Những thay đổi chuẩn thành tích khắc nghiệt khiến điền kinh Việt Nam hết cửa chính dự Olympics
Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 tại Nhật Bản trở thành kỳ Olympics dị biệt và khắc nghiệt nhất với những quốc gia có nền thể thao được coi là “vùng trũng”. Việc thay đổi cách xét tuyển cũng như nâng chuẩn thành tích tham dự trở thành ác mộng với nhiều quốc gia.
Ở môn điền kinh, kể từ khi Liên đoàn Điền kinh Thế giới (mới đổi tên thành World Athletics từ năm 2019) công bố bảng chuẩn thành tích dự Olympic Tokyo 2020 thì nhiều quốc gia đã… ngã ngửa vì chuẩn ở mức cao kinh khủng.
Tính đến hết Olympic Rio 2016 ở Brazil, World Athletics vẫn áp dụng hai mốc chuẩn dự Thế vận hội là chuẩn A và chuẩn B. Chuẩn B là mức thành tích khá phù hợp với nhiều quốc gia có nền tảng môn điền kinh ở tầm trung bình. Việt Nam cũng đã có 2 kỳ Olympics liên tiếp có VĐV điền kinh giành chuẩn B để đàng hoàng đến với sân chơi Thế vận hội.
Năm 2012 tại Olympic London (Anh quốc), điền kinh Việt Nam có hai VĐV tham dự là Nguyễn Thị Thanh Phúc ở môn đi bộ 20km nữ và Dương Thị Việt Anh môn nhảy cao nữ. Còn 4 năm sau tại Olympic Rio 2016 trên đất Brazil, điền kinh Việt Nam có hai VĐV tham dự, nhưng giành tới 3 suất thi đấu, đó là Nguyễn Thị Huyền giành chuẩn B dự nội dung chạy 400m và 400m rào nữ. Trong khi đó, Nguyễn Thành Ngưng tham dự nội dung đi bộ 20km nam.
Nhưng kể từ Olympic Tokyo 2020, mọi thứ đã đổi khác. Bảng chuẩn thành tích tham dự nay chỉ có duy nhất một, tạm gọi là chuẩn A, với các thông số cao ngất ngưởng. Thậm chí, mốc chuẩn này còn ở mức tương đương kỷ lục quốc gia và dĩ nhiên với những quốc gia có nền tảng điền kinh mới chỉ ở tầm Đông Nam Á như Việt Nam thì việc này là quá sức.
Đơn cử, ở nội dung marathon, để giành quyền tham dự, các VĐV nam phải vượt qua chuẩn 2 giờ 11 phút 30 giây (2:11:30), còn với nữ là 2:29:30. Đây được coi là mốc chuẩn thành tích… “đánh đố” cả các quốc gia châu Á, chứ chưa nói đến Đông Nam Á hay Việt Nam. Kỷ lục quốc gia marathon của Việt Nam hiện nay là 2:21:51 do Nguyễn Chí Đông lập từ năm 2003 và hiện nay vẫn chưa có nam VĐV trẻ nào mon men tới được thông số này. Thành tích tốt nhất năm cũng chỉ đang ở mức 2 giờ 27 phút. Còn đối với nữ, 2:29:30 là mốc thời gian không thể có VĐV nào chạm tới được, ngay cả khi các kỳ Olympics trước vẫn áp dụng mốc chuẩn B 2:45:00 thì các nữ VĐV marathon Việt Nam cũng khó chạm tới.
Ngoài ra, những thông số trên trời ở các cự ly danh giá như 100m, 200m, 400m… cũng trở thành thông số mà các VĐV Việt Nam chỉ biết mơ ước mà thôi.
