Tiết lộ cực thú vị về đội chạy 4x400m tiếp sức hỗn hợp SEA Games 30, đề cử Đồng đội của năm Cúp Chiến thắng 2019
Ngày 7/12/2019, trên sân New Clark City ở Philippines, phần thi đấu cuối cùng là chạy 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, nội dung lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games. Đội Việt Nam tham dự với 4 VĐV là Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn. 3 đội còn lại là Malaysia, Thái Lan và chủ nhà Philippines.
Điều đặc biệt, trong khi Việt Nam xếp thứ tự chạy là nữ-nam-nữ-nam thì 3 đội còn lại có chiến thuật nam-nữ-nữ-nam. Kết quả, đội Việt Nam giành HCV với thành tích 3 phút 19 giây 50, hơn đội nhì Thái Lan tới gần 7 giây, vượt trội đội giành huy chương đồng là Philippines tới gần 8 giây.
Vậy đằng sau tấm HCV đặc biệt này là những bí mật gì?
Đội chạy tiếp sức 4x400m của Việt Nam đã thi đấu rất thành công tại SEA Games 30, trong đó Hoàng Thị Ngọc (phải) và Quách Công Lịch (thứ ba trái sang) được đăng ký tham dự 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ
Theo luật, các đội tham dự nội dung chạy tiếp sức (thi đấu 4 người) được đăng ký 6 VĐV. Ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp, ngoài 4 VĐV thi đấu chính thức như trên, Việt Nam đã đăng ký thêm Quách Công Lịch và Hoàng Thị Ngọc.
Để đưa ra đội hình thi đấu chính thức, ban huấn luyện gồm HLV Nguyễn Thị Bắc và chuyên gia ngoại Vladimir Simeonov đã tính “nát nước nát cái”. Căn cứ vào thành tích tập luyện ở nhà và thi đấu ở giải quốc gia hồi tháng 9, BHL đưa ra những nhân sự được cho là tốt nhất để thi đấu.
Nguyễn Thị Hằng có khả năng xuất phát tốt, chạy lỳ, máu lửa nên được xếp thi đấu đầu tiên, đọ sức với 3 nam VĐV đối thủ
Việc xếp đội hình cũng cực kỳ chóng vánh khi Quách Thị Lan được chọn thi đấu dù vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương. Thậm chí, cô gái Thanh Hóa còn phải “khóc xin” thi đấu vì quyết tâm có thể làm được. Khi đã chọn ra 4 VĐV thi đấu, thì việc xếp thứ tự chạy cũng không kém phần căng thẳng.
“Nguyễn Thị Hằng có khả năng xuất phát rất tốt và đặc biệt là có độ lỳ, tính chiến đấu máu lửa nên chúng tôi xếp Hằng thi ở lượt đầu tiên. Trần Nhật Hoàng được xếp chạy thứ hai bởi Hoàng có khả năng rướn, bứt phá tốt hơn so xuất phát. Mặc dù Lan còn chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương nhưng đã chạy rất tốt ở lượt thứ ba. Phần chạy kết thúc của Trần Đình Sơn đã chốt lại phần thi rất tốt của cả đội” - HLV Nguyễn Thị Bắc cho biết.
Trần Nhật Hoàng với khả năng bứt phá tốt nên được xếp thi đấu thứ hai, bù đắp lại khoảng cách khá xa sau lượt chạy đầu tiên của Nguyễn Thị Hằng với 3 đối thủ nam
Theo nữ HLV này, để xếp được thứ tự trên, BHL đã tính rất kỹ dựa vào năng lực của từng cá nhân. “Khi tập ở nhà thì Hoàng xếp sau Sơn một chút, còn Hằng cũng chỉ gần bằng Lan. Nhưng Hằng có khả năng xuất phát tốt, Lan có tốc độ, đặc biệt là Hoàng khả năng rướn, bứt phá khi bám đuổi, trong khi Sơn có một chút vấn đề tâm lý thi đấu. Nên khi xếp thứ tự nữ-nam-nữ-nam, chúng tôi đã tối ưu hóa khả năng của từng VĐV.
