Côn Đảo sẵn sàng chào đón hơn 3700 VĐV dự Tiền Phong Marathon 2022
Tháng ba năm nay, Tiền Phong Marathon lại đưa các vận động viên đến với Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) ở mùa giải thứ 63. Đây là lần thứ hai Tiền Phong Marathon được tổ chức trên một hòn đảo, sau mùa giải năm 2020 tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Giải năm nay mang tên “Theo dấu chân huyền thoại”, sẽ đưa hơn 3700 VĐV đi qua những cung đường chạy đẹp nhất tại Côn Đảo như: Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Bảo tàng Côn Đảo, Cầu tàu 914… nơi ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này.
Chuỗi sự kiện của Tiền Phong Marathon 2022 bắt đầu từ ngày 25/3/2022 với hàng loạt hoạt động tri ân các tấm gương anh hùng cách mạng, các bác, các cô chú cựu từ Côn Đảo hiện đang sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tiếp nối tinh thần Lý Sơn và truyền tải thông điệp ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thông điệp tự hào người Việt, thông điệp về sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, sự kiện Lễ Thượng cờ thiêng liêng sẽ được tổ chức vào ngày 26/3/2022 tại Quảng trường Cột cờ Côn Đảo.
Ngay sau nghi lễ chào cờ, phần hội với lá cờ Tổ quốc rộng 300m2 sẽ do các tình nguyện viên trải rộng tại Quảng trường và cùng nhau hát vang những bài ca ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu cuộc sống, chia sẻ yêu thương, cùng với phát động các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ, chăm sóc trứng rùa , bảo vệ nguồn lợi thủy - hải sản quý giá của quốc gia.
Đến với Côn Đảo, đến với Tiền Phong Marathon các vận động viên sẽ cùng Ban tổ chức thực hiện nghi lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang Hàng Dương chiều tối 26/3, tưởng niệm hơn 20.000 anh hùng, liệt sỹ, các trí sĩ yêu nước đã ngã xuống trên mảnh đất Côn Đảo trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Giải năm nay có sự góp mặt của hơn 3700 VĐV, trong đó có 202 VĐV chuyên nghiệp của 26 đoàn. Các VĐV chuyên nghiệp và phong trào sẽ thi đấu tranh giải cá nhân ở các cự ly 21,0975km, 42,195km nam, nữ hệ chuyên nghiệp và hệ phong trào; 10km nam chuyên nghiệp, nam trẻ, nam, nữ phong trào; 5 km nữ chuyên nghiệp và nữ trẻ. Theo truyền thống, ngoài tranh tài ở các cự ly cá nhân, VĐV đội tuyển các tỉnh thành ngành còn thi đấu tính điểm đồng đội, toàn đoàn. Để đảm bảo độ chính xác, đường chạy của giải được chuyên gia đo đường của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam thực hiện bằng thiết bị chuyên dụng và được kiểm tra kỹ lưỡng.
Ngoài các nội dung thi đấu chính thức, giải còn có nội dung chạy đồng hành dành cho lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Côn Đảo với sự tham dự của 1.000 người.
Năm nay, tổng trị giá giải thưởng gần 500 triệu đồng tiền mặt. Các VĐV được nhận thưởng toàn đoàn, đồng đội và cá nhân cho 3 thứ hạng đầu ở các nội dung thi đấu hệ chuyên nghiệp. Riêng hệ phong trào, BTC trao thưởng cho VĐV marathon, bán marathon ở 3 nhóm tuổi: từ 16 đến 34, từ 35 đến 44 và từ 45 tuổi, tạo nên sự cạnh tranh và cơ hội thắng giải cho rất nhiều VĐV phong trào.
Bên cạnh nhóm tuổi, BTC cũng trao thưởng đặc biệt cho người xuất sắc nhất ở hai cự ly bán marathon và marathon, giải thưởng cho người giành chiến thắng chung cuộc. Ngoài giải thưởng, Đoàn vô địch được nhận Cúp luân lưu của BTC. Đoàn sau 3 lần giành ngôi vô địch toàn đoàn sẽ đoạt vĩnh viễn Cúp luân lưu. Cùng với giải thưởng của BTC, các đoàn, đội, VĐV đoạt 3 thứ hạng đầu nội dung chuyên nghiệp còn được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ra đời vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo, Việt dã giải báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức ngày 25/12/1958 với 72 VĐV tham dự, trong đó có cả “anh hùng Thế vận” nổi tiếng ngày đó là VĐV Emil Zatopek với 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ 1948 tới 1953, trở thành VĐV nước ngoài đầu tiên dự giải. Trong suốt lịch sử của giải, năm 1980 và 1982 là những lần giải không được tổ chức vì những lý do khách quan.
Qua 62 lần tổ chức, đã có nhiều VĐV trưởng thành từ giải đấu, tiến ra đấu trường khu vực, châu lục và mang vinh quang về cho tổ quốc như các VĐV Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng trước đây hay Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông, “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ... trong khoảng 10 năm trở lại.