Soi bên trong "cực phẩm" giày giúp Eliud Kipchoge phá cột mốc marathon 2 giờ
Để Eliud Kipchoge phá được cột mốc marathon 2 giờ, mọi thứ đều phải hoàn hảo. Từ dàn pacer vừa dẫn tốc, vừa cản gió đến chiếc xe dẫn đường có chiếu laser để đảm bảo Kipchoge chạy ở đúng tốc độ, tất cả đều được lên kế hoạch để VĐV marathon xuất sắc nhất thế giới hiện nay đạt được mục đích.
Sau khi nhìn vào tất cả những yếu tố bên ngoài, đôi giày Nike trên chân anh cũng không phải ngoại lệ. Để hoàn tất chiều dài của một chặng marathon trong chỉ 1 giờ 59 phút 40 giây, Eliud Kipchoge đã mang một đôi giày vô cùng đặc biệt.
Đây là phiên bản được Nike thửa riêng chỉ để runner 34 tuổi người Kenya hoàn tất thử thách tại INEOS 1:59 Challenge.
Eliud Kipchoge chụp ảnh cùng bạn đồng hành được thửa riêng từ Nike cho thử thách INEOS 1:59 Challenge.
Trong khi Nike chưa đưa ra thông tin chính thức nào về mẫu giày đã giúp Eliud Kipchoge phá cột mốc marathon 2 giờ, trang Runners World (RW) và Believe in the Run đã đưa ra một vài điểm nhấn khá thú vị.
Trích thông tin từ các bản đăng ký bằng sáng chế của Nike vào năm 2018 gửi lên Văn phòng sáng chế và bản quyền Mỹ, họ đã tìm ra các patent giống hệt với đôi giày mà Kipchoge đã mang vào hôm qua tại Vienna.
Mẫu giày Nike giúp Eliud Kipchoge bứt phá cột mốc marathon 2 giờ với công nghệ upper AtomKnit, đệm Zoom X cùng một túi Zoom Air lộ ra ngoài.
Cấu trúc bộ đệm của giày. Ảnh: US Patent.
Hình ảnh trên đây cho thấy cấu trúc đệm cực kỳ phức tạp của đôi giày bao gồm 2 tầng đệm và 3 đĩa (plate) làm từ sợi tổng hợp (có khả năng là sợi carbon). Một đĩa nằm giữa mặt đế và tầng đệm đầu tiên. Đĩa thứ 2 nằm giữa 2 tầng đệm. Đĩa cuối cùng nằm giữa tầng đệm trên và bàn chân của người mang.
Cấu trúc đệm được RW ví như các tầng bánh kếp (pancake) xếp chồng lên nhau để tạo ra độ êm. Song song đó là sự xuất hiện của các đĩa làm từ sợi tổng hợp để mang lại phản hồi lực tối ưu.
Hãy cùng bắt đầu từ các tầng đệm với thứ nổi bật nhất, đó chính là túi Zoom Air vô cùng quyến rũ được cố tình để lộ ở bên hông giày. Thoạt nhìn, đây là túi đệm khí khá cơ bản. Tuy nhiên, chúng phức tạp hơn khá nhiều so với những gì được thấy từ bên ngoài.
Túi Zoom Air lộ ra bên ngoài trên đôi giày của Eliud Kipchoge.
Nếu nói về khả năng phản hồi lực, những túi khí được nén lại như Zoom Air sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với đệm foam thông thường như Zoom X hoặc React.
Cấu trúc của Zoom Air là một túi khí nén với sự xuất hiện của rất nhiều "cột" làm từ sợi tổng hợp và có khả năng đàn hồi. Mỗi khi chúng bị nén lại, không khí bên trong túi Zoom Air cùng với các "cột" này cùng chịu áp lực trước khi bung ra và trở về trạng thái ban đầu, mang lại sự phản hồi lực lên chân của người mang.
Có lẽ đó là lý do Nike đặt không chỉ 1 mà đến 4 túi Zoom Air ở dưới mỗi chân của Eliud Kipchoge theo cấu hình 2x2. Bốn túi Zoom này nằm ở vùng ức chân, mang lại sự kết hợp hoàn hảo giữa độ êm (cushioning) và độ phản hồi (energy return).
Theo bản vẽ của Nike, các túi Zoom Air được xếp theo cấu hình 2x2 tương đương với 4 túi Zoom Air ở mỗi chiếc giày. Ảnh: US Patent.
Bên cạnh đó, RW cũng chỉ ra rằng trong những túi Zoom Air này còn có thêm một loại chất lỏng đặc biệt thay vì khí như bình thường. Tại đây, chất lỏng này sẽ được nén ở mức tứ 15 đến 30 psi nhằm tăng thêm khả năng phản hồi lực cho vùng dưới ức chân của Kipchoge.
