Giải chạy bán marathon Bắc Kinh 5 năm trước cũng bị nghi ngờ dàn xếp sau bê bối “nhường chức vô địch”?
Sau vài ngày, sức nóng của vụ việc 3 VĐV châu Phi “nhường chức vô địch” cho VĐV chủ nhà He Jie tại giải chạy Beijing Half Marathon 2024 hôm 14/4, lại có thêm nghi vấn mới về trường hợp tương tự đã diễn ra tại chính giải chạy này 5 năm trước.
Tóm tắt lại vụ bê bối “chức vô địch trao tay” ở mùa giải 2024 vừa qua, He Jie của Trung Quốc chạy cùng 3 VĐV châu Phi là Willy Mnangat, Robert Keter (Kenya) và Dejene Hailu Bikila (Ethiopia). Đoạn nước rút về đích diễn ra hết sức lộ liễu khi 3 VĐV châu Phi ra hiệu, cản trở lẫn nhau, chạy chậm lại để He Jie chạy lên trước.
VĐV chủ nhà nỗ lực tăng tốc về đích, xé băng vô địch với thời gian 1 giờ 03 phút 45 giây (1:03:45). Còn 3 VĐV châu Phi cán đích cùng lúc và đồng hạng nhì với một giây cách biệt. Cả 4 VĐV được tình nguyện viên đeo số thứ tự về đích (dành cho những VĐV đứng bục). Cả 4 VĐV đều đeo số bib, trang phục chạy như những đối thủ bình thường và không hề có dấu hiệu hay thông báo nào họ là người dẫn tốc (pacer) của He Jie.
Chức vô địch của He Jie, người trước đó cũng từng giành HCV marathon Asian Games 19 tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc) tháng 10/2023, sau đó bị cộng đồng mạng Trung Quốc bàn tán xôn xao. Các báo lớn trên thế giới đều đưa tin về vụ việc này. Cục Thể thao Bắc Kinh và BTC cho biết đã mở cuộc điều tra.
Một số báo lớn Trung Quốc đã khai thác thông tin và tìm ra rằng cả 4 VĐV trên đều đang nhận tài trợ từ Xtep, thương hiệu đồ thể thao tài trợ cho giải chạy này. Vai trò của nhà tài trợ này đang bị đặt dấu hỏi lớn khi bị cho là đã can thiệp quá sâu vào vấn đề chuyên môn. Thậm chí, quyền lực của nhà tài trợ mạnh đến mức một nữ VĐV Trung Quốc 31 tuổi có xung đột tài trợ với hãng trên cũng bị loại ngay khỏi cuộc đua năm nay.
Với những gì đã diễn ra ở mùa giải 2024 vừa qua, giới chuyên môn chạy bộ Trung Quốc lại đặt vấn đề nghi vấn cho mùa giải 2019 khi màn về đích cũng có phần giống nhau.
5 năm trước, Liu Hongliang của chủ nhà Trung Quốc chạy đua cùng hai VĐV Kenya là Silas Kimeli Too và Daniel Kiprop. Trong phần lớn chặng đường, 2 VĐV Kenya đều dẫn trước Liu. Chỉ đến khi còn khoảng 2km và cả 3 đã chạy được đúng 1 giờ thì Liu mới bắt đầu vượt lên.
Trong đoạn ghi hình truyền trực tiếp ngày thi đấu hôm đó, sau khi lần đầu vượt lên hai VĐV Kenya, Liu đã quay đầu lại, một tay đưa ra sau lưng và giơ hai ngón tay lên ra hiệu. Máy quay chạy phía sau đã bắt trọn và rõ nét khoảnh khắc đó.
Kể từ đấy, Liu chạy trước cho đến khi về đến đích. Và cũng ở chính đoạn đường rẽ sang cổng về đích như năm 2024, Liu nỗ lực chạy thật nhanh về đích, trong khi Silas Kimeli Too bám đuổi sát đằng sau, còn Daniel Kiprop tụt lại xa hơn một chút.
Chung cuộc, Liu về nhất với thành tích 1:05:24, hơn 2 giây so với Too, còn Kiprop về thứ ba. So với pha diễn lộ liễu năm 2024, pha rút đích năm 2019 có vẻ “bình thường” hơn. Nhưng những nghi vấn thì ngày càng rõ nét và giới chuyên môn Trung Quốc lại được dịp mổ xẻ lại.
Theo trang scmp, chuyên gia thể thao Trung Quốc Mark Dreyer đã theo dõi những vụ việc này và đưa ra khá nhiều thông tin quan trọng. Theo đó, VĐV Kenya năm 2019 là Silas Kimeli Too và 2 đồng hương năm 2024 Willy Mnangat, Robert Keter đều thuộc quản lý của một người đại diện tại Trung Quốc là bà Lin Lin.
Người này là chủ Flying Sports, công ty hiếm hoi của Trung Quốc vài năm trước được phép đưa VĐV ngoại quốc, đặc biệt là châu Phi, về thi đấu trong nước. Mặc dù bà Lin từ chối đưa ra bình luận, nhưng cộng sự của bà là He Yingqiang, trong một phát biểu trên tờ Sina, đã cho biết rằng: năm 2021, Flying Sports là công ty thể thao duy nhất ở Trung Quốc được Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) cấp chứng nhận cho phép đưa VĐV ngoại quốc đến quốc gia này thi đấu.
Công ty này thường thuê các VĐV châu Phi để dự giải ở Trung Quốc. Những VĐV chạy marathon (42,195km) dưới 2 giờ 10 phút sẽ nhận được khoản thưởng 5.000 USD (khoảng gần 120 triệu đồng).
Có một chi tiết khác cho rằng các công ty này nói với các VĐV được thuê sẽ chạy với vai trò người dẫn tốc (pacer), nhưng vẫn được đăng ký như VĐV bình thường. Tiền thưởng của các VĐV châu Phi này thường bị thu lại và công ty trả phí cho họ ở dạng người dẫn tốc (rẻ hơn).
“Bởi vì một số công ty đại diện chơi không đẹp nên một số liên đoàn điền kinh châu Phi từ chối cho phép VĐV của họ đến Trung Quốc thi đấu theo lời chào mời của các công ty kia” - He Yingqiang nói.
Công ty Flying Sports đã từng đại diện cho ít nhất 32 VĐV chuyên nghiệp, trong đó có cả Asbel Kiprop (Kenya), người từng giành HCV chạy 1500m nam Olympic Bắc Kinh 2008; và Morhad Amdouni (Pháp), quán quân châu Âu chạy 10.000m nam năm 2018…
Các giải chạy ở Trung Quốc hiện nay nở rộ chóng mặt. Năm 2014 mới chỉ có 51 giải chạy đường bằng, nhưng sau đó đã tăng lên 1.828 năm 2019, bao gồm tới 24 giải được chứng nhận bởi World Athletics.
Tuy nhiên, những vụ việc gần đây đã liên tục khiến các giải chạy ở Trung Quốc mang tiếng xấu, nhất là những bê bối kiểu “nhường chức vô địch” cho các VĐV chủ nhà của các VĐV châu Phi.