Tại sao 1 năm chỉ có 2 kỳ CN?: Cầu thủ như… gà, thả ra khỏi đuổi
Lợi ích của mua bán quanh năm
Theo cựu HLV Man City Steve Coppell, Premier League cần cân nhắc ý tưởng hủy bỏ 2 kỳ chuyển nhượng để cho phép các CLB thành viên được mua sắm thoải mái đến tận mấy vòng cuối mùa bóng. Ông giải thích: “Tôi không thấy các cửa sổ chuyển nhượng hiện nay có điểm nào hợp lý. Bởi lẽ, không bị giới hạn trong 2 kỳ chuyển nhượng sẽ giúp các CLB không phải chiêu mộ cầu thủ nhiều quá mức cần thiết. Hệ thống chuyển nhượng cũ còn có cái lợi là chỉ cần lực lượng hơi bất ổn, CLB dễ dàng hóa giải bằng cách mượn cầu thủ hoặc mua với hợp đồng ngắn hạn”.
Dĩ nhiên là không khó hình dung việc cho các CLB được mua bán cầu thủ quanh năm suốt tháng sẽ tạo ra nhiều cái lợi. Chẳng hạn như mùa trước, Liverpool từng phát điên vì Daniel Sturridge chấn thương triền miên, trong khi các tân binh như Mario Balotelli, Rickie Lambert không chứng minh được năng lực. Nếu không có rào cản chuyển nhượng, Liverpool đã có thể bổ sung tiền đạo và cải thiện thành tích thi đấu nhằm chen vào Top 4.
Về phần các cầu thủ, một ngôi sao như Radamel Falcao chắc chắn đã được rời Man Utd chỉ sau 1-2 tháng, khi cảm thấy không thể hoà nhập. Việc này có lợi cho cả hai bên, vì “Quỷ đỏ” không phải nuôi báo cô chân sút người Colombia, còn tiền đạo này chẳng đến mức hỏng cả danh tiếng lẫn phong độ do phải thường xuyên mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Đồng thời, lợi ích của thị trường chuyển nhượng tự do sẽ khuyến khích các ngôi sao thử sức ở các nền bóng đá khác mà không lo sự nghiệp xuống dốc từ đây. Song song đó, các CĐV cũng sẽ luôn cảm thấy hào hứng nếu ngày nào cũng có thể được chứng kiến đội nhà rước về một ngôi sao mới.
Những hệ lụy của tự do chuyển nhượng
Tuy nhiên việc phá bỏ quy chế chuyển nhượng 2 phiên như hiện tại cũng có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Trước hết là việc các CLB được phép mua bán lung tung sẽ dẫn đến sự thiếu trung thành của các cầu thủ. Hiện tượng này chẳng đơn giản như Raheem Sterling muốn rời Liverpool. Ví dụ như lúc đội bóng sắp xuống hạng thì anh nào chẳng muốn chuồn? Hoặc đội A có thể dụ dỗ, lôi kéo cầu thủ quan trọng nhất của đội B ngay trước khi 2 đội có trận đấu “sinh tử” với nhau…
“Bật đèn xanh” cho mua bán lung tung còn gây thêm khó khăn cho các CLB thuộc diện ít tiền, chưa kể những đội đang nỗ lực trụ hạng mà bị câu mất một vài trụ cột thì chết chắc. Đồng thời, những đội bóng nhỏ sẽ chỉ còn sắm vai trò “cái nôi” đào tạo tài năng cho các đội bóng lớn giàu có, vì chỉ cần có cầu thủ nào vừa nổi lên là dễ dàng bị cuỗm mất. Tình trạng này sẽ dẫn bóng đá tới nguy cơ chỉ còn là sân chơi của một nhóm đội mạnh, vì các đội nhỏ sớm phá sản do tiền bán cầu thủ làm sao đền bù được chi phí đào tạo, nhất là với cảnh “gặt lúa non” như thế thì giá chuyển nhượng các ngôi sao mới nổi rất khó đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, quyền tự do chuyển nhượng còn có thể tạo ra sự mất công bằng, lộn xộn ở những vòng đấu cuối, thậm chí khó xác định những toan tính nhằm mua điểm như kiểu Catania mới đây. Vì khi đó, một đội hết động lực chắc chắn sẽ tìm cách bán cầu thủ cho đội bóng còn mục tiêu với thỏa thuận sau đó cho họ mua lại… Những mối quan hệ tương hỗ như vậy rất dễ dẫn tới khả năng là khi gặp nhau, các đội từng hợp tác sẵn sàng nhường điểm, biến giải VĐQG không còn là cuộc hỗn chiến vô tư giữa 18-20 đội, mà chỉ còn là đấu trường cho 4-5 thế lực chèn ép nhau.
Việc mỗi năm chỉ nên có 2 kỳ chuyển nhượng còn nhằm duy trì giá trị các thần tượng, cũng như giữ gìn sức sống cho bóng đá. Bởi lẽ, làm thế nào các CĐV có thể xem một ngôi sao như thần tượng, nếu anh ta cứ ra vào đội bóng như con thoi? Nhưng nghiêm trọng hơn là nếu các “sao” dễ dàng rời đội tới nơi khác hưởng lương cao hơn, dễ có cầu thủ nào chấp nhận nhường cơ hội ngon ăn cho đồng đội dứt điểm như hiện nay? Lúc đó, bóng đá hiện đại nhiều khả năng sẽ quay lại thời nguyên thủy, khi cầu thủ trên sân mạnh ai nấy đá mà chẳng cần chiến thuật nào. Ngặt nỗi là giờ đây, sau khi thưởng thức bóng đá đỉnh cao tới mức gần như bội thực, NHM rất dễ buồn ngủ nếu xem lại các trận đấu của Brazil thời đỉnh cao của Pele, chứ đừng bàn tới cái thuở bóng lăn là cả phố lao vào tranh chấp.
MINH CHÂU