Luật điền kinh thế giới về chạy tiếp sức - Phần 2: Gậy trong thi đấu chạy tiếp sức

chủ nhật 13-8-2023 17:09:34 +07:00 0 bình luận
Điền kinh Việt Nam hiện sở hữu một số đội chạy tiếp sức khá mạnh tại những kỳ SEA Games. Chạy tiếp sức đang được chú ý tìm kiếm và đào tạo tài năng để bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Cùng tìm hiểu về luật thi đấu các nội dung chạy tiếp sức trong điền kinh.

Trong phần đầu tiên này, webthethao.vn đã giới thiệu về “Đường chạy và vùng trao gậy”. Đây là luật bắt buộc được ghi ở Điều 170 - Luật điền kinh Thế giới.

Phần 2 này xin giới thiệu luật về Gậy trong thi đấu chạy tiếp sức:

1. Gậy tiếp sức phải là một ống rỗng và nhẵn có tiết diện ngang hình tròn, làm bằng gỗ, kim loại hoặc bất kỳ loại vật liệu cứng nào khác. Chiều dài gậy tiếp sức từ 0.28m đến 0.30m. Chu vi vòng quanh gậy là 40mm ± 2mm và trọng lượng của gậy không được dưới 50gr. Gậy phải có màu để dễ nhận thấy trong khi thi đấu.

2. Gậy tiếp sức sẽ được sử dụng cho tất cả các nội dung tiếp sức diễn ra trong sân vận động và sẽ phải được vận động viên cầm bằng tay vượt qua hết cự ly. Gậy tiếp sức sẽ được đánh số và có các màu sắc khác nhau - Vận động viên không được phép đeo găng tay hoặc bôi các chất liệu khác lên hai bàn tay mình để có thể bắt được gậy dễ dàng hơn. 

3. Nếu bị rơi gậy, vận động viên đánh rơi phải tự mình nhặt lại. Vận động viên này có thể rời khỏi ô chạy riêng của mình để nhặt gậy với điều kiện khi làm việc này, vận động viên không làm rút ngắn bớt cự ly chạy mà mình phải thực hiện.

Chạy tiếp sức đang được chú ý tại Việt Nam

Thêm vào đó, gậy khi rơi có thể bị dịch chuyển sang ngang hoặc về phía trước theo hướng chạy (bao gồm cả việc qua cả vạch đích), vận động viên đánh rơi gậy, sau khi nhặt lại gậy, phải quay lại ít nhất tại vị trí mà gậy bị rơi khỏi tay, trước khi tiếp tục cuộc thi. Miễn là những quá trình này được cho là không cản trở vận động viên nào khác, thì việc đánh rơi gậy sẽ không dẫn đến việc bị truất quyền thi đấu. Nếu một vận động viên không tuân theo Luật này, đội của họ sẽ bị loại.

4. Gậy tiếp sức phải được trao trong khu vực trao gậy. Việc trao gậy được tính từ khi người nhận bắt đầu chạm vào gậy và kết thúc vào lúc gậy chỉ còn ở trong tay người nhận. Liên quan đến khu vực trao gậy, chỉ có vị trí của gậy tiếp sức mới mang tính quyết định. Việc trao gậy ở bên ngoài khu vực trao gậy sẽ dẫn tới việc truất quyền thi đấu. 

5. Để xác định vị trí của gậy tiếp sức thì phải xem xét tới vị trí của toàn bộ gậy tiếp sức. Trọng tài trên đường phải thận trọng để đảm bảo rằng họ quan sát được bất kỳ việc tiếp xúc với gậy tiếp sức trước khi gậy tiếp sức di chuyển vào vùng trao gậy. Nếu vận động viên nhận gậy chạm vào gậy trước khi gậy ở trong vùng trao gậy thì đội tiếp sức sẽ bị truất quyền thi đấu. Họ cũng phải chắc chắn rằng gậy tiếp sức chỉ ở trong tay vận động viên nhận gậy trước khi gậy ra khỏi khu vực trao gậy. 

6. Các vận động viên trước khi nhận/hoặc sau khi nhận gậy, cần chạy trong làn chạy của mình hoặc giữ nguyên vị trí cho đến khi đường chạy thông thoáng để tránh cản trở các vận động viên khác. Nếu có vận động viên cản trở thành viên của một đội khác, bao gồm cả việc chạy ra khỏi vị trí hoặc làn chạy thì đội đó sẽ bị loại.

Tìm kiếm tài năng trẻ chạy tiếp sức cho đội tuyển điền kinh Việt Nam

7. Nếu trong khi thi đấu, vận động viên nhận hoặc nhặt nhầm gậy tiếp sức của đội tiếp sức khác thì đội tiếp sức của vận động viên đó sẽ bị loại. Đội tiếp sức kia sẽ không bị phạt nếu không có được lợi thế. 

8. Thành phần của đội và thứ tự chạy từng chặng của đội tiếp sức phải được chính thức công bố không muộn hơn một tiếng trước thời gian điểm danh đầu tiên (thời gian mà vận động viên phải có mặt trong phòng Điểm danh) đối với đợt chạy đầu tiên của mỗi vòng thi. 

Các thay đổi khác phải được xác nhận bởi cán bộ phụ trách y tế được chỉ định bởi BTC và chỉ có thể được thực hiện cho đến thời điểm diễn ra điểm danh lần cuối (thời điểm mà danh sách các vận động viên được lên để rời khỏi phòng điểm danh) đối với đợt thi đấu cụ thể mà đội sẽ thi đấu. Đội sẽ thi đấu với tên và theo thứ tứ đã được công bố. Nếu đội tiếp sức không tuân theo Luật này thì sẽ bị truất quyền thi đấu.

Đón xem phần 3: Cách tổ chức thi đấu các nội dung chạy tiếp sức

Giải vô địch Điền kinh Quốc gia các nội dung tiếp sức 2023 sẽ diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng từ 13-14/8/2023.

Giải được tổ chức để tạo cơ hội thi đấu cho các VĐV, thông qua đó tuyển chọn vận động viên xuất sắc ở các nội dung tiếp sức, tập trung tập huấn chuẩn bị cho các giải thi đấu quốc tế trong thời gian tới. Các nội dung chạy tiếp sức của điền kinh Việt Nam thời gian qua gây ấn tượng mạnh, với những thành công đáng kể.

Giải vô địch Điền kinh Quốc gia các nội dung tiếp sức 2023 có 12 nội dung: 

- Nam (4 nội dung): 4x100m, 4x200m, 4x400m, 4x800m.
- Nữ (4 nội dung): 4x100m, 4x200m, 4x400m, 4x800m
- Tiếp sức hỗn hợp (4 nội dung): 4x100m nam-nữ, 4x400m nam-nữ, 4x800m nam- nữ, 4x1500m nam- nữ.

Năm ngoái, giải được tổ chức ở Hà Nội với những màn thi đấu ấn tượng. Trong đó, Nguyễn Thị Oanh, kỷ lục gia chuyên chạy cá nhân (1500m, 3000m chướng ngại vật, 5000m, 10.000m) cũng thi đấu chạy tiếp sức trong màu áo đội Bắc Giang.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội