Bao nhiêu VĐV nữ trong số 200 người chạy phong trào được chọn tham dự marathon SEA Games 31?
Hiệu ứng quan tâm của cộng đồng yêu chạy bộ về thông tin “200 VĐV phong trào được chọn chạy đồng hành ở nội dung marathon SEA Games 31” đang lên rất cao. Một câu hỏi lớn là: Tiêu chuẩn để chọn suất tham dự này là gì? Bao nhiêu VĐV nam, VĐV nữ được chọn góp mặt ở SEA Games 31?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về chủ đề đang khiến cộng đồng chạy bộ trong nước “dậy sóng”.
Theo ông Hùng, phong trào chạy bộ nói chung và chạy marathon ở Việt Nam hiện nay rất phát triển với những nhóm chạy lên hàng nghìn người. Đây là cơ sở để Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề xuất với Liên đoàn Điền kinh châu Á và Đông Nam Á tạo điều kiện cho các VĐV phong trào Việt Nam có cơ hội thi đấu tại SEA Games 31.
“Liên đoàn Điền kinh châu Á rất hoan nghênh ý tưởng này và đã đồng ý với đề xuất của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Đây sẽ là lần đầu tiên ở một kỳ SEA Games các VĐV phong trào có cơ hội thi đấu cùng các VĐV đỉnh cao ở nội dung marathon”- ông Hùng nhấn mạnh.
Để giành được “tấm vé đặc biệt” tới SEA Games 31, theo Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, các VĐV phải đạt chuẩn thành tích do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đưa ra trên đường chạy chuẩn mà Liên đoàn quản lý.
“Hiện nay, đường chạy tại giải VPBank Hà Nội Marathon, Tiền Phong Marathon và Halong Bay Heritage Marathon là đường chạy chuẩn được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam quản lý, nhưng chỉ có 2 giải VPBank Hà Nội Marathon và Tiền Phong Marathon là phù hợp về mặt thời gian để chúng tôi lựa chọn 200 VĐV hàng đầu tham dự chạy đồng hành tại SEA Games 31” - ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, trong 200 VĐV được lựa chọn, không nhất thiết chia đôi nam nữ mà sẽ đặt chuẩn thành tích riêng. Ví dụ nữ trong khoảng 3 giờ đến 4 giờ.
Hiện tại, chỉ có khoảng 30-40 VĐV nữ hoàn thành cự ly marathon ở Việt Nam trong khoảng xấp xỉ 3 giờ đến 4 giờ. Do đó, Liên đoàn Điền kinh dự kiến chọn 30 VĐV nữ, còn lại là VĐV nam (170).
Đánh giá về hai đường chạy chuẩn mà Liên đoàn Điền kinh Việt Nam lựa chọn để “tuyển quân cho SEA Games”, ông Hùng cho rằng, đường chạy VPBank Hà Nội Marathon (diễn ra ngày 24/10/2021) đẹp hơn và dễ đạt chuẩn hơn vì đường bằng phẳng và ở trong thành phố. Còn đường chạy của Tiền Phong Marathon (diễn ra ngày 28/3/2021) tại Pleiku (Gia Lai) có đặc thù nhiều dốc, gió và nắng sẽ hạn chế đến thành tích của các VĐV.
Một ưu thế khác của đường chạy VPBank Hà Nội Marathon được ông Hùng nhận định là tính tương đồng với SEA Games 31.
“VPBank Hà Nội Marathon có lợi thế rất lớn không chỉ bởi cung đường đẹp mà còn bởi yếu tố thời tiết mùa thu mát mẻ, tương đồng với thời tiết tại thời điểm tổ chức SEA Games. Mọi yếu tố của đường chạy VPBank Hà Nội Marathon đều có thể tác động đến việc nâng cao thành tích của VĐV”- ông Hùng nói.
