Vì sao điền kinh Việt Nam “thụt lùi” tại đấu trường Olympics?

thứ hai 31-5-2021 9:00:08 +07:00 0 bình luận
Sau 2 kỳ Olympics gần đây nhất giành được suất chính thức, điền kinh Việt Nam trắng tay cửa chính cho đến khi được trao duy nhất một suất đặc cách đến Nhật Bản hè này. Tại sao lại có sự “thụt lùi” như vậy?

Điền kinh Việt Nam được trao một suất đặc cách duy nhất tại Olympic Tokyo 2020 sắp tới ở Nhật Bản sau khi không thể giành được suất chính thức tham dự. Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam có thời hạn chót trong tháng 6/2021 để chọn ra gương mặt đại diện điền kinh Việt Nam dự Thế vận hội mùa hè ở Tokyo.

Liên quan chủ đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, người từng nhiều năm tham gia công tác huấn luyện, chỉ đạo và dẫn dắt các đoàn VĐV tham dự các đấu trường điền kinh trong và ngoài nước.

Webthethao.vn: Sau 2 kỳ Olympics liên tiếp giành được suất chính thức tham dự, đến kỳ Olympic Tokyo 2020 lần này, điền kinh Việt Nam lại chỉ giành được một suất đặc cách? Theo ông lý do vì sao?

Ông Dương Đức Thủy: Nếu nói ra thì có thể nhiều người cho rằng tôi đang tìm lý do biện minh cho việc điền kinh Việt Nam chưa làm được. Nhưng phải nói thật là lý do thì vẫn có, từ lý do chủ quan đến khách quan. Lý do khách quan là đại dịch COVID-19 nên chúng ta không có cơ hội tham dự các giải đấu lấy chuẩn, mặc dù có cơ hội ở nội dung 4x400m hỗn hợp nam nữ.

Ông Dương Đức Thủy trả lời phỏng vấn của webthethao.vn

Không có suất chính thức, phải dùng suất đặc cách thì đó được coi là “bước lùi”. Mặc dù lấy lý do này lý do kia, nhưng tại sao trong quá trình được coi là giai đoạn lấy chuẩn dự Olympics, chúng ta lại không nỗ lực? Ban huấn luyện và các VĐV phải nỗ lực và hiểu rằng ngày mai có thể không có giải đấu nào nữa, không có nội dung nào có cơ hội lấy chuẩn nữa. Thời cơ đến là phải tranh thủ, không thể đợi được.

Rõ ràng là ban huấn luyện các đội tuyển đã khá thụ động, trong khi ở tầm quản lý cao hơn thì lại chưa có một sách lược để đạt chuẩn. Ở thời điểm này, lãnh đạo Cục, Bộ vẫn đang nói đến một chỉ tiêu là phấn đấu có 20 suất chính thức dự Olympics, nhưng thực tế mới chỉ có 8 suất. Vì thế, khi đặt mục tiêu phải có những điều kiện cần và đủ.

Cũng phải thẳng thắn nói rằng, không thể đổ cho lý do kinh phí hạn hẹp, đầu tư kém mà phải đặt vấn đề là cũng với nguồn kinh phí đó nhưng phải sử dụng nó hiệu quả nhất. Không thể môn nào cũng xin đi thi đấu, tập huấn mà không xác định được ở nhóm VĐV đó ai là người có khả năng tranh chấp huy chương hay lấy được chuẩn Olympics.

Điền kinh Việt Nam chỉ nhận được một suất đặc cách dự Olympic Tokyo 2020, sau khi từng 2 kỳ liên tiếp có suất chính thức

Vậy ông cho biết cách thức và những tiêu chuẩn để chọn VĐV duy nhất của điền kinh Việt Nam nhận suất đặc cách dự Olympic Tokyo 2020?

Đây là vấn đề rất khó cho lãnh đạo Tổng cục TDTT, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam và cả Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Đây không chỉ là câu hỏi dành riêng cho ai, mà phải là câu hỏi chung, được đặt ra cho tất cả những nhà chuyên môn và thậm chí phải thấm sâu đến từng VĐV.

Nói đến việc giành chuẩn chính thức dự Thế vận hội thì cơ hội là giành cho tất cả các VĐV. Các VĐV ở môn nào cũng đều bình đẳng về cơ hội kiếm suất dự Olympics. Tôi nói ví dụ, ngay ở môn đi bộ, nếu Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng mạnh dạn nâng cự ly lên 50km, thay vì 20km như bao lâu này thì nếu giành được chuẩn lại là chuyện rất khác. Nhưng giờ này, chúng ta vẫn trăn trở xem làm thế nào để giành được chuẩn ở cự ly đi bộ 20km, mà chưa ai nghĩ có nên đầu tư cho cự ly 50km hay không?

Rồi thì cự ly marathon, nhìn vào chuẩn 2 giờ 35 phút lúc này đã thấy xa vời quá. Marathon từng có thời điểm marathon nữ đạt thông số 2 giờ 45 của Hoàng Thị Thanh, VĐV lại đang rất hừng hực khí thế, nhưng các HLV lại không dám nghĩ xa.

Mạnh dạn đầu tư vào những nội dung có tiềm năng giành chuẩn trong tương lai là mục tiêu hàng đầu của điền kinh Việt Nam

Hay như cả cự ly 3000m chướng ngại vật nữ của Nguyễn Thị Oanh từng là 9 phút 43 giây, có ai dám nghĩ xa hơn không, để rồi khi đạt thông số 10 phút có lẻ một chút ở SEA Games thì lại có vẻ hài lòng với việc đó, mà không nghĩ đến việc phải mạnh dạn đầu tư ở nội dung này.

Thêm nữa, ở nội dung 400m, ở những năm 2013-2014, chúng ta từng có những VĐV xuất sắc như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền rồi Quách Công Lịch chỉ cách chuẩn có chút ít, nhưng giờ này chúng ta lại thấy điều đó xa vời vợi, chỉ trông chờ vào một suất đặc cách ăn may. Tôi cho rằng đó không phải là ý chí tích cực để tấn công vào mục tiêu giành chuẩn chính thức dự Olympics.

Quay lại tiêu chí chọn VĐV nhận suất đặc cách dự Olympic Tokyo 2020 thì ngoài chuyện phải có thành tích tốt tại các giải đấu gần đây thì VĐV đó phải là người gương mẫu từ trong tập luyện, thi đấu đến cuộc sống hàng ngày…

 

Khang Vinh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội