Người mù Việt Nam đầu tiên hoàn thành half marathon nhờ tình yêu của vợ
“Chiếc huy chương này tôi dành tặng vợ vì vợ đã cùng tôi dậy sớm hỗ trợ bởi tôi không thể nhờ người khác được. Chúng tôi không có nhiều thời gian tập do còn bận bịu với hai con nhỏ và cuộc sống mưu sinh", Nguyễn Huy Việt chia sẻ sau khi trở thành người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành half marathon tại một giải chạy chính thức ở Hạ Long Bay Marathon 2018.
>> Những hình ảnh xúc động ở "Chạy với tôi" của người khiếm thị
>> Phi thường: Người mù đầu tiên chạy 7 chặng marathon trong 7 ngày ở 7 lục địa
>> "Chạy với tôi": Khi cả thế giới trong một cái nắm tay
>> Chạy cùng người khiếm thị: Xóa nhòa khoảng cách
Với đôi giày bata mỏng quẹt, chiếc áo Chạy với tôi - Run 2Gether và chiếc vest đựng nước đeo sau lưng, anh Huy Việt, Chủ tịch hội người mù huyện Hoài Đức (Hà Nội), đã cùng bạn dẫn người Hàn Quốc Giho Kim cán đích sau 3 giờ 04 phút. “Lần đầu đến Tuần Châu, tôi tự trách mình vì mới tập được ít quá nên ở 7km cuối tôi gặp rất nhiều khó khăn, căng cơ phải dừng nghỉ. Cảm ơn mọi người đã cổ vũ tôi trên đường chạy”.
Đối với người mắt sáng chạy dài đã khó, người khiếm thị như anh Huy Việt còn gặp gian nan gấp nhiều lần. Con đường đến đích Tuần Châu, Hạ Long không hề bằng phẳng như đường chạy 21km. “Tôi chọn tham gia chạy 21km bởi vì tôi biết thử thách này khó khăn hơn rất nhiều so với chạy 10km, cự ly mà tôi đã chạy được trong luyện tập”, anh lý giải khi không chọn thử thách dễ dàng nhất.
>> Cặp vợ chồng khiếm thị dắt tay nhau hoàn thành half marathon
Để chuẩn bị cho giải chạy này, Huy Việt đã dành hơn 2 tháng “mài giầy” trên đường. Mỗi sáng, anh và vợ dậy sớm từ 4 rưỡi để tập chạy. Vợ anh đạp xe chậm phía trước kéo dây để chồng chạy theo. Cả hai tranh thủ khoảng 1 tiếng đồng hồ chạy khoảng 10km rồi 6 giờ sáng trở về nhà để cho con ăn và đưa con đi học.
“Chiếc huy chương này tôi dành tặng vợ vì vợ đã cùng tôi dậy sớm hỗ trợ bởi tôi không thể nhờ người khác được. Chúng tôi không có nhiều thời gian tập do còn bận bịu với hai con nhỏ và cuộc sống mưu sinh. Gần nhà tôi có nhiều người tập thể dục thể thao buổi sáng song chủ yếu họ toàn đi bộ hoặc chạy rất ngắn. Tôi có được may mắn vợ tạo điều kiện dù cô ấy không thích thể thao”, Huy Việt chia sẻ.
Cách đây hơn 13 năm, Huy Việt từng sinh hoạt ở CLB thể thao Khúc Hạo và giành HCV nhảy cao, nhảy xa tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Toàn quốc 2015. Sau đó, anh nghỉ tập để đi làm và không còn thường xuyên tập thể thao như trước.
Ở Hạ Long, Nguyễn Huy Việt rất may mắn có được “đôi mắt” dẫn đường của Giho Kim, tình nguyện viên người Hàn Quốc. “Tôi và bạn TNV trao đổi với nhau bằng tiếng Anh trên đường chạy. Tuy mắt tôi không nhìn thấy song các giác quan khác cảm nhận rõ sự khác biệt của môi trường xung quanh so với khi chạy bộ quanh nhà. Tai, mũi tôi nhận biết mùi khói của các con tàu qua lại, mùi cá tôm của vùng biển và tôi tưởng tượng ra khung cảnh nên thơ của vịnh Hạ Long”.
Anh Đặng Thế Lâm, người sáng lập Việt Nam và những người bạn (Vietnam And Friends - VAF), tổ chức đứng ra làm cầu nối giúp Huy Việt chinh phục half marathon cho biết: “Ý tưởng xuất phát từ tổ chức Small Sound Bell (Nhật) muốn kết nối người khiếm thị siêu marathon trên sa mạc xuyên lục địa (Mông Cổ (châu Á), Namibia (châu Phi); Chi Lê (châu Mỹ); Úc (Châu Đại Dương)). Họ đã tìm đến VAF để kết nối người chạy. VAF đã tiến hành tìm người thông qua các thành viên của Chạy với tôi - 2gether mà không phải là các VĐV chuyên nghiệp để tăng sức thuyết phục và truyền cảm hứng cho những người khiếm thị khác. Người khiếm thị bình thường, không phải VĐV đỉnh cao đều có thể chạy được. Anh Việt là người nhiệt tình và có trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng người khiếm thị”.
Hiện nay, cơ hội để người khiếm thị và người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao cộng đồng ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Trong 2 năm qua, VAF đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó có Chạy với tôi - Run 2gether khuyến khích những người khiếm thị và khuyết tật chạy bộ cùng những người mắt sáng.
“Trở ngại đáng kể nhất đối với những người khiếm thị và khuyết tật tham gia những giải chạy như thế này là kinh phí và tình nguyện viên dẫn chạy. Hi vọng xã hội sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa dành cho người khiếm thị”, anh Huy Việt nói.
Sau giải chạy Hạ Long Bay Marathon, anh Huy Việt đã có ý mong muốn tham gia cự ly marathon, thậm chí 70km nếu như điều kiện cho phép. “Tôi đã từng leo lên đỉnh cao nhất khi tham quan chùa Tây Thiên mặc dù leo núi có nhiều trở ngại hơn so với khi chạy trên đường. Nếu bản thân vượt qua những khó khăn này thì mình mới có thể có động lực để vượt qua những khó khăn khác trong cuộc sống”.