Lật tẩy chiêu thức gian lận để nhận giải lứa tuổi của 2 VĐV dự Tiền Phong Marathon 2021
VĐV Ngô Mỹ Liên (số bib 81896) ban đầu được xác định vị trí nhất lứa tuổi từ 45 tuổi trở lên tại cự ly 21km nữ phong trào với thành tích 1 giờ 48 phút 11 giây (1:48:11). Cú lừa của VĐV này sẽ không bị lật tẩy nếu thiếu sự cảnh giác của chính những người tham dự giải hôm 28/3/2021 vừa qua.
Từ thắc mắc của một người chạy
Trên nhóm Cộng Đồng Chạy Bộ (R4S), người có tài khoản Linh Fish đăng tải một bài viết kèm ảnh lúc 16 giờ ngày 30/3/2021 để thắc mắc với nội dung có đoạn:
“Em có chút thắc mắc, nhân tiện hôm qua có mấy chị em hỏi về việc này. Em có tham gia cự ly HM và hoàn thành sub 2 (thời gian 1:59:45) - áo xanh mũ đen kia ạ, lúc rút đích có bám theo 2 anh chị người nước ngoài và chị Liên BIB 81896.
Nhưng sau đó khi thông báo kết quả lại thấy chị Liên về đích với thời gian 1:48:11 (trước cả em gần 10 phút), giành giải nhất lứa tuổi trên 45. Theo em kể cả tính theo thời gian chip time, không thể có chuyện chị ấy xuất phát sau em đến 10 phút tại vạch xuất phát được. Nhờ các anh chị em “đồng run” giải thích dùm em ạ”.
Từ bài viết này, nhiều người đã vào bình luận, tìm bằng chứng… dẫn đến một cuộc điều tra nghiêm túc từ BTC. Lần theo các bức ảnh được đông đảo nhiếp ảnh gia chụp trải rộng khắp nơi, hình ảnh từ video, hệ thống tính giờ… ban trọng tài của giải đã tìm ra những điều bất thường.
Tìm ra manh mối
Tìm kiếm ảnh theo số bib 81896, VĐV mang tên Ngô Mỹ Liên chỉ xuất hiện trong 2 bức ảnh. Trên hệ thống tính điểm, thành tích 1:48:11 của VĐV này gần nhất với VĐV mang số bib 80744 có tên Lê Đức Kế. Nam VĐV này có thành tích chung cuộc là 1:48:07 (tính theo thời gian hiệu lệnh xuất phát).
Từ số bib 80744, tìm kiếm ảnh trên hệ thống thì có tới 39 ảnh của VĐV Lê Đức Kế. Những bức ảnh chụp cận cảnh cho thấy VĐV này đã đeo 2 bib, một bib màu xanh chính chủ mang tên Lê Đức Kế (80744) và một phần bib màu hồng lộ ra bên dưới. Bên cạnh đó, thông số thời gian trên hệ thống của hai số bib này gần như trùng khớp nhau ở tất cả các điểm có đặt cổng chip tính giờ.
Với những bằng chứng trên, có thể kết luận: VĐV Lê Đức Kế đã đeo hai bib (của mình và của Ngô Mỹ Liên) để chạy. Bước tiếp theo có giả định là hai VĐV này đã gặp nhau ở một điểm nào đó gần đích rồi đưa bib cho nhau. Cộng đồng mạng cũng phân tích hành vi khi xem 2 bức ảnh duy nhất của VĐV Ngô Mỹ Liên khi cho rằng chị này về đích rất lạ vì chạy dạt sát ra ngoài cùng phần đường về đích, mặt cúi xuống, không biểu hiện sự vui mừng của một người chạy có thành tích tốt.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt câu hỏi nghi vấn rằng: “có thể nữ VĐV vẫn xuất phát bình thường, nhưng sử dụng bib in màu giả để chạy”. Tuy nhiên giả thiết này được cho không thuyết phục bởi nếu nữ VĐV vẫn chạy thì khả năng cao đã có ảnh trên đường đua. Và giả thuyết được cho chuẩn nhất là nam VĐV đã đeo 2 bib chạy từ đầu và trao lại cho nữ VĐV ở một điểm nào đó trên đường chạy.
Án phạt mạnh tay
Cộng đồng mạng đang lên án mạnh mẽ hành vi gian lận này của hai VĐV trên. Tại lễ trao giải 21km nữ phong trào lứa tuổi trên 45, VĐV Ngô Mỹ Liên đã không xuất hiện trên bục, nhưng sau đó VĐV này vẫn nhận giải thưởng đầy đủ.
BTC đã ra quyết định: cấm thi đấu vĩnh viễn tại giải Tiền Phong Marathon đối với hai VĐV Ngô Mỹ Liên và Lê Đức Kế; thu hồi giải thưởng của VĐV Ngô Mỹ Liên; hủy kết quả thi đấu ở Tiền Phong Marathon 2021 với 2 VĐV này; đôn những VĐV ở các vị trí dưới lên nhận giải chính thức.
Quyết định nhanh chóng và mạnh mẽ của BTC Tiền Phong Marathon đã nhận được sự đồng tình lớn từ cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Hiện tượng chạy hộ, chạy bằng bib không chính chủ và cả in giả bib chạy tại các giải phong trào… đã bắt đầu xuất hiện thời gian gần đây nên cần có biện pháp quyết liệt để phong trào chạy bộ ở Việt Nam phát triển mạnh nhưng đúng tinh thần thể thao cao thượng.
*Vì lý do tế nhị, chúng tôi không đăng ảnh rõ mặt của hai nhân vật chính trong bài.