Pháp luật thể thao: Các tay đua F1 trong quá trình thi đấu gây tai nạn có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Mới đây, Việt Nam đã được lựa chọn làm một trong các địa điểm tổ chức giải đua xe F1 vào năm 2020.
Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có quy định về điều kiện đua xe ô tô địa hình (Thông tư số 18/2015/TT-BVHTTDL), việc tổ chức giải đua xe F1 sẽ phải tuân thủ các quy định về thể thao và kỹ thuật của FIA. Vậy câu hỏi đặt ra là: Các tay đua F1 trong quá trình thi đấu gây tai nạn có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Vì đua xe F1 là môn thể thao tốc độ nên không tránh khỏi những trường hợp tay đua xe gặp nguy hiểm, xảy ta tai nạn, gây thiệt hại về người và tài sản.
Trong trường hợp tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, là một phần rủi ro có thể xảy ra trong môn thể thao,thì tay đua sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nếu tai nạn xảy ra đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tay đua có thể bị truy cứu và xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành và nếu thỏa mãn các quy định về trách nhiệm dân sự thì tay đua có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Một số quy định trong Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự dưới đây có thể được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện luật định.
Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, sửa đổi bởi luật số 12/2017/QH14:
"Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm"
"Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặcphạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."
Các tay đua F1 có thể bị xử lý hình sự nếu gây thiệt hại về người trong quá trình thi đấu
Điều 548 Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Trong Điều lệ các giải đua xe có quy định về an toàn đối với phương tiện và người tham gia giải cũng như các quy định về bảo hiểm mà đơn vị tổ chức, đơn vị tham gia, các bên thứ ba phải tuân thủ. Thông thường thì đơn vị tổ chức có trách nhiệm đảm bảo mua bảo hiểm cho mọi rủi ro xảy ra cho người và tài sản tham gia cuộc đua.
Khi xảy ra tai nạn do rủi ro, các đối tượng tham gia vào giải đã được bao gồm trong chính sách bảo hiểm sẽ được hưởng phần quyền lợi từ bảo hiểm. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp phương tiện, các tay đua cũng thu xếp các khoản bảo hiểm riêng cho phương tiện, thiệt hại do các lỗi kỹ thuật của phương tiện gây ra và bảo hiểm tính mạng, thân thể.