VĐV marathon càng trẻ, chạy nhanh càng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt
Mùa hè đã đến với những ngày có nền nhiệt cao, thời gian nắng gắt kéo dài… trở thành cơn ác mộng cho những người luyện tập chạy marathon. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành khiến các giải chạy tạm dừng thì nhu cầu được chạy đối với các VĐV ngày càng cao.
Sốc nhiệt hay các loại chấn thương liên quan đến nhiệt độ là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong tập luyện và thi đấu ở thời điểm mùa có nền nhiệt độ cao.
Sốc nhiệt là gì?
Theo các chuyên gia, sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke) được cho hay xảy đến với người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết; hay tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Trong khi đó, sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke) hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường; thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc tập thể dục, gắng sức quá độ…
Khi cơ thể đạt đến ngưỡng nhiệt độ quá cao sẽ khiến người bị sốc nhiệt có các triệu chứng như: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tim đập quá nhanh, dồn dập, đau đầu…
Đối tượng có nguy cơ cao sốc nhiệt
Tạp chí Journal of Medicine and Science in Sports and Exercise của Mỹ công bố một bản số liệu lấy từ Boston Marathon, giải chạy lớn và lâu đời nhất thế giới (124 năm), trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2019, cho thấy: những VĐV ở độ tuổi trẻ, chạy với tốc cao có nhiều nguy cơ dính sốc nhiệt khi chạy 42,195km hơn.
Trong số 136.161 được theo dõi số liệu, người ta tìm ra được 50 trường hợp bị sốc nhiệt khi tham dự các mùa Boston Marathon trong khoảng thời gian trên, chiếm 0,5% tỷ lệ các can thiệp y tế đối với các VĐV tham dự giải này trong 4 năm đó.
Điều đáng chú ý là thời điểm tổ chức Boston Marathon ở Mỹ thường là tháng 4, có nền nhiệt độ chỉ khoảng 17-20 độ C. Căn cứ thêm các yếu tố về độ ẩm, gió, ánh nắng mặt trời…, người ta tìm ra những VĐV dưới 30 tuổi, chạy ở hai luồng xuất phát đầu tiên (do số lượng VĐV lớn, BTC giải phải xếp VĐV xuất phát theo luồng, căn cứ theo thành tích cá nhân của họ), tức những người có khả năng chạy nhanh, thì tỷ lệ dính sốc nhiệt cao hơn.
Kết quả này không chỉ ra rõ ràng được nguyên nhân vì sao các VĐV bị sốc nhiệt bởi những biểu hiện của sốc nhiệt còn tùy thuộc vào cơ địa, điều kiện sức khỏe của VĐV đó trong ngày đua. Nhưng qua thống kê thì có thể thấy: người trẻ và chạy nhanh thường có nguy cơ bị sốc nhiệt cao hơn nhóm VĐV cao tuổi và chạy chậm.
Điều này cho bạn gợi ý hữu ích rằng: hãy tập luyện và thi đấu theo đúng khả năng, tránh việc đặt mục tiêu quá cao, đẩy tốc độ chạy lên quá mức sức chịu đựng của cơ thể… để tránh sốc nhiệt và các loại chấn thương khác khi chạy marathon.