Điền kinh Việt Nam dự Olympics: “Có cho đủ mâm”?

thứ ba 1-6-2021 8:58:14 +07:00 0 bình luận
Một thực tế phũ phàng nhưng có lẽ phải thẳng thắn thừa nhận đấu trường Olympics là quá sức và quá xa đối với điền kinh Việt Nam…

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Olympic Tokyo 2020, sự kiện bị lùi lại vì dịch COVID-19, sẽ được tổ chức tại Nhật Bản. Chưa bao giờ trong lịch sử Thế vận hội lại có một kỳ sự kiện vừa chuẩn bị vừa… run đến như vậy. Nguy cơ giải bị hoãn hoặc hủy lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu Ủy  ban Olympic Quốc tế (IOC), từng quốc gia thành viên và bản thân từng VĐV giành quyền tham dự…

Còn với điền kinh Việt Nam, lúc này cũng là thời điểm chưa bao giờ nhạt nhòa đến vậy ở đấu trường thể thao lớn nhất thế giới này. Đúng một năm rưỡi sau SEA Games 30 tổ chức ở Philippines (12/2019), các VĐV Việt Nam rơi vào cảnh “đói giải” khi chưa có bất kỳ thành viên nào của đội tuyển điền kinh quốc gia được ra nước ngoài thi thố, dù đây là thời điểm quan trọng để kiếm suất dự Olympics. Yếu tố khách quan này không chỉ làm các VĐV điền kinh Việt Nam mất động lực thi đấu, kéo theo thành tích không được cải thiện, mà còn khiến các kế hoạch, mục tiêu lớn đều bị phá sản.

Sau hai kỳ Olympics liên tiếp có VĐV giành suất chính tham dự (London 20212 và Rio 2016), điền kinh Việt Nam trở lại mốc ban đầu khi không có VĐV nào có vé đến Tokyo hè này bằng cửa chính. Ngoài yếu tố không có giải đấu vì dịch bệnh, việc IOC siết chặt chuẩn tham dự cũng cho thấy điền kinh Việt Nam còn thiếu rất nhiều yếu tố để có thể vươn đến tầm Thế vận hội.

Điền kinh Việt Nam sau 2 kỳ Olympics có suất dự cửa chính thì đến Olympic Tokyo 2020 chỉ được nhận một suất đặc cách

Thông thường, ở các kỳ Olympics trước, IOC đặt ra hai mốc chuẩn để các VĐV phấn đấu. Chuẩn A với thông số cao ngất ngưởng vốn chỉ dành cho những VĐV có thực lực trong việc lọt vào ít nhất đến vòng bán kết cho đến giành huy chương. Còn chuẩn B với thông số thấp hơn dành cho những VĐV đến từ các quốc gia có nền tảng thể thao chưa lọt nhóm mạnh trên thế giới. Dù vậy, chạm đến chuẩn B để đàng hoàng đặt chân tham dự Olympics cũng đã là một vinh dự mà cả đời VĐV, HLV dẫn dắt mơ ước.

Ở một động thái khác, khi quốc gia thuộc thành viên IOC mà không có VĐV điền kinh nào giành chuẩn A lẫn B dự Olympics thì sẽ được tặng 1-2 suất đặc cách để động viên. Và sau bao nhiêu kỳ Thế vận hội “động viên tinh thần” như vậy, giờ đây IOC cũng cắt giảm luôn một nửa suất đặc cách, từ 2 xuống chỉ còn duy nhất một suất. Lý giải cho việc này có thể thấy, IOC đã không còn muốn quy mô của môn điền kinh ở Thế vận hội phải hoành tráng, đông vui như trước nữa. Thay vì mời đủ VĐV các quốc gia “cho đủ mâm” như trước, IOC chọn cách thu nhỏ quy mô, chọn lựa ngay cả những VĐV nhận suất đặc cách cũng phải ở tầm trình độ “chấp nhận được”.

