Nguyễn Thị Oanh sau Asiad 19: Từ số một SEA Games đến ngưỡng cửa châu Á

thứ ba 3-10-2023 8:18:33 +07:00 0 bình luận
Á vận hội 19 Hàng Châu đã khép lại với Nguyễn Thị Oanh, một trong những tuyển thủ được đặt kỳ vọng khá nhiều của điền kinh Việt Nam. Từ vị trí số một Đông Nam Á đến ngưỡng cửa đấu trường châu Á vẫn còn một khoảng cách…

Kỳ tích 4 HCV ở SEA Games 32

SEA Games 32 ở Campuchia hồi tháng 5/2023 là thời điểm mà cái tên Nguyễn Thị Oanh được nhắc đến nhiều nhất khi cô gái Bắc Giang tạo ra kỳ tích giành trọn vẹn cả 4 HCV cá nhân ở 4 nội dung mình tham dự.

3 cự ly sở trường là 1500m, 3000m chướng ngại vật, 5000m đã từng giúp Oanh đứng số một Đông Nam Á, cụ thể là đấu trường SEA Games, trong nhiều kỳ. Còn ở nội dung 10.000m, ngay từ các giải trong nước, nếu được đăng ký thi đấu thì cô cũng không có đối thủ.

Với những thành tích ấn tượng đó, Oanh đã trở thành nhân vật thể thao số một Việt Nam kể từ sau SEA Games 32. Những phần thưởng về cả vật chất lẫn tinh thần mà Oanh nhận được là hoàn toàn xứng đáng với những công sức mà cô đã khổ luyện nhiều năm qua.

Nguyễn Thị Oanh (giữa, 4) thi đấu hai nội dung 1500m và 3000m chướng ngại vật nữ tại Asiad 19 Hàng Châu - Ảnh: Tuấn Đạt

Đầu tư trọng điểm với những giải đấu quốc tế chất lượng

Với những thành tích tốt và vị thế của một tuyển thủ điền kinh hàng đầu Đông Nam Á, Nguyễn Thị Oanh được cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng. Cô gái sinh năm 1995 được tham dự khá nhiều giải đấu quan trọng của năm 2023 kể từ đầu năm cho đến trước Asiad 19.

Từ giải châu Á trong nhà ở Uzbekistan tháng 2, đến SEA Games 32, giải vô địch châu Á ở Thái Lan (tháng 7) đến giải điền kinh thế giới tại Hungary (tháng 8)… Oanh đều được tham dự để cọ xát. Chuyến tập huấn Thượng Hải cùng nhóm VĐV dự Asiad 19 cũng được thực hiện từ 2 tuần trước ngày thi đấu. Oanh đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho đấu trường Á vận hội.

Nguyễn Thị Oanh hoàn tất hai nội dung thi đấu ở Asiad 19 Hàng Châu và không có huy chương - Ảnh: Tuấn Đạt

Thành tích khá ấn tượng ở Asiad

Tại kỳ Á vận hội trước đó ở Indonesia năm 2018, Oanh đã để lại ấn tượng ở hai nội dung mình tham dự. Cô giành HCĐ 3000m chướng ngại vật và suýt đứng bục (hạng 4) ở cự ly 1500m nữ.

Bảng thành tích của Oanh cũng được Liên đoàn Điền kinh Thế giới thông kê khá đầy đặn: tham dự 1500m nữ giải vô địch thế giới 2023; top 8 tại giải vô địch châu Á (hạng năm 1500m năm 2019 và 2023, hạng sáu 3000m chướng ngại vật 2023 và hạng tám 2019); 12 lần vô địch SEA Games (4 HCV 1500m, 4 HCV 5000m, 1 HCV 10.000m và 3 HCV 3000m chướng ngại vật)…

Với những thành tích như vậy, việc Oanh được đặt kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu.

Lệch điểm rơi phong độ ở Asiad 19?

Với hai nội dung vừa thi xong là 1500m và 3000m chướng ngại vật nữ tại Hàng Châu, Oanh đều không vượt qua chính mình về thông số cá nhân.

Tại đường chạy 1500m, nội dung mà Oanh từng xếp hạng tư ở Asiad 18, cô hoàn thành với thời gian 4:24.19, cách khá xa thông số 5 năm trước là 4:15.49, và chỉ đứng thứ 7. Tại giải thế giới ở Hungary hồi tháng 8, Oanh đã lập kỷ lục cá nhân nội dung này với thành tích 4:12.28.

Nguyễn Thị Oanh (phải) nỗ lực thi đấu ở hai nội dung cô tham dự tại Asiad 19 - Ảnh: Tuấn Đạt

Thông số 4:12.28 này có thể giúp Oanh giành HCB 1500m nữ Asiad 19 khi VĐV Ấn Độ Bains Harmilan đã xếp nhì với thông số 4:12.74. Người giành HCĐ là Yota Marta Hirpato cũng chỉ có thành tích 4:15.97.
4:24.19 cũng là thông số chạy 1500m thấp nhất của Oanh trong năm 2023 và đáng tiếc là nó đến đúng thời điểm quan trọng nhất là đấu trường Á vận hội.

Còn tại đường chạy 3000m chướng ngại vật, nội dung mà Oanh từng giành HCĐ 5 năm trước và xác lập kỷ lục quốc gia 9:43.83, thì cô gái 28 tuổi đứng hạng 6/7 VĐV tham dự.

9:57.13 là thông số chạy tốt nhất mùa giải 2023 của Oanh. Cô cũng có thêm một lần nữa chạy 3000m chướng ngại vật dưới 10 phút. Tuy nhiên, điều này lại chưa thể giúp Oanh bảo vệ được tấm HCĐ Á vận hội năm nay.

Đối thủ của Oanh ở nội dung này thật sự quá mạnh. Nhà vô địch thế giới Yavi Winfred Mutile (Bahrain) lập kỷ lục Á vận hội mới với thông số 9:18.28. Á quân Chaudhary Parul có thành tích 9:27.63 còn HCĐ Priti (đều của Ấn Độ) cũng có thành tích 9:43.32, cách biệt khá xa so với Oanh.

2023 là một năm đáng nhớ, đầy thăng trầm của Nguyễn Thị Oanh - Ảnh: Tuấn Đạt

Việc Oanh chưa thể vượt qua chính mình ở Asiad 19 lần này là điều bản thân cô và ban huấn luyện rõ nhất. Với một VĐV thể thao thì việc giải này thi đấu tốt không đồng nghĩa điều đó sẽ lặp lại ở giải đấu khác.

Gánh nặng tuổi tác, yếu tố sức khỏe và những điều kiện ngoại cảnh khác có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các VĐV. Nhưng thông qua thành tích không chỉ của cá nhân Nguyễn Thị Oanh, mà của cả đội tuyển Việt Nam ở Asiad lần này, có thể thấy để đạt đến đẳng cấp châu lục, giành được những tấm huy chương thuyết phục là điều thể thao Việt Nam vẫn phải tìm ra câu trả lời.

ASIAD 19 diễn ra từ 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội thu hút số lượng kỷ lục lên đến hơn 12.000 VĐV.

Đại hội có 40 môn thể thao (61 phân môn), 481 nội dung. Trong đó điền kinh có 48 nội dung, thi đấu từ 29/9 đến 5/10/2023.

Việt Nam sẽ cử đội hình tham dự với 12 VĐV gồm: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hường, Bùi Thị Thu Thảo, Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Nguyễn Thị Ngọc (nữ) và Nguyễn Trung Cường, Lương Đức Phước (nam).

Thanh Mai
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội