Tiến sĩ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer và nửa giờ "Hôn miễn phí" ở Boston Marathon
>>> Tiến sỹ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer "xịn" từ NASA tại giải Daytona 100
Tiến sĩ Bruce Vũ là người Mỹ gốc Việt hiện đang làm việc tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA. Ngoài giờ làm việc với không gian vũ trụ, ông còn có sở thích đặc biệt là chạy bộ. Tiến sĩ Bruce Vũ đã và đang tham gia rất nhiều giải chạy bộ tại Mỹ và là người hoạt động tích cực, truyền kinh nghiệm đến cho những người yêu chạy bộ ở Việt Nam. Dưới đây là trải nghiệm của ông khi làm pacer cho một VĐV chạy giải Daytona 100 cự ly 100 dặm (tương đương 161km).
"Bruce - are you sure you still want to pace... giving you an out if you don't want to"
(Tạm dịch: Bruce, anh vẫn muốn dẫn tốc độ cho tôi chứ...anh có thể nghỉ nếu không sẵn sàng)
Khỏi cần hỏi tôi cũng biết tại sao Bob gửi mẫu tin nhắn đó cho tôi, chỉ vài ngày sau khi giải Space Coast Marathon kết thúc. Tôi đã có một kết quả thảm bại ở kỳ race này. Thật ra thì tôi cũng không nên lấy làm thất vọng vì trước khi race vài tuần, đúng thời điểm taper là tôi bị dính chấn thương do luyện tập quá độ.
Ngược dòng thời gian trở về 16 tuần trước, tôi bắt đầu bước vào luyện tập cho giải đua marathon được tổ chức ở gần nơi tôi sinh sống vào ngày Chủ nhật của tuần lễ Thanksgiving.
Lần này thì tôi không có lý do bào chữa như không quen route chạy vì nó là con đường mà tôi vẫn thực hiện các buổi chạy dài cuối tuần. Tôi nhận lịch tập của HLV Butler thiết kế. Lịch chạy hơi căng vì có nhiều bài chạy trên 20 miles (tương đương 32km - PV) và thứ Tư trong tuần cự ly bằng 75% bài chạy dài cuối tuần.
Tuy nhiên, tôi không gặp khó khăn hoàn thành các bài chạy dài này, thậm chí nó còn cho tôi thêm tự tin khi cơ thể được trang bị số mileage nhiều chưa từng thấy, trong những tuần lễ của hai tháng 9 và 10 tuần nào tôi cũng trung bình 100km, có tuần lên đến 120km.
Mặc dù số lượng mileage tăng lên đáng kể, nhưng tôi vẫn không nghĩ đó là lý do dẫn đến chấn thương viêm gân và bắp cơ chân phải. Tôi nghĩ thủ phạm chính là các bài chạy tốc độ của hai ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần mà tôi thực hiện trong running camp của Butler. Tôi bị cuốn theo tốc độ của các bạn ở camp, trong đó có nhiều người chạy nhanh hơn tôi.
Mặc dù tôi vẫn lắng nghe cơ thể và cảm thấy vẫn ổn khi phải chạy các bài intervals 8x400m và hay 16x200m ở pace 5:50/mile (3:37/km), tôi đâu có ngờ rằng là cơ thể mình chưa kịp phục hồi mà mình không biết, cụ thể là xen kẽ giữa hai ngày chạy tốc độ này là chạy dài thứ Tư, nhiều hôm lên đến 15 miles, mặc dù là chạy nhẹ nhưng nó đã vượt quá ranh giới chạy phục hồi.
>>> Tiến sỹ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer "xịn" từ NASA tại giải Daytona 100
Đến khi cơ thể lên tiếng là lúc trễ rồi. Suốt thời gian taper tôi giảm hẳn và hầu như không chạy, chỉ đạp xe và bơi để không bị suy giảm thể lực. Tôi liên tục viếng thăm "Rehab Facility" của trung tâm tập luyện vận động viên nơi tôi làm việc để được trị liệu hồi phục bằng laser therapy. Tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn hồi phục trước ngày Chủ Nhật hôm diễn ra giải đua marathon.
Chuyện gì đến phải đến, hôm ra race lúc khởi động 1km là tôi đã thấy có điều bất ổn, mặc dù chạy thả lỏng nhưng nhịp tim lên rất cao. Tôi quyết định thay đổi chiến thuật, thay vì chạy bám theo pacer 3:55 như đã luyện tập, tôi bám theo pacer 4:00 vài miles đầu và sau đó chạy theo cảm nhận của cơ thể. Tôi có thể viết một bài rất dài để kể lại những gì đã xảy ra, nhưng hình như tôi đã đi quá xa rồi; mục đích bài viết hôm nay là kể lại kinh nghiệm làm pacer cho một ultramarathoner.