Ngoài việc phải chạm đến chuẩn A cao chót vót đó, các VĐV điền kinh vẫn có cơ hội đến Nhật Bản mùa hè này nếu có thành tích xếp hạng được World Athletics công nhận nằm trong số lượng quy định VĐV tham dự Thế vận hội. Ví dụ, Đông Nam Á đang có 2 VĐV nằm ở dạng này là Hup Wei Lee của Malaysia tại nội dung nhảy cao nam, người dù chưa vượt qua chuẩn 2.33m nhưng hiện xếp hạng 24 thế giới trong khi có 32 suất dự Olympic. Hay như Subenrat Insaeng của Thái Lan ở nội dung ném đĩa nữ. Cô hiện xếp hạng 28 thế giới và vẫn chưa vượt qua chuẩn 63.50m, nhưng có khả năng vẫn được chọn vì nội dung này cần 32 VĐV tham dự.
Điền kinh Việt Nam cũng có cơ hội giành vé cửa chính đến Olympic Tokyo 2020 ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam nữ nếu đội tuyển Việt Nam kịp tham dự Giải các nội dung tiếp sức thế giới tổ chức ở Ba Lan từ 1-2/5/2021 vừa qua. Do đại dịch COVID-19, đường đến Ba Lan là bất khả thi nên 6 VĐV gồm: Quách Công Lịch Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 để chuẩn bị lên đường nhưng rồi lại phải ngồi nhà.
Trước giải này, Việt Nam đang tạm xếp thứ 17 với thành tích 3:19.50 lập tại SEA Games 30 (12/2019) và có cơ hội cạnh tranh Top 16 đội dự Olympic Tokyo 2020. Với cách tính của World Athletics, 8 đội lọt vào chung kết Giải Điền kinh Vô địch Thế giới 2019 tổ chức ở Doha (Qatar) mặc nhiên có suất đến Nhật Bản gồm: Mỹ, Jamaica, Bahrain, Anh quốc, Ba Lan, Bỉ, Ấn Độ và Brazil . Còn lại, 8 đội sẽ cùng kiếm chuẩn ở những giải đấu được tổ chức từ đó đến 29/6/2021.
Ở giải đấu tại Ba Lan vừa qua, nếu đội Việt Nam tham dự và có khả năng lọt vào chung kết thì cửa chính đến Olympic Tokyo 2020 sẽ rộng mở. Dù vậy, phải thực tế nhìn nhận để làm được điều đó là không dễ khi đội Việt Nam phải ít nhất đạt thông số tốt hơn 3 phút 17 giây thì mới có hy vọng. Bởi ở giải này, 5 đội giành vé dự Olympic Tokyo 2020 là Italia (3:16.60), Ireland (3:16.84), CH Dominica (3:17.58), Hà Lan (3:18.04, kỷ lục quốc gia) và Tây Ban Nha (3:18.98, kỷ lục quốc gia) đều có thành tích rất tốt. Hiện còn 3 suất nữa và World Athletics sẽ căn cứ thành tích tốt nhất của những đội đã dự các giải đấu nằm trong hệ xét tuyển để hoàn thiện danh sách 16 đội dự nội dung 4x400m hỗn hợp Olympic Tokyo 2020.
Những thay đổi trên khiến điền kinh Việt Nam đã chính thức hết cửa chính dự Olympic Tokyo 2020 mặc dù trên lý thuyết vẫn còn đến 29/6/2021 mới hết hạn thi đấu lấy chuẩn. Nhưng với tình hình đại dịch COVID-19 như hiện nay, các VĐV điền kinh Việt Nam không còn giải đấu nào tham dự để kiếm chuẩn.
Lúc này, cơ hội góp mặt duy nhất ở đấu trường Thế vận hội chỉ là suất đặc cách. Từ hai suất đặc cách dành cho một nam và một nữ như các kỳ trước, lần này, Ủy ban Olympic Quốc tế cũng chỉ tặng duy nhất một suất. Vì thế, đấu trường Olympics với điền kinh Việt Nam lúc này và cả trong tương lai như đang ngày càng xa rời nhau giống… Ngưu Lang Chức Nữ.