Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Cúp Chiến thắng là cú hích cho các môn thể thao Olympic

thứ năm 7-11-2019 23:15:00 +07:00 0 bình luận
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh vừa có có những chia sẻ tâm huyết về giải thưởng Cúp Chiến thắng và những ảnh hưởng của danh hiệu này tới chiến dịch SEA Games 30 và xa hơn là Olympic 2020 của Thể thao Việt Nam.

Cúp Chiến thắng thúc đẩy các môn Thể thao Olympic phát triển

Webthethao: Đến cuối năm, thể thao Việt Nam lại rộn ràng với giải thưởng Cúp Chiến thắng. Bản thân ông chắc hẳn có những cảm xúc đặc biệt với sự kiện này?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Giải thưởng này là chúng tôi mong ước, đi đến bàn bạc, xây dựng kế hoạch và trở thành hiện thực. Cúp Chiến thắng góp phần rất lớn cổ vũ cho thể thao Việt Nam. Đây là nguồn động lực khích lệ cho các VĐV. Các năm trước, các VĐV ưu tú, được báo chí bầu chọn dự kiến, ngôi sao xuất sắc đều mong chờ Cúp Chiến thắng.

Không chỉ họ mà thế hệ kế cận quan tâm xem Cúp Chiến thắng vào ngày nào, sau sự kiện nào. Sắp tới chúng ta tham dự SEA Games, nhiều VĐV đang quan tâm Cúp Chiến thắng năm nay diễn ra như thế nào.

Mong ước của chúng ta là có sự ảnh hưởng tích cực đến thể thao. Và Cúp Chiến thắng ngày càng lan tỏa và có sức hút. Đó là sự đóng góp to lớn từ giới truyền thông nói chung cũng như Ban tổ chức Cúp Chiến thắng nói riêng.

Trước đây tôi trực tiếp tham gia cùng các VĐV nhưng nay đã nghỉ rồi nên cứ trăn trở mình làm gì để đóng góp cho thể thao nước nhà. Tôi cảm thấy rất trân trọng giải thưởng này.

Chuyên gia thể thao nổi tiếng Nguyễn Hồng Minh đánh giá rất cao uy tín, sức ảnh hưởng của Cúp Chiến thắng

Cúp Chiến thắng có mô hình Oscar tôn vinh một người duy nhất. Ngay từ đầu, ông và các cộng sự nghĩ ra mô hình này?

- Tôi nghĩ ở các lĩnh vực khác họ cũng đã làm và khi chúng ta bàn, chúng ta làm cho một vị trí duy nhất ở các hạng mục sẽ khích lệ cao. Bản chất của thể thao là khuyến khích thế hệ trẻ, VĐV ưu tú luôn luôn nỗ lực, sáng tạo, đua tranh quyết liệt và vươn tới đỉnh cao.

Thế hệ này cố gắng, người này cố gắng thì người khác phải tìm cách vượt qua, luôn luôn có động lực thúc đẩy. Thể thao đánh giá khả năng, nỗ lực vươn lên của con người. Vì màu cờ sắc áo của đất nước thì họ luôn nỗ lực. Hình thức tôn vinh độc tôn một số cá nhân điển hình bao giờ cũng có sức hút lớn.

Sức sáng tạo thì có các hình thức cổ vũ phong trào, gia tăng, giảm bớt hay điều chỉnh một số hạng mục. Thể thao luôn nhất, nhì, ba nhưng vị trí thứ nhất bao giờ cũng là tấm gương để cổ vũ thế hệ trẻ, những người muốn nỗ lực vươn lên.

Ban đầu khi sáng lập, ông mong muốn Cúp Chiến thắng là cú hích cho các môn thể thao Olympic cơ bản. Cúp Chiến thắng làm được điều này chưa, thưa ông?

- Thể thao Việt Nam trong quá trình phát triển có những chiến lược theo từng thời kỳ. Việc thúc đẩy các môn thể thao Olympic phát triển ở Việt Nam vẫn còn chậm trễ. Quan điểm phát triển các môn Olympic và khác qua các thời kỳ của các nhà quản lý đều có sự khác nhau.

Đến thời kỳ chúng ta, khi hòa nhập, muốn có vị trí cao thì phải xây dựng, định hướng. Điều này có khó khăn trong quá trình thực hiện, do quan điểm trong quá trình nhận thức, tư duy của các nhà quản lý chưa thống nhất. Khi ra đời, Cúp Chiến thắng là một phần thúc đẩy, khích lệ sự phát triển của các môn Olympic.

