Tìm hướng đi mới cho điền kinh Việt Nam sau năm 2023 ít thành công
Nhìn lại giải điền kinh VĐQG 2023
Giải điền kinh VĐQG 2023 khép lại sau 5 ngày tranh tài với 50 bộ huy chương đã được trao (cùng 2 bộ huy chương trẻ). Lần đầu tiên được tổ chức ở Trung tâm huấn luyện quân sự 4 (Miếu Môn, Hà Nội), hơn 600 VĐV và HLV đã được trải nghiệm môi trường tập luyện và thi đấu như tại Làng VĐV của một kỳ Thế vận hội hay SEA Games.
Quân Đội giành ngôi nhất toàn đoàn với 8 HCV, 9 HCB và 3 HCĐ (tổng 20 huy chương), xếp trên Hà Nội (6, 12, 9) và TPHCM (5, 2, 6).
Những đoàn khác để lại ấn tượng mạnh có Đà Nẵng (4, 5, 3), Nam Định (4, 3, 0), Hà Tĩnh (3, 3, 0), Công An Nhân Dân (3, 1, 0). Đoàn có sự bứt phá tốt là Đồng Nai (3, 1, 0), Bắc Giang có 3 HCV (đều do công của Nguyễn Thị Oanh). Trà Vinh lọt vào top 10 toàn đoàn với 2, 1, 1.
Giải cũng ghi nhận 3 kỷ lục quốc gia mới. Kim Thị Huyền của Trà Vinh phá kỷ lục quốc gia đẩy tạ nữ ngày 24/10/2023. Kỷ lục mới 15.27m vượt qua kỷ lục cũ 14.75m do VĐV Ka Hoa (Ninh Thuận) lập năm 2019 tại TP.HCM.
Ngày 25/10/2023, đội chạy tiếp sức nam 4x200m của Công An Nhân Dân gồm Triệu Thái Sơn, Nguyễn Tiến Hùng, Đặng Hoàng Ánh và Ngần Ngọc Nghĩa lập kỷ lục mới 1:24.06, vượt qua kỷ lục cũ 1:24.63 do đội Thanh Hóa (Trung-Hinh-Thao-Hữu) lập năm 2015 ở TP. HCM.
Ở ngày thi đấu cuối 28/10/2023, Phan Thanh Bình (TP.HCM) tự phá kỷ lục quốc gia cũ 48.64m của chính mình lập năm 2019 bằng kỷ lục mới 50.08m.
Những gương mặt trẻ tiềm năng
Sau giải đấu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh Cục Thể dục Thể thao, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, đã đánh giá cao công tác tổ chức của giải. Đồng thời, ông ghi nhận một số gương mặt nổi bật, có thể trở thành nòng cốt của đội tuyển điền kinh trong tương lai.
Kim Thị Huyền (2003) của Trà Vinh xô đổ kỷ lục quốc gia, vượt tiền bối Ka Hoa, cựu kỷ lục gia và thống trị nội dung đẩy tạ nữ nhiều năm, được coi sẽ là người kế cận xứng đáng ở nội dung vốn còn khiêm tốn tại đấu trường SEA Games này.
Lê Thị Tuyết (2004) tiếp tục thể hiện sự tiến bộ rõ rệt về thành tích, kể từ sau lần giành HCV marathon nữ Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 cuối năm ngoái. Cô gái nặng chỉ 37kg này đã xuất sắc vượt qua ứng viên hàng đầu Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) để giành tấm HCV chạy 10.000m nữ.
Hoàng Thanh Giang (Hải Phòng) cũng là một VĐV nổi bật năm nay khi vượt qua hàng loạt đàn chị tên tuổi, những nhà vô địch châu Á, SEA Games, để giành HCV ở hai nội dung khó. Cô gái sinh năm 2001 vượt qua nhà vô địch châu Á Bùi Thị Thu Thảo (6.30m) để giành HCV nhảy xa nữ với thông số 6.39m. Và sau đó xuất sắc đánh bại nhà vô địch hai kỳ SEA Games 31, 32 Nguyễn Linh Na (Quân Đội) để giành HCV 7 môn phối hợp nữ.