Tính đến thời điểm này, hàng triệu người mê giày chạy bộ vẫn chờ những thông tin chính thức từ Nike về bộ đệm cực kỳ đặc biệt dưới chân Eliud Kipchoge.
Có những phỏng đoán cho rằng thay vì xếp với cấu hình 2x2 như hình trên, giày giúp Kipchoge phá cột mốc 2 giờ chỉ có 2 túi Zoom Air và kết hợp cùng 2 mảng foam ZoomX. Bí mật ở vùng này có lẽ chỉ có Nike mới biết và hãy cùng chờ đến ngày chúng được bật mí.
Tiếp theo, hãy cùng nói đến cấu trúc 3 đĩa làm từ sợi tổng hợp vô cùng quái dị mà Nike đã sử dụng.
Eliud Kipchoge cùng đôi giày đặc biệt được Nike thiết kế để đạt được "sub2"
Không ai có thể khẳng định những plate này có phải làm bằng sợi carbon hay không. Tuy nhiên, đây chính là loại chất liệu tối ưu nhất đang được Nike sử dụng và quảng bá rộng rãi. Chưa cần biết Nike có dùng loại chất liệu điên rồ nào khác hay không, nhưng mọi thứ đã đủ dị khi đội ngũ thiết kế đặt đến 3 plate đế xuống dưới chân của Eliud Kipchoge.
Hãy xem chúng như những lát bánh mì trong miếng sandwich 3 tầng, các đĩa này có nhiệm vụ chính là giữ độ cân bằng cho 2 tầng đệm nằm ở giữa. Cấu trúc các đĩa như sau:
- Đĩa đầu tiên nằm sát dưới mặt đất khi phân cách giữa mặt đế và tầng đệm đầu tiên. Chúng kéo dài từ miếng Zoom Air và vuốt nhọn lên phần mũi chân.
- Đĩa thứ hai chia đôi 2 tầng đệm, được uốn cong nhẹ theo hình dáng ức chân của Kipchoge.
- Đía thứ 3 nằm sát dưới bàn chân, phân cách giữa chân và tầng đệm thứ hai. Đây là đĩa có diện tích lớn nhất và được thiết kế uốn cong theo đúng hình dáng của toàn bộ mặt bàn chân của Eliud Kipchoge. Ngoài việc giữ độ cân bằng cho toàn bộ đôi giày, đĩa này có thêm tác dụng phản hồi lực.
Thay vì chỉ 1 đĩa carbon chia đôi bộ đệm, đôi giày đặc biệt của Eliud Kipchoge có thêm 2 đĩa khác, một ở sát bàn chân và một ở sát mặt đế.
Lý giải từ Nike về cách vận hành của toàn bộ công nghệ đệm dưới chân Eliud Kipchoge như sau:
Ngay khi giày chạm mặt đất, plate dưới cùng sẽ phân tán lực đều ra toàn bộ tầng đệm đầu tiên. Từ đó, lực này sẽ được hấp thụ lên plate giữa và truyền sang tầng đệm thứ hai trước khi tác động lên đĩa trên cùng.
Thiết kế này có hai lợi thế. Một là cả 2 tầng đệm sẽ có thể nén một cách độc lập, tạo ra khả năng phản hồi lực tốt hơn. Hai là cả 3 đĩa carbon sẽ giúp phân tác lực đều hơn, hạn chế tối đa việc tạo ra những điểm khó chịu dưới bàn chân (hot spot) và gây ảnh hưởng đến những bước chạy của Kipchoge.
Ngoài phần ức chân với công nghệ cực cao, vùng gót với đệm ZoomX to khổng lồ khá giống với mẫu giày Nike ZoomX Vaporfly NEXT% trước đây.
Mẫu giày Nike ZoomX Vaporfly NEXT%.
Eliud Kipchoge cùng mẫu giày đặc biệt đến từ Nike trong khi các pacer của anh mang Nike ZoomX Vaporfly NEXT%.
Với việc chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào từ Nike, giới yêu giày và công nghệ giày chạy bộ đang đặt ra rất nhiều câu hỏi: Vì sao hệ thống đệm phức tạp trên hiệu quả hơn ZoomX? Liệu đây có phải bước tiến mới trong việc cải thiện thành tích cho các runner khi chạy đường dài?
Liệu mẫu giày này có được ra mắt, được giới thiệu đến thế giới không? Hay chúng sẽ đi vào bảo tàng với những công nghệ tối mật tiếp tục được giữ kín?
Cho đến khi câu trả lời được đưa ra từ Nike, có lẽ tất cả những gì người hâm mộ có thể làm là phỏng đoán và chúc mừng thành tựu công nghệ đáng nhớ này của Nike cùng với Eliud Kipchoge mà thôi.