Ở SEA Games 29, khi chúng ta có nhiều thành công ở các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, TDDC hay đấu kiếm,… các nhà quản lý tính toán rằng, tỷ lệ phần trăm các huy chương ở môn Olympic thay đổi hẳn. Từ đó, cộng với sự cổ vũ, chúng ta tôn vinh các VĐV ở Cúp Chiến thắng. Ngoài ý nghĩa thúc đẩy thể thao Việt Nam thì Cúp Chiến thắng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các môn thể thao Olympic.

Khi chúng ta phát động Cúp Chiến thắng, chúng ta khích lệ, lựa chọn được những nhà thể thao xứng đáng được hưởng vị trí đó để những người khác có thể tin, chúng ta có những môn để tiến lên đấu trường châu lục hay Olympic mà rất nhiều người trước đó đã hoài nghi chúng ta không thể làm được như vậy. Đó là thành công rất lớn, đáng trân trọng.

Cúp Chiến thắng là nơi tôn vinh những nhân vật cống hiến trọn đời cho thể thao nước nhà.

Điểm nhấn của Cúp Chiến thắng chính là Gala trao thưởng với không khí như ngày hội. Bản thân ông cảm thấy như thế nào?

- Với bản thân tôi, tôi luôn có cảm xúc khác lạ. Bởi ngoài tôn vinh VĐV ưu tú của chúng ta thì chúng ta còn dành những con người cả đời cống hiến cho thể thao. Có giai đoạn dài, tôi đồng hành với họ, là học trò hay bạn thì rất xúc động. Cảm giác với tôi trong ngày hội ấy là những giây phút xúc động với sự hy sinh của các VĐV để giành thành tích. Nghĩ về người đó, tôi cảm thấy trân trọng hơn những con người đóng góp cho thể thao. Họ là tấm gương cho các thế hệ sau.


Đừng lệ thuộc vào SEA Games

Bao năm theo dõi, cứ mỗi lần đến SEA Games là chúng ta thường quan tâm đến Top 3, chương trình thi đấu thay đổi liên tục và HCV bóng đá nam. Năm nào cũng lặp lại điệp khúc này, thưa ông?

- HCV bóng đá nam là niềm mơ ước của người hâm mộ. Bóng đá chúng ta tạo ra không khí mới cho thể thao Việt Nam. Đó là sự tiến bộ trân trọng, sự nỗ lực của HLV Park Hang Seo.

Mục tiêu mình chưa có thì rất khó khăn. Sắp tới có cơ hội nhưng không phải lớn. Khi mà có cơ hội mà muốn vươn lên giành được thì sự khát khao càng trỗi dậy. Thế nên, bất cứ ai cũng muốn có.

Đấu trường SEA Games đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực nhưng có mặt tiêu cực. Vì vậy, chúng ta không nên lệ thuộc vào nó. Sau SEA Games ở Singapore, chúng ta giành thắng lợi ở các môn Olympic. Không phụ thuộc vào Top 3 nhưng các môn Olympic có thể dẫn đầu được thì đó là niềm tự hào rất lớn.

Chúng ta không nên kêu ca về chương trình thi đấu thay đổi hay trọng tài?

- Điều này chúng ta không khắc phục được mà phải chấp nhận nó. Thay vào đó, chúng ta tăng cường sự hữu nghị, tập trung cho các môn thể thao Olympic, tạo cơ hội thi đấu chứ không nên phụ thuộc.


Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh không thể mãi thành công được

Trước thềm SEA Games 30, Ánh Viên là VĐV số 1 với mục tiêu giành 8 HCV rồi lồng thêm suất dự Olympic. Ông nghĩ sao về điều này?

- Sau giải đấu cúp châu lục và thành tích của Ánh Viên, tất cả chúng ta trân trọng VĐV phấn đấu cho thể thao nước nhà. Thầy trò Đặng Anh Tuấn, Ánh Viên hy sinh hết mình nhưng cũng có suy nghĩ, đằng sau đó là có thể đòi hỏi gì hơn ở họ. Mà cứ tiếp tục đòi hỏi mãi thì có hợp lý hay không.