Nguyễn Đức Sơn (Hà Nội) cũng vượt qua đàn anh Quách Công Lịch (Thanh Hóa), người thống trị đường chạy 400m rào nam hơn chục năm qua kiêm giữ kỷ lục quốc gia 50 giây 05, để giành HCV với thông số 51.90.
Hàng loạt tuyển thủ kỳ cựu giải nghệ
Sau giải vô địch quốc gia, nhiều VĐV tên tuổi từng làm nên thế mạnh cho điền kinh Việt Nam hàng chục năm qua, sẽ dần dần giải nghệ. Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) chia tay sự nghiệp VĐV để chuyển sang công tác huấn luyện. Cô gái sinh năm 1993 là một trong những VĐV chạy 400m xuất sắc nhất thế hệ của mình.
“Lão tướng” Nguyễn Văn Lai “gánh chỉ tiêu” tới 2 HCV cá nhân cho đoàn Quân Đội cũng sẽ chia tay hai nội chạy 5000m và 10.000m sở trường để tập trung cho nội dung mới là marathon.
Bùi Thị Thu Thảo cũng sẽ dừng lại sau một thời gian nghỉ sinh con và có thêm hai kỳ SEA Games 31, 32 và Asian Games Hàng Châu (Trung Quốc) vừa qua trên cương vị một VĐV chuyên nghiệp.
Những VĐV khác dù còn khá trẻ nhưng cũng đang tính đến việc chia tay điền kinh đỉnh cao, như Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) và Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định)…
Sự ra đi của những gương mặt trụ cột này sẽ để lại cho điền kinh Việt Nam những khoảng trống mênh mông.
Tìm hướng đi mới cho điền kinh Việt Nam
2023 là năm không thành công với điền kinh Việt Nam khi lần đầu tiên sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn, Việt Nam đã bị Thái Lan lấy lại vị trí. Bên cạnh đó, việc trắng huy chương ở Asian Games 19 tại Hàng Châu cũng là một vấn đề gây đau đầu cho những người làm điền kinh nước nhà.
Để giải quyết vấn đề này, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thời gian tới, Liên đoàn điền kinh Việt Nam sẽ phải xem xét lại, tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo trẻ, tìm ra nhiều nhân tố tiềm năng đủ sức kế cận thế hệ "đàn anh, đàn chị" đã thành danh nhiều năm trên đấu trường quốc tế".
Chia sẻ chi tiết về giải pháp giúp điền kinh Việt Nam phát triển trong tương lai, ông Hùng cho biết: “Dự kiến cuối năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo đào tạo VĐV đội tuyển và đội tuyển trẻ. Đây sẽ là dịp để chúng tôi tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, HLV từ các đơn vị điền kinh trên cả nước để có giải pháp tốt nhất trong việc tập trung các VĐV.
Liên đoàn có chủ trương thuê HLV ngoại về đào tạo cho các nhóm VĐV trọng điểm. Các tổ, nhóm VĐV theo từng nội dung sẽ được tập hợp và đào tạo mang tính chất có hệ thống, lựa chọn từ tuyến VĐV trẻ đi lên… với hy vọng sẽ cải thiện thành tích trong tương lai”.
Ngay sau giải điền kinh VĐQG 2023, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ xây dựng danh sách tuyển thủ tập trung tập huấn cho năm 2024. Năm tới, đấu trường lớn mà điền kinh hướng tới là Olympic Paris 2024 ở Pháp. Mặc dù đây là sân chơi quá tầm, nhưng với định hướng lâu dài thì mục tiêu có VĐV giành suất chính thức tham dự Thế vận hội (hiện đã thay đổi hệ thống tính chuẩn với những thông số cực kỳ khó) là điều mà điền kinh Việt Nam phải kiên định hướng tới.