Nhảy xa và những thông số thách thức các VĐV điền kinh Việt Nam
Luật thi đấu nhảy xa
Các VĐV nhảy xa thực hiện một cú lấy đà trước khi phải nhảy càng xa càng tốt vào một hố cát. VĐV mắc lỗi là khi giẫm chân lên vạch quy định.
Ở các giải điền kinh lớn, các VĐV được phép nhảy 6 lần và cú nhảy có thông số tốt nhất được chọn là thành tích cuối cùng. Nếu có nhiều hơn một VĐV có cùng thành tích, người giành chiến thắng sẽ là VĐV có thành tích tiếp theo tốt hơn.
Lịch sử nội dung nhảy xa
Nhảy xa ban đầu xuất hiện ở một kỳ Thế vận hội thời Hy Lạp cổ đại. Thời đó, các VĐV sẽ cầm vật nặng trên tay, nhảy vươn về phía trước, đồng thời đẩy vật nặng đó ở giữa cú nhảy để tạo lực nhằm giúp nhảy xa hơn.
Luật nhảy xa hiện nay được áp dụng từ Olympic 1896 ở Athens (Hy Lạp). Kỷ lục thế giới nam đầu tiên được ghi nhận là 8,13m do Jesse Owens (Mỹ) lập năm 1935. Kỷ lục này tồn tại đến tận năm 1960 khi Bob Beamon (Mỹ) lập thông số mới 8,90m tại Olympic Mexico 1968.
Mốc kỷ lục này tiếp tục tồn tại thêm 23 năm nữa cho đến khi Mike Powell (Mỹ) xác lập thông số 8,95m ở giải vô địch thế giới 1991.
Carl Lewis (Mỹ) hiện được coi là VĐV nhảy xa xuất sắc nhất lịch sử khi vô địch tại 4 kỳ Olympic liên tiếp từ 1984 đến 1996.
Mãi đến năm 1948, nhảy xa nữ mới được đưa vào thi đấu ở Thế vận hội, khi đó có VĐV từ 5 khu vực: châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương.
Những ứng viên đáng chú ý ở giải điền kinh thế giới 2022
Miltiadis Tentoglou hiện là nam VĐV nhảy xa được đánh giá cao nhất ở giải thế giới lần này. VĐV người Hy Lạp đã vô địch Olympic, giải thế giới trong nhà, giải vô địch châu Âu trong nhà và đang tìm kiếm chức vô địch thế giới ngoài trời.
Tại Olympic Tokyo 2020 tổ chức tại Nhật Bản tháng 8/2021 (lùi vì dịch COVID-19), Tentoglou đã giành HCV với thông số 8,41m.
Ở nội dung của nữ, Malaika Mihambo là ứng viên hàng đầu khi đã chiến thắng ở giải thế giới gần đây nhất (2019), Olympic Tokyo 2020 và giải vô địch châu Âu 2018…
Tuyển thủ 28 tuổi người Đức đang dẫn đầu thành tích mùa giải với thành tích 7,09m tại giải Wanda Diamond League 2022 ở Birmingham hôm 21/5/2022.
Brooke Buschkuehl (Australia) cũng đang sở hữu thành tích 7,13m tại giải MVA ở Chula Vista, California (Mỹ) ngày 9/7/2022 vừa qua.
Thông số nhảy xa của VĐV Việt Nam
Có thể thấy các VĐV nhảy xa Việt Nam rất khó có cơ hội cạnh tranh suất tham dự giải thế giới, chứ chưa nói đến khả năng giành huy chương.
Kỷ lục quốc gia nhảy xa nam hiện là 7,98m do Nguyễn Tiến Trọng (1997, Quân Đội) thiết lập tại giải vô địch quốc gia 2019. Thành tích này có khả năng sẽ rất khó phá hoặc được cải thiện bởi đã 3 năm qua, chàng trai này vẫn chưa thể vươt qua chính mình. Trọng giành HCV SEA Games 31 (tháng 5/2022) với thông số chỉ là 7,80m.
Còn ở nội dung của nữ, Bùi Thị Thu Thảo hiện đang nắm giữ kỷ lục quốc gia 6,65m lập tại SEA Games 2015 ở Singapore. Thảo cũng xuất sắc giành HCV ASIAD 2018 ở Indonesia với thành tích 6,55m.
Ở SEA Gamé 31 vừa qua, trở lại sau thời gian nghỉ sinh con, cô gái Hà Nội giành HCB với thông số 6,38m.
Giải Vô địch Điền kinh Thế giới 2022 diễn ra từ 15-24/7/2022 tại Oregon (Mỹ) với 49 nội dung. Việt Nam có một đại diện nhận suất đặc cách là Quách Thị Lan ở nội dung chạy 400m rào nữ. Lan và HLV Vladimir Simeonov (Bulgaria) sẽ lên đường đi Mỹ ngày 14/7/2022.
Thời gian dự kiến tổ chức nội dung 400m rào có sự góp mặt của Quách Thị Lan (tính theo giờ Việt Nam):
Vòng loại: 7:15, 20/7/2022
Bán kết: 8:15, 21/7/2022
Chung kết: 9:50, 23/7/2022