so với 15 năm trước. Các cầu thủ giỏi chỉ tập trung ở một số CLB lớn và kết cục của Champions League trở nên dễ dự đoán hơn rất nhiều”. Làm sao mà không dễ dự đoán cho được, khi 4 ứng cử viên hàng đầu (Real, Barca, Bayern, Chelsea) chiếm tới hơn 50% cơ hội đăng quang ngai vàng Champions League 2014/15 theo đánh giá của các nhà cái vào đầu mùa giải, còn tổng cộng xác suất vô địch của 22 đội bóng xếp cuối chỉ đạt chưa đầy 20%. Chi tiết hơn nữa, giáo sư Stefan Szymanski (ĐH Michigan, Mỹ) từng tính toán mức độ cạnh tranh của Champions League dựa trên chỉ số Gini (một công cụ được Ngân hàng Thế giới áp dụng để đo độ bình đẳng, càng gần 1 là càng bất bình đẳng) và kết quả thu được là 0.69 – còn cao hơn cả Gini của những quốc gia thuộc hàng bất bình đẳng nhất trên thế giới này như Botswana, Lesotho hay Nam Phi.
Khi “ăn ba” dễ như… ăn cháo
Trong lịch sử Cúp C1 châu Âu/Champions League thì số đội bóng giành cú đúp danh hiệu VĐ châu Âu + VĐQG không phải là nhiều, còn những trường hợp đoạt “cú ăn ba” (giành thêm Cúp QG) thì lại càng hiếm hơn nữa. Cúp C1 châu Âu/Champions League đã diễn ra được tổng cộng 60 mùa giải, nhưng mới có 7 CLB làm được kỳ tích “ăn ba” mà thôi. Chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng lúc, với số trận đấu có thể lên tới hơn 60 trận/mùa, luôn là một điều không hề dễ dàng và chỉ riêng chất lượng đội hình rõ ràng là chưa đủ. Các đội bóng còn phải biết cách phân phối sức lực hợp lý, nỗ lực hết mình trong từng trận đấu và cần cả một chút may mắn nữa. Tuy nhiên có một điểm rất đáng chú ý, ấy là trong 7 cú ăn ba được nhắc đến ở trên thì có tới 3 trường hợp diễn ra trong vòng 7 năm trở lại đây, lần lượt là Barca (2008/09), Inter (2009/10) và Bayern (2012/13). Chưa hết, nếu như Barca đánh bại Bilbao trong trận CK Cúp nhà Vua TBN thì chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến thêm một cú ăn ba nữa ở mùa giải 2014/15 (vì Juve đã giành đủ 2 danh hiệu nội địa) và sẽ có tới 4 đội bóng “ăn ba” trong 8 mùa gần nhất, tức cứ 2 năm lại xảy ra một lần. Đó là một tần suất cao đến mức đáng ngạc nhiên bởi vì trong 53 mùa giải đầu tiên của Cúp C1 châu Âu/Champions League (từ mùa 1955/56 đến 2007/08) cũng chỉ có 4 CLB đoạt 3 danh hiệu trong một mùa bóng, tức 13 năm/lần: sau Celtic (1966/67) là Ajax (1971/72), PSV (1987/88) và Man Utd (1998/99).
Có nhiều lý do dẫn đến việc các cú ăn ba nở rộ như nấm sau mưa như hiện nay. Đơn cử, việc giành vé tham dự Champions League giờ đây trở nên đơn giản hơn (không cần phải VĐQG mới được góp mặt) so với khi giải đấu này còn mang tên Cúp C1, giao thông thuận tiện và y học thể thao phát triển tạo điều kiện cho các cầu thủ phục hồi thể lực nhanh hơn sau khi tham dự những trận đấu ở Cúp châu Âu… nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sự vượt trội của một nhóm CLB hàng đầu, khiến họ vẫn có đủ nguồn lực để áp đảo các đối thủ trong nước ngay cả khi đã chia sẻ sức lực cho chiến trường châu Âu. UEFA tất nhiên không mong muốn tình trạng này xảy ra, và họ đã có những hành động nhất định mà đầu tiên là việc điều chỉnh Luật Công bằng tài chính (FFP)…
Champions League bây giờ nhạt nhẽo hơn rất nhiều so với 15 năm trước. Các cầu thủ giỏi chỉ tập trung ở một số CLB lớn và kết cục của Champions League trở nên dễ dự đoán hơn rất nhiều” – Arsene Wenger.
QUANG HẢI
(Đón đọc Kỳ 2: FFP – Bình mới, rượu có mới?)