VĐV chạy phong trào có thêm cơ hội phong đẳng cấp điền kinh cấp 2
Khi các giải chạy phong trào nở rộ tại Việt Nam vài năm qua, số lượng người tập và thường xuyên tham gia các giải chạy bộ đã tăng lên chóng mặt. Nhiều giải marathon phong trào đã bắt đầu có số lượng VĐV dự nội dung 42,195km đông kỷ lục, vượt mặt tất cả các cự ly ngắn hơn.
Để đáp ứng nhu cầu và mong muốn cũng như tạo động lực cho các VĐV phong trào phấn đấu, kể từ Tiền Phong Marathon 2020 hồi tháng 7 vừa qua, Liên đoàn Điền kinh đã chính thức áp dụng mốc thành tích để được phong cấp kiện tướng, cấp 1 cho những VĐV phong trào.
Theo đó, những ai vượt qua thành tích 2:35:00 (nam), 2:55:00 (nữ) sẽ được phong Kiện tướng. Những VĐV có thành tích tốt hơn 2:42:00 (nam), 3:06:00 (nữ) sẽ được phong Cấp 1. Tuy nhiên, ở giải này, chưa có VĐV nào đăng ký hệ phong trào đạt được mốc thời gian trên.
Để tạo cơ hội cho các VĐV phong trào có cơ hội được phong cấp, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên các môn thể thao, trong đó bổ sung thêm Cấp 2. Điền kinh cũng năm trong số những môn thuộc diện được phong cấp thành tích này, bên cạnh các môn Bắn cung, Bắn sung, môn Bơi (lặn có yêu cầu cụ thể hơn về thành tích tại các giải đấu uy tín) và Cử tạ.
Theo ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao thì hiện dự thảo đang được trình và chờ xét duyệt. Mốc thành tích để được phong Cấp 2 cho môn điền kinh sẽ được công bố khi dự thảo được thông qua.
Còn ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao II thì cho biết những môn thể thao có thể xác định được bằng thời gian và định lượng như: Điền kinh, Bơi, Cử tạ... thì phải chọn ra được những VĐV có thành tích tốt nhất. VĐV được phong cấp sẽ có giá trị trong vòng 01 năm. Với những VĐV chuyên nghiệp (thi đấu theo hệ tuyển) thì việc phong cấp được căn cứ vào các giải đấu lớn như Thế vận hội (Olympic); Đại hội thể thao châu Á (ASIAD); Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games); Thế vận hội trẻ (Olympic trẻ)…
Với những VĐV phong trào, hiện Liên đoàn Điền kinh mới chỉ căn cứ vào thành tích Tiền Phong Marathon, giải đấu chính thức thuộc hệ thống thi đấu quốc gia để xét phong cấp điền kinh. Những giải đấu khác muốn lọt vào danh sách trên cần phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam.
Tuy nhiên, với việc đưa thêm phong cấp Cấp 2 vào môn điền kinh, các VĐV phong trào có thêm cơ hội để nhận được vinh dự vốn chỉ dành cho các VĐV chuyên nghiệp này. Tại giải Longbien Marathon 2020 hôm 1/11/2020 vừa qua, ở nội dung marathon nữ, VĐV Nguyễn Linh Chi (Chi Kenya) đã xuất sắc đạt thành tích 02:56:59, trở thành một trong số rất ít VĐV phong trào nữ chạy được 42,195km dưới 3 giờ. Nếu giải chạy này nằm trong hệ thống tính cấp của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam thì cô gái cá tính này hoàn toàn có thể được phong Cấp 1.
Với xu hướng như hiện nay, các VĐV phong trào đã có thành tích tiệm cận VĐV chuyên nghiệp. Ví dụ, Phạm Thị Hồng Lệ, thành viên đội tuyển điền kinh quốc gia, hiện là VĐV nữ chạy marathon được đánh giá tốt nhất Việt Nam hiện nay đang sở hữu thành tích cá nhân tốt nhất cho marathon là 2:48:20 và 1:17: 52 cho bán marathon (21,0975km).
Trong số các VĐV chạy marathon nam phong trào hiện nay ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Hùng (Hùng Hải) cũng đã có thành tích rất sát với các VĐV chuyên nghiệp. Chàng trai quê Phú Thọ cũng vừa đạt chức vô địch Longbien Marathon 2020 với thời gian 2:41:54, đủ để phong Cấp 1.
Với những chủ trương thoáng hơn, gợi mở hơn để tạo động lực cho các VĐV phong trào phấn đấu thì dần dần khoảng cách giữa “elite” và nghiệp dư sẽ không còn quá lớn. Nếu không có gì thay đổi, hướng tới SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam cuối năm 2021, rất có thể sẽ có một hoặc nhiều VĐV phong trào đủ tiêu chuẩn đại diện nước chủ nhà tham dự nội dung marathon của Đại hội Thể thao Đông Á.