Lực sĩ Nguyễn Bình An: Chàng trai liệt chân bán vé số thành nhà vô địch thế giới
Sau 15 năm, chàng trai liệt chân ngồi xe lăn bán vé số Nguyễn Bình An đã làm nên một hành trình vượt lên số phận kỳ diệu, trở thành nhà vô địch thế giới môn cử tạ khuyết tật, và chỉ để vuột tấm huy chương Paralympic tưởng như trong tầm tay.
Sinh năm 1985, năm lên 6 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân khỏe mạnh của cậu bé Nguyễn Bình An. Hơn 10 năm sống lê lết vì đôi chân tóp teo, quặt quẹo, năm 1999, An được một người quen giới thiệu lên tập luyện tại Trung tâm Chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Trà Vinh.
Nói tập luyện, thật ra là An lên trung tâm để được học một cái nghề làm kế mưu sinh sau này. Gần 2 năm sống ở trung tâm và học hành chăm chỉ, An cũng thành thạo được nghề may. Thế nhưng, nghề may quần áo ở quê nhà lúc bấy giờ kiếm được ngày hai bữa đã là khó, thì mong gì chuyện cơ nghiệp tương lai.
Vì vậy, An quyết định không trở về quê nhà mà ở lại TP. Trà Vinh, hàng ngày ngồi xe lăn đi bán vé số kiếm sống và cần kiệm tích lũy gửi tiền về cho gia đình. Vòng quay cuộc mưu sinh trên phố chợ cứ lặp lại hết ngày này sang ngày khác cũng làm An thấy hụt hẫng, cô đơn.
Ước mơ trở thành một lực sĩ cử tạ của An được nhen nhóm từ một lần xem truyền hình trực tiếp thi đấu môn Cử tạ của ASEAN Para Games 2003 được tổ chức tại Việt Nam. Con đường thực hiện ước mơ của An ngày ấy thật khó khăn, bởi cả ấp, cả huyện cũng chẳng tìm được một CLB cử tạ nào cả.
Có lúc, An đã định lên tận T.P Hồ Chí Minh để có điều kiện thực hiện niềm đam mê của mình. Song thật may mắn vì nơi đây có một “đại gia” từ Sài Gòn tên Nhân về đầu tư phòng tập tạ theo phương thức xã hội hóa ở Trà Cú, thế là An đến tập và được tập miễn phí, lại còn được thầy hướng dẫn tập rất nhiệt tình.
Thấy An có niềm đam mê và ý chí đặc biệt, thầy Nhân đã tìm cách để An được tiếp cận học hỏi ở những nơi có bài bản, chuyên nghiệp. Cùng đó, ngành TDTT Trà Vinh cũng tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để Nguyễn Bình An được khoác áo, với tư cách là VĐV khuyết tật của Trà Vinh tham dự các giải trong nước, cũng như quốc tế. Địa chỉ vun đắp cho An trình độ chuyên môn vươn ra quốc tế chính là CLB Cử tạ của Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Tân Bình. Từ lúc có ước mơ đến lúc thực hiện được, với An là một quãng đường dài sau 6 năm chờ đợi.
Bắt đầu từ năm 2010, An tham dự giải toàn quốc rồi bất ngờ đoat ngay HCV hạng 52 kg, với mức tạ 154 kg. Sau lần đó, An là một trong những nhân tố trẻ được tuyển chọn tham dự cho ĐTQG tại các giải quốc tế. Những lúc chuẩn bị tham dự giải quốc tế, An đều được lên T.P Hồ Chí Minh tập luyện do HLV đội tuyển quốc gia Nguyễn Hồng Phúc hướng dẫn trực tiếp.
Từ năm 2011 đến nay, An nổi lên như một lực sĩ cử tạ hàng đầu của thể thao người khuyết tật Việt Nam, là gương mặt hiếm hoi đạt tới đẳng cấp thế giới, với một bộ sưu tập thành tích “khủng”. Trong đó, tại giải vô địch châu Á 2013, An giành 2 HCV ở hạng 54 kg, với mức tổng cử 170 kg, phá kỷ lục Châu Á.
Đến giải vô địch thế giới 2016, An đã giành HCV với mức tổng cử 180kg. Đây cũng chưa phải là thành tích tốt nhất của Nguyễn Bình An, bởi anh từng nâng thành công mức tạ 183 kg. Có nghĩa là, trong đúng 6 năm, chàng trai liệt chân này đã “giải quyết” được tới 29kg, một sự thăng tiến hiếm có ngay cả những nước mà cử tạ người khuyết tật đã đạt tới sự chuyên nghiệp.
Nguyễn Bình An vừa trải qua một kỳ Paralympic 2016 ác mộng với cuộc sụp đổ khó tin khi không thành công ở mức tạ đăng ký ban đầu 178kg ở cả ba lần. Chỉ cần chinh phục được mức tạ 178kg, An sẽ có HCĐ, và nếu tái lập được mức 180kg là một tấm HCB. Trước Đại hội, khả năng của An thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả Lê Văn Công. Tuy nhiên, anh đã để vuột mất cơ hội vì lý do tâm lý.
Từ Rio trở về Việt Nam trong nỗi buồn tiếc ghê gớm, song An không hề chán nản. An lại nuôi tiếp giấc mơ huy chương Paralympic hàng ngày từ việc bán vé số mưu sinh, từ những buổi tự tập luyện miệt mài.
Lực sĩ Nguyễn Bình An là một trong những ứng viên của hạng mục "VĐV khuyết tật của năm" Cúp Chiến thắng 2016. Để bình chọn cho Bình An, soạn tin nhắn với cú pháp BC 29 gửi 8579.