Quách Thị Lan với khả năng về tốc độ đã bứt phá khi chạy với 3 nữ đối thủ
Hằng cực lỳ nên khi chạy với 3 VĐV nam cũng không hề gì. Hằng chạy không hề thua kém mấy bởi đến tận 150m cuối thì nam VĐV Malaysia mới lên ngang bằng được Hằng. Lượt tiếp đó, Hoàng chạy với 3 nữ VĐV của đối thủ, mặc dù ở sau khá xa nhưng với khả năng bứt phá tốt nên đã bù đắp lại. Ngay sau lượt chạy thứ hai của Hoàng, chúng tôi đã biết đội sẽ giành vàng. Bởi hai vị trí cuối là Lan và Sơn được đánh giá chạy tốt hơn thì không có lý do gì không về đích đầu tiên” - HLV Nguyễn Thị Bắc bật mí.
Trần Đình Sơn dễ dàng kết thúc phần chạy, đem về tấm HCV 4x400m hỗn hợp tiếp sức nam nữ cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30
Nói về chiến thuật độc lạ và khác biệt này, HLV Nguyễn Thị Bắc cho biết các đội chỉ đăng ký VĐV với ban tổ chức 2 giờ trước khi thi và chỉ khi ra sân mới biết thứ tự thi thế nào. Việc xếp đội hình cân đối như vậy đã được căn cứ vào phần thi của các VĐV trẻ từng thi đấu tại ASIAD 2018 mà đội Việt Nam xếp thứ 5. Thành tích 3 phút 19 giây 50 của đội tiếp sức hỗn hợp 4x400m Việt Nam tại SEA Games 30 đã ngang bằng với HCB ASIAD 2018, mở ra cơ hội lớn ở nội dung này trong tương lai.
HLV Nguyễn Thị Bắc và chuyên gia ngoại Vladimir Simeonov đã có một chiến thuật thi đấu hợp lý, giúp Việt Nam giành HCV ấn tượng tại SEA Games 30
“Nếu so với đấu trường châu Á thì các nội dung chạy đơn 400m và cả 400m rào hay tiếp sức 4x400m nam-nữ khó có cửa tranh huy chương. Nhưng sau lần ra mắt tại SEA Games 30 lần này, chúng tôi thấy được tiềm năng của nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ. Với những nhân sự hiện có, chúng tôi sẽ đầu tư tập trung cho các VĐV thi đấu nội dung đầy tiềm năng này” - HLV Nguyễn Thị Bắc cho biết.
Ngoài nội dung trên, tấm HCV của nội dung 4x400m tiếp sức nam với sự tham gia của Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Trần Đình Sơn và Trần Nhật Hoàng cũng lọt vào danh sách đề cử Đồng đội của năm tại giải thưởng Cúp Chiến thắng 2019. Bên cạnh đó, thêm tấm HCV 400m nam, Trần Nhật Hoàng trở thành nam VĐV trẻ nhất Việt Nam từng giành 3 HCV ở ngay lần đầu dự SEA Games. Chàng trai người Khánh Hòa cũng có mặt trong danh sách đề cử VĐV trẻ của năm.
Các nội dung chạy tiếp sức 400m của Việt Nam đã thi đấu ấn tượng tại SEA Games 30 khi giành 3 HCV 3 nội dung danh giá nhất là: 4x400m hỗn hợp tiếp sức, 4x400m tiếp sức nam, 4x400m tiếp sức nữ
Hạng mục ĐỒNG ĐỘI CỦA NĂM gồm các đề cử:
+ Đội hình tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4 x400m môn điền kinh giành HCV SEA Games 30
+ Đồng đội tiếp sức 4x400m nam môn điền kinh giành HCV SEA Games 30
+ Đồng đội cung một dây môn bắn cung giành HCV SEA Games 30
+ Đội Quyền sáng tạo đồng đội nam nữ 5 người môn taekwondo giành HCV SEA Games 30
+ Đồng đội tiếp sức 4x200m tự do nam môn bơi giành HCB SEA Games 30Người hâm mộ có thể tham gia bình chọn cho VĐV yêu thích và xứng đáng được tôn vinh nhất trong năm tại: http://binhchon.cupchienthang.vn/
Cổng bình chọn Cúp Chiến thắng 2019 mở đến hết 31/12/2019. Gala trao giải sẽ được tổ chức vào 15/01/2020 tại Hà Nội.
Cúp Chiến thắng là giải thưởng thường niên được Tổng cục TDTT phối hợp với Vietcontent Sports và VTVCab tổ chức nhằm tôn vinh những VĐV, HLV, chuyên gia và các cá nhân có đóng góp và mang lại niềm tự hào cho nền thể thao nước nhà. Giải thưởng này được ví như Oscar thể thao Việt Nam.