Mondo Duplantis phá kỷ lục thế giới nhảy sào lần thứ 7, thêm… 1cm để đi vào lịch sử
Giải điền kinh Kim cương cuối mùa giải 2023 diễn ra sáng nay (18/9/2023, giờ Việt Nam) tại chính địa điểm đã từng tổ chức giải vô địch thế giới 2022.
Một năm trước, cũng tại Oregon (Mỹ), Mondo đã xác lập kỷ lục thế giới nhảy sào nam (ngoài trời) 6.21m. Đó là chức vô địch thế giới đầu tiên của chàng trai sinh năm 1999 kể từ khi không còn thi đấu ở lứa tuổi trẻ nữa.
Trở lại Mỹ lần này, Mondo có một tham vọng nữa là tiếp tục phá kỷ lục thế giới của chính mình. Chàng trai mang hai dòng máu Thụy Điển và Mỹ này khởi đầu chiến dịch bằng mức xà nhẹ nhàng 5.62m. Sau đó lần lượt là 5.72m và 5.82m chỉ ở ngay lần đầu thực hiện (mỗi mức xà được thi đấu 3 lần nhảy).
Đến mức xà 6.02, Mondo cũng không gặp khó và thành công ngay lần đầu nhảy, qua đó đã đủ thành tích để vô địch sự kiện này. Đây cũng là lần thứ 73 trong sự nghiệp Mondo vượt qua mức xà 6.00m trở lên.
Trước khi đến với giải này, Mondo còn đang nắm giữ cả kỷ lục thế giới trong nhà 6.22m lập hồi tháng 2. Và anh nâng mức xà lên thêm… 1cm để lần đầu cố gắng chinh phục mốc 6.23m (ngoài trời).
Dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, Mondo đã thực hiện thành công mức xà kỷ lục thế giới mới 6.23m ở ngay lần đầu tiên.
VĐV xếp hạng 2 thế giới Ernest Obiena (Philippines), hạt giống số một tại ASIAD 19 sắp tới, xếp nhì vời thành tích 5.82m còn Sam Kendricks (Mỹ) xếp thứ ba với thông số 5.72m.
Đây là chiếc cúp vô địch Diamond League thứ ba của Mondo. Anh cũng có kỷ lục thế giới thứ bảy trong sự nghiệp, trong đó đáng chú ý là những mốc: 6.20m tại Belgrade 2022 (trong nhà); 6.21m - Oregon 2022 (ngoài trời); 6.22m - Clermont-Ferrand (trong nhà) và bây giờ là 6.23m ở Oregon 2023.
“GIới hạn đã đạt đến mức rất cao và tôi vẫn muốn chinh phục các mức xà cao hơn nữa sau lần thành công hôm nay. Nhưng bây giờ thì tôi nghĩ cần phải tận hưởng khoảnh khắc này đã.
Tôi yêu nhảy sào khi còn là một cậu bé. Nếu tôi vẫn tiếp tục thực hiện thành công các mức xà ở cấp độ này thì tôi tin mọi người sẽ chú ý hơn đến nhảy sào…”.
BÊN LỀ: Nhảy sào không phải nội dung đáng chú ý trong môn điền kinh. So với các nội dung chạy thì nhảy và đẩy chưa có sức hút bằng.
Bằng chứng là người hâm mộ sẽ nhớ đến Usain Bolt (Jamaica), kỷ lục gia thế giới chạy ngắn 100m, 200m hơn là một VĐV nhảy sào hay đẩy tạ.
Mondo Duplantis đã khiến môn nhảy sào được chú ý hơn trong vài năm gần đây khi chàng trai trẻ này phá được kỷ lục nhảy sào cũ của huyền thoại Sergey Bubka (Ukraine), người trước đó giữ kỷ lục thế giới 6.14m từ năm 1994 và còn nhiều mốc kỷ lục khác tồn tại vài chục năm.
Ở cấp độ châu Á, nhảy sào cũng ít được chú ý. Vài năm trở lại đây, khi Đông Nam Á, cụ thể là Philippines, có được tài năng xuất chúng Ernest Obiena, người vô địch SEA Games, giữ kỷ lục quốc gia và mới đây trở thành người châu Á đầu tiên chinh phục được mức xà 6.00m trong năm 2023 này… thì nhảy sào mới được chú ý hơn đôi chút.
Ở Hàng Châu (Trung Quốc) sắp tới (23/9-8/10/2023), Ernest Obiena sẽ tham dự Á vận hội lần thứ 19 và được coi là hạt giống hàng đầu cho tấm HCV nhảy sào nam.
Còn tại Việt Nam, phong trào tập nhảy sào cũng đã mai một nhiều năm. Hiện nay còn rất ít VĐV theo nội dung. Thông số kỷ lục quốc gia của Việt Nam tại môn nhảy sào khá thấp khi 4.91m là kỷ lục quốc gia nam do Nguyễn Văn Huệ (1989, Hải Dương) lập 12/10/2015 tại TP.Hồ Chí Minh còn 4.20m là kỷ lục quốc gia nữ do Lê Thị Phương (1983, Thanh Hóa) lập từ 15/11/2011 ở Indonesia.
Đây là đều những VĐV đã lớn tuổi, giải nghệ và thông số kỷ lục của họ tồn tại khá lâu mà vẫn chưa có VĐV trẻ nào phá được.