Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm giao lưu trước giải cờ vua KPNest 2024 tranh cúp mạ vàng KPNest
“Liêm đến với cờ vua hết sức tình cờ. Năm Liêm 6 tuổi, anh trai hơn Liêm 2 tuổi tìm được cuốn sách dạy chơi cờ vua của ba, do ba mẹ Liêm lúc đó cũng bận đi làm nên không có thời gian chơi với anh, anh mới dạy Liêm để 2 anh em cùng chơi chung với nhau. Ban đầu 2 anh em tự chơi, tự mày mò chứ không có ai dạy. Được một thời gian mới đi thi giải cờ vua cấp trường, cấp quận, Liêm và anh Long mới được ba mẹ đưa đến học với các thầy cô ở trường Nghiệp vụ Năng khiếu Thành phố, sau đó mới bắt đầu quá trình thi đấu các giải quốc gia, quốc tế”, Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm nhớ lại cơ duyên đến với cờ trong buổi giao lưu trước giải cờ vua KPNest 2024 tranh cúp mạ vàng KPNest do Công ty Cổ phần phát triển tổ yến KPNest phối hợp cùng Liên đoàn Cờ TP.HCM tổ chức vào ngày 30/11/2024 tại Trung tâm hội nghị The Adora (431 Hoàng Văn Thụ, Phường 4, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Báo Thanh Niên là đơn vị bảo trợ thông tin cho giải đấu.
Nhân dịp này, kỳ thủ cờ vua nam số 1 Việt Nam cho rằng các kỳ thủ nhí đừng nản lòng nếu thua trận: “Không có ai vừa sinh ra đã là nhà vô địch cả. Tất cả đại kiện tướng thế giới đều từng là người mới tập chơi cờ. Có thể lúc mới tập chơi cờ, mình thua nhiều hơn. Sau này trình độ đi lên thì thua ít lại, bắt đầu thắng được nhiều hơn. Đó là cả một quá trình. Lời khuyên lớn nhất mà Liêm có thể đưa ra là mình đừng quá tập trung vào kết quả. Thành công là cả một hành trình. Nếu mình cảm giác thi đấu hôm nay tốt hơn hôm qua, thi đấu giải này tốt hơn trước thì mình đã có tiến bộ rồi, tiến bộ so với bản thân. Còn về khách quan, mình phải tự hỏi cần làm gì để tiến bộ. Điều đó, các bạn nhỏ cần phải nói chuyện với huấn luyện viên của mình để biết còn yếu cái gì, cần cải thiện ở đâu.
Còn thi đấu thì thắng thua là chuyện bình thường. Nếu giải này không thành công thì cố gắng tốt hơn ở giải tiếp theo. Các giải cờ vua có rất nhiều nên đừng quá lo lắng. Tất nhiên nếu có nhiều giải đấu không thành công thì phải tự hỏi điều gì dẫn tới sự chưa thành công đó. Còn nếu chỉ là 1 thất bại tạm thời thì không cần phải quá lo lắng. Vào năm 2010, lúc Liêm vừa lên Elo 2.700 là cột mốc Siêu đại kiện tướng, lúc đó Liêm lần đầu tiên đạt cột mốc đó và cũng là người Việt Nam đầu tiên đạt cột mốc đó, Liêm rất vui, nhưng ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu, Trung Quốc, ở nội dung cờ nhanh, Liêm thi đấu tốt nhưng sơ sẩy 1 ván nên mất huy chương vàng, chỉ đoạt huy chương bạc. Tới nội dung cờ chậm ngay sau đó, Liêm thi đấu cực kỳ tệ, lúc đó trong giải, mình không biết tại sao.
Thi đấu 5 ván cờ chỉ được có nửa điểm là điều chưa bao giờ xảy ra với Liêm trước đó. Mình có 4 ván thua và chỉ có 1 ván hòa, mà đối thủ yếu hơn rất nhiều, chỉ có (Elo) 2.500, thậm chí 2.300l 2.400 nữa. Sau giải đấu mình mất 25 Elo chỉ sau 1 giải đấu. Mình cảm thấy rất sốc vì không hiểu sao chuyện đó lại xảy ra, dẫn tới chán nản về cờ, lúc đó không muốn nghiên cứu cờ nữa. Nhưng sau thời gian vài tuần, niềm đam mê cờ lớn hơn nỗi thất vọng vì thất bại đó, dẫn Liêm tới việc ngồi xuống nghiên cứu lại tại sao thất bại như vậy, tại sao có những kết quả không mong muốn như vậy, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Và từ đó đến giờ, Liêm chưa từng mất nhiều Elo như vậy trong 1 giải đấu. Những giải đấu như vậy chỉ là thất bại tạm thời thôi, rồi mình sẽ vượt qua. Vấn đề là phải có sự đam mê và làm việc nghiêm túc thì sẽ vượt qua những thất bại đó”.
Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm còn truyền kinh nghiệm khắc phục chênh lệch múi giờ khi thi đấu nước ngoài cho các kỳ thủ nhí: “Khi ra nước ngoài thi đấu sẽ có chênh lệch múi giờ. Nếu thi đấu ở châu Á, chênh lệch không lớn, có thể chỉ 1-2 ngày là làm quen với múi giờ mới. Còn đi châu Âu hay đi Mỹ sẽ chênh lệch khá nhiều, chẳng hạn Liêm mới từ Mỹ bay về hôm thứ Năm vừa qua, chênh lệch tới 13 tiếng đồng hồ, ví dụ như giờ này thì bên Mỹ chuẩn bị đi ngủ rồi, nên cũng mất mấy ngày mới làm quen được, cũng rất khó khăn. Mấy ngày sau Liêm quay lại Mỹ phải làm quen múi giờ ngược lại. Làm 1 VĐV, Liêm quen với điều đó rồi nên cũng không phải trở ngại lớn lắm.
Tuy nhiên, Liêm nghĩ nếu các VĐV đi giải lớn thì nên cố gắng đến sớm 1-2 ngày, hoặc thậm chí lâu hơn, có cơ hội trải nghiệm nền văn hóa ở nước đó, nghỉ ngơi thư giãn và cũng giúp mình làm quen múi giờ. Cách Liêm làm quen múi giờ là nếu buồn ngủ thì cố gắng đừng ngủ ban ngày, vì nếu ngủ ban ngày thì sẽ không bao giờ làm quen được múi giờ hết, mình phải chờ tới tối mới ngủ, làm sao để sinh hoạt đúng múi giờ của quốc gia mà minh tới. Ban ngày nếu buồn ngủ thì cố gắng làm những hoạt động khác như đánh cờ, tập cờ, ra ngoài đi dạo, tập gym để tiêu hao bớt năng lượng, tới tối ngủ ngon hơn. Cờ vua tuy là môn chỉ thi đấu trên bàn cờ, nhưng sức khỏe là điều rất quan trọng, minh phải rèn luyện thể lực, ăn ngủ cho tốt, điều hòa sinh hoạt để có thể lực tốt nhất. Khi có thể lực tốt nhất mới có suy nghĩ tốt nhất để đạt kết quả tốt nhất”.