Giải việt dã báo Tiền Phong 2018 đổi mới như... giải phong trào
Giải việt dã báo Tiền Phong 2018 nhiều khả năng lần đầu tiên trong lịch sử sẽ có "ngoại binh" tham gia. Năm nay, Giải chạy truyền thống nhất Việt Nam lần thứ 59 này sẽ được tổ chức tại Tp.Buôn Ma Thuột vào ngày 25/3/2018.
>> Giải marathon việt dã Báo Tiền Phong: Phong trào át chuyên nghiệp
Những năm trước đây, cự ly marathon của giải quanh đi quẩn lại chỉ có vài VĐV đỉnh cao của quốc gia vốn đã quá hiểu nhau nên kết quả gần như được biết trước, kém hấp dẫn. Năm ngoái, các VĐV chạy bộ phong trào đã thổi một luồng gió mới vào giải chạy lâu đời nhất Việt Nam này.
Số lượng các chân chạy “amateur” vượt trội hơn hẳn so với các VĐV chuyên nghiệp. Đa số đều đạt PR (kỷ lục cá nhân) trong lần đầu tiên tham dự giải việt dã báo Tiền Phong. Thậm chí, "ngôi sao" của giới chạy bộ phong trào Cao Ngọc Hà còn thi đấu ngang ngửa với các VĐV hàng đầu Việt Nam trong 1/3 quãng đường đầu tiên.
Trước đó, BTC giải đề ra tiêu chuẩn chấp nhận các VĐV điền kinh nghiệp dư ghi tên đăng ký với điều kiện nam phải hoàn thành trong 3 giờ 45 phút, nữ hoàn thành trong 4 giờ.
Theo dự kiến, giải việt dã báo Tiền Phong 2018 sẽ nới thời gian cut-off lên 4 giờ 45 (nam) và 5 giờ (nữ). BTC cũng đang nghiên cứu sử dụng chip điện tử để tính thành tích.
Đáng chú ý hơn cả, các VĐV sẽ không phải nộp giấy khám sức khỏe nữa. Thay vào đó, các VĐV khi đăng ký phải ký cam kết về tình trạng sức khỏe đủ đảm bảo tham dự cuộc thi.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, đại diện BTC giải chạy việt dã báo Tiền Phong cho biết: “Chúng tôi nới rộng thời gian để mở rộng sân chơi cho mọi người. Giải đang cố gắng tiếp cận với tính chuyên nghiệp của các giải chạy phong trào. Trước đây, chúng tôi hầu như chỉ tập trung vào nhóm tuyển nên nhiều người còn chưa được biết là họ có thể tham gia”.
Nghe có vẻ hơi phi lý nhưng thực tế các giải chạy dành cho phong trào hiện nay như LDR Half Marathon, Longbien Marathon, Halong Bay Heritage Marathon, Vietnam Mountain Marathon, Danang International Marathon... được tổ chức chuyên nghiệp không hề kém cạnh các giải chạy lớn trong khu vực: thủ tục đăng ký qua website gọn lẹ, có hệ thống tính giờ điện tử chiptime, có pacer dẫn tốc độ, có đăng ký đo đạc theo chuẩn quốc tế AIMS...Do vậy, số lượng VĐV đăng ký tham gia giải chạy lên đến hàng nghìn người.
Những năm trước, BTC giải việt dã báo Tiền Phong yêu cầu các VĐV phải có giấy khám sức khỏe nên các VĐV nước ngoài gặp nhiều bất tiện trong khâu đăng ký. Chính vì thế, chưa có VĐV nước ngoài nào ghi danh dù BTC vẫn cho phép. Ở các giải chạy phong trào trong nước hay các giải chạy quốc tế, các VĐV chỉ phải ký cam kết tình trạng sức khỏe đủ đảm bảo để tham dự cuộc thi mà không cần phải nộp giấy khám sức khỏe.
Chắc chắn khi thủ tục trình giấy khám sức khỏe được thay thế bằng thủ tục ký cam kết, các VĐV nước ngoài sẽ đón nhận nồng nhiệt. Họ không những sẽ giúp cho giải chạy có tuổi đời xấp xỉ 6 thập kỉ hấp dẫn mới lạ mà còn giúp nâng cao chất lượng chuyên môn của các VĐV.