Trong hai đường chạy nêu trên, việc các VĐV chọn đường chạy nào để đạt chuẩn là do các VĐV lựa chọn nhưng Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam khẳng định, các VĐV có hai cơ hội. Nếu họ chưa đạt được thành tích mong muốn tại Tiền Phong Marathon để đi SEA Games 31, họ vẫn có thể nâng cao thành tích để đạt mục tiêu tại VPBank Hà Nội Marathon. Nghĩa là các VĐV có quyền sử dụng thành tích tốt nhất của một trong hai giải để đăng ký, giống như các VĐV chuyên nghiệp có thể tham dự 10 cuộc đua khác nhau để đạt chuẩn Olympic.
Một vấn đề khác mà giới chạy bộ Việt Nam rất quan tâm là 200 VĐV được lựa chọn sẽ thi tài như thế nào tại SEA Games trên sân nhà vào cuối năm nay.
Vấn đề này được ông Hùng tiết lộ: “SEA Games là giải đấu tầm cỡ khu vực nên sẽ được kiểm soát rất chặt. Cung đường chạy phải được các trọng tài hạng A sang đo. Đường chạy được rào toàn bộ nên khó trải dài trên nhiều tuyến đường của thành phố. Chúng tôi dự kiến sử dụng đường đua F1 tại Mỹ Đình và rào kín làm đường thi đấu nội dung marathon cho SEA Games 31.
Thông lệ, SEA Games quy định mỗi quốc gia được cử 2 VĐV tham dự, tối đa có 20 VĐV nam và 20 VĐV nữ. Tuy nhiên, những năm gần đây chỉ có hơn 10 VĐV tham dự cự ly này. Nhiều quốc gia không cử VĐV tham dự.
Việt Nam là chủ nhà nhưng cũng chỉ có 2 VĐV hàng đầu nam và nữ tham dự chính thức ở SEA Games 31. Các VĐV khác của các đội tuyển nếu chưa giành quyền chạy chính thức cũng sẽ tham gia với tư cách đồng hành trong số 200 VĐV.
Các VĐV chạy đồng hành có thể sẽ xuất phát cùng thời điểm với các VĐV chính thức, nhưng BTC sẽ phân làn hoặc có phương án hợp lý để tách các VĐV chính thức với các VĐV phong trào nhằm đảm bảo không ảnh tới thành tích của các VĐV chính thức”.
Cuối cùng, nhận định về cơ hội giành huy chương nội dung marathon tại SEA Games 31, đặc biệt là với các VĐV nam của Việt Nam, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng không giấu sự lạc quan. Ông cho biết: “Các kỳ SEA Games trước thi ở các nước, người ta thường giấu lộ trình, sang đó một vài ngày để thích nghi, làm quen là không kịp, nhiều lúc vẫn bị lạc. Marathon có đặc thù quen với đường chạy, khí hậu. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á chỉ có Việt Nam tháng 11 và tháng 12 là mùa lạnh. Đó là lợi thế cho các VĐV của chúng ta. Ngoài ra chúng ta còn được cổ vũ mạnh mẽ từ CĐV nhà.
Cách đây 18 năm, khi SEA Games được tổ chức tại Việt Nam, VĐV Nguyễn Chí Đông đã giành huy chương bạc nội dung marathon nam với thành tích 2 giờ 21 phút 51 giây. Kỷ lục này đến nay cũng chưa có VĐV Việt Nam nào phá được. Nếu chuẩn bị tốt, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh vị trí cao nhất”.
Theo thống kê, trong năm 2020 có khoảng 34 nữ VĐV chạy 42,195km trong khoảng thời gian gần 3 giờ đến 4 giờ. Nếu hai nữ tuyển thủ Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) và Hoàng Thị Ngọc Hoa (Bình Phước) giành hai suất chính thức dự SEA Games 31 thì các nữ VĐV còn lại sẽ nằm trong dạng được xét chọn chạy đồng hành ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 vào tháng 11 năm nay ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ai trong số 30 nữ VĐV được chọn vẫn còn phụ thuộc vào thành tích tại hai giải Tiền Phong Marathon 2021 (28/3) và VPBank Hanoi Marathon 2021 (24/10) sắp tới. Cùng chờ xem bản danh sách công bố danh tính 200 VĐV phong trào có cơ hội tranh tài tại nội dung marathon SEA Games 31.