Sáu tháng sau khi giành HCV Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành HCB Cúp bắn súng Thế giới

Viên vẫn có khả năng là ngôi sao ở SEA Games và năm nay, mục tiêu của Thể thao VN là SEA Games. Còn Viên có trở thành ngôi sao của châu lục hay đạt tiêu chuẩn Olympic lại là khác. Vấn đề này tôi không chắc chắn lắm. Bởi vì chúng ta có thể nhìn được thực lực của cháu. Đó là cách đầu tư cũng như tuổi tác.

Chúng ta hãy nói đến pha trong tâm lý thể thao. Đây là tâm lý VĐV muốn chơi hay không muốn chơi nhưng vì sự đơn điệu kéo dài mãi thì sẽ xuất hiện sức ì. Sức ì càng lớn sẽ cản trở mục tiêu tiến xa hơn.

Hoàng Xuân Vinh sau Olympic thì im hơi lặng tiếng. Ông có nghĩ ở SEA Games anh sẽ giành HCV?

- Tôi không nghĩ ở SEA Games này anh sẽ không giành HCV. Trong thể thao không tồn tại quy luật cứ thi đấu là chiến thắng. Hoàng Xuân Vinh đạt 1 HCV, 1 HCB ở Olympic. Điều này không ai làm được. Nhưng, Hoàng Xuân Vinh phải thấy một tình huống thi đấu cụ thể.

Tất cả các cuộc thi đỉnh cao, những người cùng chiến hào với anh ấy ở các nước đều là những người hàng đầu ở Olympic, thế giới. Họ cũng thất bại trước Xuân Vinh chứ lúc nào họ cũng chiến thắng đâu.

Đối với Hoàng Xuân Vinh, chúng ta phải có cách nhìn là không nghĩ đến quy luật thì hôm nay thắng Olympic thì phải thắng SEA Games. Tôi cũng chia sẻ với các VĐV Việt Nam, nhìn như thế để không thất vọng, để trân trọng các VĐV nước nhà. Trong lịch sử thể thao nước nhà, thành tích đó không bao giờ mờ.

Lịch sử thể thao VN vẫn nhắc đến bác Trần Oanh với việc vượt qua kỷ lục thế giới. Dù không được công nhận kỷ lục thế giới nhưng thành tích đó, chúng ta vẫn tin tưởng các VĐV Việt Nam sẽ làm được.

Sau Olympic, tỷ lệ thua các VĐV ngang tầm của Hoàng Xuân Vinh gần như liên tục. HLV Nguyễn Thị Nhung cũng nêu ý kiến, Thể thao Việt Nam chưa kinh nghiệm để chăm nom các nhà vô địch Olympic. Còn ý kiến của ông thì sao?

- Đó chỉ là một phần bởi đã có những nhà vô địch Olympic đâu mà chăm nom. Nếu chăm nom tốt thì Hoàng Anh Tuấn đã giành HCV ở Bắc Kinh 2008 bởi trước đó, anh mất 1 năm tập luyện khi mà ngành thể thao sát nhập ngành văn hóa.

Ánh Viên vẫn còn khoảng cách khá xa so với các kình ngư đẳng cấp thế giới.

Trần Hiếu Ngân chuẩn bị cho Olympic trong bối cảnh taekwondo khác hẳn bây giờ. Thời điểm đó, taekwondo là độc tôn của Hàn Quốc. Bây giờ taekwondo phát triển rộng rãi trên toàn thế giới. Khi phong trào lan ra toàn thế giới thì trở ngại ngày càng lớn. Đối với Ánh Viên quá khó khăn ở đấu trường này.

Chiến lược Olympic chưa rõ thì chưa có kế hoạch tốt, chu toàn cho các VĐV trọng điểm. Bây giờ chúng ta lấy SEA Games rồi có chuyển hướng cho các môn Olympic. Nhưng các nhà quản lý đã thống nhất và hiểu hết với nhau hay chưa thì vẫn chưa. Các nước khác đều đã có trường dự bị Olympic. Họ tập trung những trẻ em, VĐV xuất sắc.

Riêng Hoàng Xuân Vinh, anh ấy phấn đấu 25 năm nay rồi, trải qua các đấu trường thế giới, châu lục. Các đối thủ xuất sắc của anh bắn không tốt chứ bắn tốt thì anh cũng khó. Trong thể thao khó nói trước điều gì!

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Vân Vân
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội