Ông Đoàn Ngọc Hải lên tiếng “sắc như dao” về giải chạy marathon Quảng Bình
Ông Đoàn Ngọc Hải kết thúc đường chạy giải marathon ở Quảng Bình với thời gian 5 giờ 38 phút, thời gian chậm hơn nhiều so với thành tích cá nhân tốt nhất của ông là 4 giờ 39 phút 02 giây tại giải HCMC Marathon ở TP.HCM hôm 17/1/2021. Tuy nhiên, đó không phải là điều khiến cựu Phó chủ tịch Quận 1 TP.HCM quan tâm. Sau khi hoàn thành giải chạy này, ông đã đưa ra nhận xét khiến nhiều người phải suy ngẫm.
“KHÔNG CHỈ ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ MỘT CUỘC ĐUA MARATHON
Cuối cùng thì tôi cũng đã mang về chiếc huy chương hoàn thành cự ly 42km thứ 16 (7 chiếc huy chương di chuyển bằng máy bay, 9 chiếc huy chương chỉ lái xe cứu thương đến dự giải, không đi máy bay). Giải này tôi đã về thứ 54/127 vận động viên.
Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của mấy cô gái trẻ chạy 42km rất tốt ở các giải trước đây, các cô đã từng đạt thành tích chỉ 5 tiếng mà đã bị loại ở Cut-off km17 ở giải này và rất nhiều vận động viên đã bị loại ở km này vì qui định đến nơi đây không được quá 2 giờ30 phút. Qui định này không phù hợp vì đường dốc quá cao, không khí loãng...
Những vận động viên đã chạy cự ly 42km hết 5 tiếng thì họ có thể dự lấy huy chương ở mấy trăm giải marathon trên khắp thế giới, thế nhưng ở giải này thì không, đạt được huy chương hoàn thành ở giải vô địch quốc gia marathon còn dễ hơn giải Quảng Bình này, rất bất hợp lý. Tôi chỉ chậm 2 phút nữa là cũng bị loại lên xe buýt của ban tổ chức ra về cùng rất nhiều vận động viên bị loại.
Trên đường chạy sau đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tại sao giải này ở Quảng Bình “tổ chức thi đại học mà lại ra đề thi thạc sĩ ?“, trong khi phong trào marathon ở nước ta so với thế giới còn rất thấp, cả nước ta chỉ có khoảng 2 ngàn vận động viên chạy được 42km dưới 7 tiếng (bao gồm cả các vận động viên quốc gia).
Tôi đã dự 16 giải marathon đường nhựa trong nước và quốc tế, chưa bao giờ tôi thấy như ở giải này và giải ở Mèo Vạc do cùng một công ty tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức, từ km1 đến km17 đường dốc cao vời vợi bằng bê tông giữa đại ngàn Trường Sơn. Chẳng có vận động viên chuyên nghiệp nào lại “điên” đi tham dự giải này khi mà 7 ngày nữa giải vô địch quốc gia marathon báo Tiền Phong sẽ diễn ra ở Pleiku. Chắc chỉ có tôi mới “điên” khi dự giải marrathon dốc cao như thế này và 7 ngày nữa tôi lại tiếp tục ở Pleiku. Giải Quảng Bình nên tổ chức trước giải vô địch quốc gia ở Pleiku 2 tuần, có các vận động viên vô địch quốc gia dự giải thì giá trị của giải, uy tín của tỉnh sẽ tăng cao.
Tôi và các vận động viên đã đếm có cả thảy gần 50 đống đá nhọn rơi vãi trên đường. Lúc 5 giờ 30 trời còn tối, có mấy vận động viên đã đạp trúng và sau đó đã đi khập khiễng. Công tác kiểm tra và giám sát đường đua trước 3 tiếng đã không làm, nếu có làm thì đã vô cảm và ngoảnh mặt đi xem như không thấy.
Khi ngồi trên đò về tôi đã nghe các cháu thanh niên nói với nhau rằng năm sau họ sẽ không tham gia giải ở đây nữa. Vì sao? vì các cháu dự các giải HCMC ở Sài Gòn, Long Biên ở Hà Nội, Huế... chất lượng phục vụ đến tận răng, đường chạy đẹp mà mua bib dự giải chỉ 900 ngàn đồng đến 1 triệu 200 ngàn đồng thôi. Thậm chí có cháu trai đã dự giải ở Berlin (Đức), cháu chạy 42km ở bên đó hết có 4 giờ 15 phút, nhanh hơn tôi 24 phút vậy mà hôm nay cháu về sau tôi vì cháu không dám tăng tốc khi đường quá dốc và đầy đá nhọn.
Tôi rất mong giải này năm sau sẽ hoàn toàn “thay đổi” để tốt hơn. Ở các nước phát triển G7 thì mỗi lần tổ chức marathon là dịp để họ kích cầu kinh tế (máy bay, nhà hàng, khách sạn, đồ lưu niệm...), quảng bá du lịch và họ tranh thủ cho mọi người trên thế giới biết về năng lực và uy tín của nước họ chứ không đơn giản chỉ là một cuộc đua marathon của mấy anh chị em quần đùi áo số!”