“Phiêu” với xế độc Ducati GT1000 Classic 2008 trên phố Hà Nội
Với số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, Ducati GT1000 luôn được liệt vào dach sách “của hiếm” đối với giới chơi xe tại Việt Nam. Tại sao việc sở hữu chiếc xe này lại khó đến thế?
Đầu tiên, thật đáng buồn khi phải nói rằng chiếc xe mang dáng dấp cổ điển và mẫu mực này đã bị Ducati khai tử và nhường chỗ cho việc sản xuất sản phẩm mới cho năm 2012. Có thể nói rằng, bất cứ kẻ mộ điệu hãng xe nước Ý nào cũng đều mong muốn được sở hữu một chiếc GT 1000. Bởi GT1000 khác hẳn với những chiếc naked-bike khác của bản hãng, chiếc xe mang dáng dấp của những chiếc xe máy vào những năm 70.
Chiếc xe được sinh ra tại Italia, nơi những cỗ xe tốc độ là niềm đam mê ăn vào máu thịt. Câu chuyện của những cỗ máy mạnh mẽ ẩn mình dưới lớp vỏ cổ điển này bắt đầu từ năm 2006, và chỉ kéo dài đến năm 2010. Series Sport Classic nhà Ducati lúc bấy giờ xuất hiện như một tượng đài trong làng motor phân khối lớn. Với khối động cơ V-twin chếch 90 độ dung tích 992cc, SOHC, chiếc xe là một điển hình mẫu mực cho phong cách Retro. Ở thời điểm này, đối thủ của Sport GT1000 là những cái tên vẫn còn nổi trội cho đến bây giờ như Triumph Bonneville, Thruxton hay Moto Guzzi Griso 1100/1200 8V.
Tuy sở hữu dáng dấp cổ điển, nhưng GT1000 sở hữu khá nhiều phụ tùng cao cấp. Ở phía trước, chiếc xe có hệ thống phanh đĩa kép Brembo và cặp phuộc USD đường kính 43 mm. Do mang phong cách hoài cổ nên chiếc xe sở hữu bánh căm.
Phần đầu xe có thiết kế rất hoài cổ, nổi bật với cụm đèn pha được tạo hình tròn thường thấy ở nhiều mẫu xe cũ khác. Nhưng nếu đến gần hơn một chút, thì đây lại là hệ thống chiếu sáng khá hiện đại, thậm chí là “hàng hiệu” đến từ hãng PIAA (Nhật Bản) với vòng LED định vị bên ngoài.
Phía mặt đồng hồ của chiếc xe được thiết kế khá trực quan và truyền thống với 2 đồng hồ báo tua và báo vận tốc. Ngay phía dưới là cụm ghi-đông liền được bố trí khá thấp. Trong series Sport Classics của Ducati, ngoài GT1000 còn có các phiên bản Sport 1000, Sport 1000S và Paul Smart với phong cách thể thao hơn, khi sử dụng tay lái dạng clip-on.
Tiếp đến, phần bình chứa nhiên liệu của Ducati GT1000 có kích thước khá lớn, với thiết kế gợi nhớ về chiếc xe đua Ducati của tay đua Mike Hailwood đã từng sử dụng để chiến thắng giải đua cực nguy hiểm Isle of Man năm 1978.
Bộ yên xe có cấu tạo khá giống với chiếc Ducati Scrambler ngày nay, với điểm khác biệt là bọc da đen hoàn toàn và có thêm đai dắt. GT1000 được trang bị cặp ống xả kép mang tên gọi Silentium, được mạ chrome bóng loáng.
Có thể nói bất cứ ai đã trót yêu những cỗ máy của người Ý sẽ ngay lập tức bị mê hoặc bởi những mảnh ghép tựa khung giàn mắt cáo bằng thép-ống, bình nhiên liệu dài và thấp, chỗ ngồi cho khách đằng sau có chia bậc. Ngoài ra một số chi tiết cũng đã được loại bỏ để mang lại sự gọn gàng cho chiếc xe, như cụm đèn xi-nhan trước được tích hợp ngay vào gù tay lái.
“Trái tim” của Ducati GT1000 là khối động cơ L-Twin làm mát bằng gió Desmodue 992 cc, đem tới công suất tối đa 91 mã lực, đi cùng hộp số 6 cấp, chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa 217 km/h.
Với cụm ghi-đông không quá thấp và chiều cao yên hợp lý, những tay nài cao từ 1,7m đã có thể tự tin điều khiến GT1000. Yên xe, bình xăng, gác chân đều được thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo yếu tố vừa vặn, thoải mái. Tất nhiên, người Italy không phải người Nhật. Vẻ đẹp và độ hoàn thiện luôn được đề cao ở mọi chi tiết nhỏ nhất. Tất cả những gì cần thiết chỉ là “côn ra, ga vào” một cách mượt mà và nhuần nhuyễn.
Thoát khỏi những con phố trong nội đô một cách nhanh chóng, liên tục gẩy số và xoắn mạnh tay ga, lúc này tất cả các giác quan đều chìm trong tốc độ. Tuy nhiên, người lái không được quên rằng, chỉ cần ở cấp số 1 với ngưỡng vòng tua qua ngưỡng 10.000 vòng/phút xe hoàn toàn có thể lên đến 100 km/h. Số 2 là 130 km/h, cứ như vậy cho đến ngưỡng cực đại 217 km/h.
Một điểm khác biệt nữa với những chiếc Ducati đương thời và hiện đại hơn, GT1000 và tất cả những chiếc xe khác trong series SportClassics đều được trang bị phuộc kép truyền thống phía sau. Trên GT1000, phuộc sau do hãng Sachs cung cấp trong khi các phiên bản Sport 1000S hay Paul Smart dùng phuộc “hàng hiệu” từ Ohlins cao cấp hơn.
Sau cùng, để có thể sở hữu một chiếc xe cổ điển không già cỗi và quá vui thú để điều khiển như vậy ở Thủ Đô Hà Nội, hẳn là chủ nhân chiếc xe phải có một niềm đam mê rất mãnh liệt với những cỗ máy của Ducati. Chiếc xe không hẳn chỉ là một cỗ máy tốc độ, mà còn là một sản phẩm đầy tính biểu tượng.