Tôi chỉ xin tóm tắt những gì đã xảy ra cho tôi ở Space Coast Marathon như sau: vì sợ bị áp lực lên chân bị thương là chân phải nên tôi dồn lực qua chân trái, đến mile thứ 14 tôi bị chuột rút trước tiên là chân trái, rồi đến chân phải, đùi trước, và đùi sau. Cuối cùng khi cách đích chừng vài mét thì hai chân không còn một tí sức lực nên tôi đành phải khụy xuống. Vợ tôi và một bạn nữ chạy half marathon chạy vào dìu tôi qua vạch finish, thời gian hoàn thành của tôi hôm đó là 4:02:47. Một thất bại biết trước, nhưng có thất bại nào mà ngọt ngào đâu! Tôi phải mất một tuần rưỡi mới hồi phục lại thể lực cũng như tinh thần để quên đi thất bại này.
Tôi nói cho Bob yên tâm: "Bạn đừng lo, tôi sẽ sẵn sàng hôm ấy!"
Bob từng chạy Boston 2 lần, anh ấy có một quá khứ chạy bộ khá huy hoàng từ những năm trung học khi anh ở trong đội tuyển chạy băng đồng (cross country) của nhà trường. Cũng như đa số các vận động viên ở Mỹ, sau khi lên đại học là họ bận rộn bài vở, ra trường bận việc làm. Cuộc sống mưu sinh cướp đi thói quen chạy bộ của họ. Cho đến một hôm Bob nhận ra rằng mình đã bị lún sâu xuống đáy của cuộc đời, ly dị và nghiện rượu, bạn bè dần dần xa lánh anh.
Thế là Bob tìm lại với chạy bộ, và như một phép lạ nó đã giúp anh cai rượu hẳn và anh lại có thêm những người bạn mới với cùng sở thích lành mạnh. Từng là một VĐV một thời vang bóng nên Bob dễ dàng và nhanh chóng trở thành một runner có hạng, ở các cuộc đua cự ly ngắn 5K, 10K, hay HM anh liên tục giật giải, nếu không top 3 thì cũng nhất nhóm tuổi. Rồi anh tập FM và nhanh chóng đạt chuẩn BQ.
Bob hai lần chạy ở Boston, một lần chạy thật sự chỉ mất hơn 3 giờ, lần thứ hai anh vừa chạy vừa hưởng không khí của Boston cho nên mất gần 5 giờ. Bob kể cho tôi nghe anh đã mất gần nửa giờ đồng hồ ở thành phố Wellesley vì mãi bận rộn tận hưởng những nụ hôn miễn phí từ những cô sinh viên đại học làm tình nguyện viên cho giải Boston năm đó - đây là truyền thống của giải Boston thường niên, khi chạy qua Wellesley các đấng mày râu có thể dừng lại để "free kiss" các kiều nữ cổ vũ dọc đường.
Xem video các cô gái la hét cổ vũ và "free kiss" dành cho các runner chạy giải Boston Marathon:
Nhanh chóng sau đó Bob cảm thấy cự ly FM cũng không đủ cho mình, và anh đã tìm đến ultra marathon. Anh từng chạy nhiều giải 50K, 50 miles và 100K, nhưng không hiểu sao cái cự ly 100 miles nó cứ từ chối anh. Bob đã ba lần tham gia chạy 100 miles, ba lần không thể vượt qua mốc 70 miles.
Giải Daytona 100 xuất phát từ thành phố Jacksonville lúc 6 giờ sáng, chạy dọc theo xa lộ A1A sát bờ biển và kết thúc ở Daytona Beach. Phần lớn 100 miles là chạy trên nền xi-măng, đây là điểm lợi và cũng có thể là bất lợi cho các vận động viên chuyên chạy đường dài. Lợi là vì đường bằng phẳng dễ chạy không sợ rủi ro vấp rể cây hay phải dùng nhiều sức lực khi chạy qua những chỗ đất cát xốp, bất lợi là vì đường cứng gây nhiều chấn động lên đôi chân.
Suốt buổi sáng hôm đó tôi theo dõi Bob, anh có một khởi hành tốt đẹp, chạy qua các mốc 13M, 22M, 36M với những khoảng thời gian vừa phải, không nhanh cũng không quá chậm. Kỳ này Bob chọn 5 người pace cho mình, bao gồm hai nam và ba nữ, chúng tôi thay phiên nhau dẫn anh về đích. Nhiệm vụ của tôi là pace cho Bob từ mile thứ 70 đến 81. Đây là cái mốc quan trọng vì theo các ultramarathoner vượt qua được mile thứ 70 thì hoàn thành cuộc đua 100 miles là điều hoàn toàn khả thi. Bob chọn tôi ở cái mốc này có thể anh tin tưởng tôi sẽ giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn.
>>> Tiến sỹ Mỹ gốc Việt kể chuyện làm pacer "xịn" từ NASA tại giải Daytona 100