Chạy 3000m vượt chướng ngại vật và những thông số chuyên môn ít người biết
3000m chướng ngại vật là nội dung chạy duy nhất trong sân vận động sử dụng các vật cản, chướng ngại và yêu cầu các VĐV phải vượt qua. Khác với nội dung chạy vượt rào, nơi các VĐV có thể làm đổ các rào, chạy vượt chướng ngại vật đòi hỏi VĐV phải vượt qua chúng.
Luật thi
Các VĐV có thể đứng xuất phát và ngay lập tức áp sát vào bên trong đường chạy (không bắt buộc phải chạy đúng làn như các nội dung từ 100-400m).
Các chướng ngại vật được bố trí quanh vòng sân vận động (400m) gồm các thanh chắn, hố nước… Các VĐV phải vượt qua tổng cộng 28 thanh chắn, 7 lần nhảy qua hố nước.
Chiều cao thanh chắn cho nam là 91,4cm, còn của nữ là 76,2cm. Hố nước có chiều dài 3,66m và sâu 70cm.
Lịch sử nội dung chạy 3000m chướng ngại vật
Nội dung chạy này khởi nguồn từ Anh, nơi các VĐV chạy quanh thị trấn, vượt qua các chướng ngại vật, nhảy qua các vũng nước, con suối. Nội dung chạy hiện đại được cho xuất thân từ các cuộc thi 2 dặm vượt chướng ngại tại đại học Oxford vào thế kỷ 19. Sau này, nó được đưa vào sân vận động, thi đấu ở giải toàn Anh năm 1879.
3000m chướng ngại vật đã được vào thi đấu tại Olympic 1900, nhưng chỉ dành cho nam. Nội dung dành cho nữ chỉ xuất hiện vào năm 2008 (Bắc Kinh, Trung Quốc).
Kenya được coi là cường quốc của nội dung chạy 3000m chướng ngại vật. Kể từ khi Amos Biwott giành HCV Olympic 1968, các nam VĐV Kenya đã thống trị cự ly này cho đến tận Olympic Rio 2016 ở Brazil, ngoại trừ hai kỳ.
Còn ở nội dung nữ, các VĐV Nga, Tunisia, Bahrain và Uganda hiện đang giữ HCV các Thế vận hội 2008, 2012, 2016 và 2020.
Lịch sử phát triển tại giải thế giới
3000m chướng ngại vật lần đầu tiên được đưa vào thi đấu ở giải điền kinh thé giới 2005. Trải qua 8 mùa giải, đã có 5 quốc gia ghi danh bảng vàng nội dung dành cho nữ.
Bahrain và Kazakhstan là hai quốc gia duy nhất có đại diện giành HCV 3000m chướng ngại vật nữ ít nhất hai lần. Winfred Mutile Yavi là VĐV Bahrain gốc Kenya, hiện nắm giữ thông số tốt nhất năm 2022: 8 phút 57 giây 97, hơn đối thủ số một Norah Jeruto (Kazakhstan), cũng là một VĐV gốc Kenya, người có thông số 8:58.71.
Yavi hướng đến tấm HCV thế giới đầu tiên sau khi chỉ về thứ 8 năm 2017, hạng tư năm 2019 và hạng 10 ở Olympic Tokyo 2020.
Tại giải đấu ở Paris (Pháp) gần đây, Yavi đã xuất sắc giành HCV và lập thông số tốt nhất mùa giải 2022 là 8:56.55, đánh bại chính Jeruto.
Dấu ấn Nguyễn Thị Oanh
Nguyễn Thị Oanh được coi là nữ VĐV chạy 3000m chướng ngại vật xuất sắc nhất của Việt Nam. Mặc dù không có suất dự giải thế giới 2022, nhưng nhắc đến nội dung này, giới chuyên môn và người hâm mộ đều nhớ đến cô gái quê Bắc Giang.
Oanh từng giành HCĐ Á vận hội (ASIAD 2018) tại Indonesia với thông số 9:43.83, hiện đang là kỷ lục quốc gia.
Tuyển thủ sinh năm 1995 cũng đang giữ kỷ lục SEA Games 9:52.46, lập tại SEA Games 31 tháng 5/2022 vừa qua tại sân Mỹ Đình. Cô phá kỷ lục SEA Games của chính mình 10:00.02 xác lập tại SEA Games 30 trên đất Philippines cuối năm 2019.
Kỷ lục quốc gia 3000m chướng ngại vật nam hiện là 8:51.16 do Nguyễn Trung Cường (2000, Hà Tĩnh) lập tại giải điền kinh U20 thế giới 2018 ở Phần Lan.
Lịch thi đấu 3000m chướng ngại vật giải thế giới 2022
Vòng loại: 00:35 17/7/2022
Chung kết: 09:45 21/7/2022
Giải Vô địch Điền kinh Thế giới 2022 diễn ra từ 15-24/7/2022 tại Oregon (Mỹ) với 49 nội dung. Việt Nam có một đại diện nhận suất đặc cách là Quách Thị Lan ở nội dung chạy 400m rào nữ. Lan và HLV Vladimir Simeonov (Bulgaria) đang xin thị thực đi Mỹ. Dự kiến, hai thầy trò sẽ lên đường vào 15/7/2022.
Thời gian dự kiến tổ chức nội dung 400m rào có sự góp mặt của Quách Thị Lan (tính theo giờ Việt Nam):
Vòng loại: 7:15, 20/7/2022
Bán kết: 8:15, 21/7/2022
Chung kết: 9:50, 23/7/2022