Nếu vậy, thực trạng điền kinh Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020 lần này ra sao?

Mức thấp nhất. Đó là thực tế khi điền kinh Việt Nam không chỉ không giành được suất cửa chính nào mà còn hoàn toàn trông đợi vào một suất đặc cách duy nhất từ IOC. Và để chọn ra VĐV nào đại diện Việt Nam đến Nhật Bản hè này thi đấu cũng là chuyện không hề đơn giản.

Nếu như trước đây, với 2 suất đặc cách dành cho nam và nữ thì mặc nhiên sẽ có một nam VĐV và một nữ VĐV dự Thế vận hội. Nhưng nay với chỉ một suất đặc cách, những nhà làm chuyên môn lại phải đau đầu chọn lựa. Xét về thành tích thì các nam VĐV Việt Nam còn ở một tầm quá xa so với cả khu vực Đông Nam Á, châu lục lẫn thế giới. Ngay cả khi giành ngôi nhất toàn đoàn môn điền kinh hai kỳ SEA Games gần đây nhất, nhưng những nội dung được coi là có ưu tiên tại Olympics như: 100m, 200m… thì các nam VĐV Việt Nam “đuổi” các đối thủ ở Đông Nam Á đã còn khó chứ chưa nói đến châu Á hay thế giới. Vì thế, suất đặc cách được quay sang hướng dành cho nữ VĐV.

Quách Thị Lan được đề cử nhận suất đặc cách duy nhất của điền kinh Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020

Tiêu chuẩn chọn VĐV nhận suất đặc cách này thì rất nhiều: từ thành tích thi đấu gần đây, thông số gần hoặc tiếp cận mức chuẩn, gương mẫu trong tập luyện, cuộc sống, có đạo đức tốt… để đại diện cả một quốc gia đi thi đấu Olympics.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, thì có một số nữ VĐV lọt vào tầm ngắm được đề cử suất đặc cách này. Và Quách Thị Lan, nhà vô địch 400m rào ASIAD 2018, vô địch quốc gia 400m rào, 400m… là ứng viên hàng đầu. Phía Việt Nam sẽ gửi đề xuất và chờ IOC xét duyệt.

Dù chỉ là suất đặc cách, nhưng được góp mặt ở đấu trường Olympics, nơi quy tụ các ngôi sao điền kinh thế giới đã là một vinh dự vô cùng lớn. Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế là với khoảng cách trình độ còn quá xa, điền kinh Việt Nam cũng chỉ mong đợi có một kết quả không quá đáng thất vọng là được.

“Với thực lực như hiện nay thì VĐV điền kinh của chúng ta đến Thế vận hội với mục tiêu là ít nhất vượt qua vòng loại thứ nhất để có mặt ở vòng loại hai cự ly đó cũng đã là thành công rồi!” - ông Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết.

Vũ Thị Hương (943) từng dự Olympic Bắc Kinh 2008 theo diện đặc cách - Ảnh minh họa

Ở kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 tổ chức tại Trung Quốc, điền kinh Việt Nam nhận được hai suất đặc cách cho Vũ Thị Hương (100m nữ) và Nguyễn Đình Cương (800m nam). Vũ Thị Hương vượt qua vòng loại 1 với thông số 11 giây 65, nhưng dừng bước ở vòng loại 2 khi về cuối đợt chạy, chỉ đạt thông số 11.70, kém kỷ lục quốc gia 11.47 của chính mình. Còn Nguyễn Đình Cương cũng không tiến xa hơn ở nội dung 800m nam.

Còn tại 2 kỳ Olympics tiếp theo, Việt Nam có suất chính tham dự bằng chuẩn B của Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ) và Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ) tại London 2012 ở Anh quốc. Trong khi đó, Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20km nam) và Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào nữ) giành quyền dự Olympic Rio 2016 tại Brazil với chuẩn B, nhưng cũng chỉ tham dự với mục tiêu học hỏi là chính.

Khang Vinh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội