Huyền thoại Diamondprox nói gì về meta chống chịu của LMHT?
Là một trong những huyền thoại của tựa game LMHT, Diamondprox chính là người đã khai sinh ra lối đi rừng ăn thịt và đưa Lee Sin vào đấu trường chuyên nghiệp. Dù chưa giành được bất kỳ danh hiệu quốc tế nào, nhưng những dấu ấn mà thần rừng sinh năm 1992 để lại cho LMHT chuyên nghiệp là rất lớn.
Ở tuổi 29, Diamondprox vẫn đang là một tuyển thủ chuyên nghiệp. Anh vừa gia nhập Biofrost, một đội tuyển LMHT thuộc khu vực NLC (giải đấu LMHT khu vực Bắc Âu). Mới đây, ngôi sao của LMHT thế giới một thời đã có những chia sẻ về meta mới.
Điều gì khiến anh lựa chọn khu vực Bắc Âu là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp? Tại sao anh quyết định gia nhập Biofrost?
Diamondprox: Tôi rất thích thi đấu tại châu Âu. Bất cứ khi nào có cơ hội thi đấu cho một đội tuyển nói tiếng Anh, tôi sẽ không từ chối. Ngoại trừ một vài quy định về luật ngoại binh, tôi gần như không gặp bất cứ rắc rối nào.
Đội hình của Biofrost đã thực sự thu hút tôi. Tôi biết rõ các thành viên trong ban huấn luyện, thậm chí chúng tôi từng cân nhắc chiêu mộ họ về Team Spirit bởi họ đều biết tiếng Nga. Giờ đây, tôi đã có cơ hội làm việc cùng với họ. Tôi thực sự rất thích đội hình này.
Anh nghĩ sao về những thay đổi dẫn đến meta chống chịu của LMHT trong thời gian gần đây?
Tôi tin rằng những thay đổi này thực sự là một tín hiệu tích cực cho LMHT, giờ đây những cuộc giao tranh sẽ kéo dài hơn, khi tất cả đều khó bị giết hơn. Trước đây, bạn có thể dễ dàng bị hạ gục chỉ sau 1 đến 1,2 giây bị dính khống chế từ đối thủ.
Giờ đây, việc tính toán thời gian dồn hiệu ứng khống chế sẽ cần được chú trọng hơn. Thời điểm giao tranh kéo dài cũng là thời kỳ đỉnh cao phong độ của tôi. Từng có thời điểm, giao tranh dù diễn ra rất dài nhưng các tướng đi rừng vẫn có những đóng góp trong giao tranh bằng cách gây sát thương hoặc hiệu ứng khống chế.
Riot đã mắc sai lầm ở mùa 5 khi khiến những người đi rừng phải sử dụng những vị tướng có thiên hướng farm mạnh và ít khống chế, đồng thời bị giảm sát thương. Khi mà sát thương từ những người chơi đường giữa trở nên quá mạnh, những người đi rừng gần như không có tác dụng trong trận đấu sau 20 phút thi đấu. Còn bây giờ, hầu hết các tướng đi rừng đều có khống chế và có khả năng sống sót cao, và những người đi rừng sẽ cảm thấy vị trí của mình hữu dụng hơn.
Điều duy nhất khiến tôi trăn trở là khả năng gây áp lực đường đến từ những người đi rừng ở cấp độ 3-6. Những nâng cấp về chống chịu sẽ khiến những vị tướng chơi hổ báo trong giai đoạn đầu như Lee Sin, Xin Zhao và Viego gặp khó trong việc tìm kiếm những điểm hạ gục. Tôi mong rằng Riot sẽ làm điều gì đó để giúp những người đi rừng có thể phát huy sức mạnh trong giai đoạn dầu.
Vậy anh nghĩ sao về những lựa chọn lạ lùng đang quay trở lại với meta, như là Shyvana?
Tôi không nghĩ Shyvana được hưởng lợi từ meta hiện tại. Có thể là Shyvana theo phong cách AD chăng? Còn với Shyvana theo hướng AP, tôi nghĩ lối build này sẽ hữu dụng hơn, nhưng sẽ yếu hơn trong meta. Giờ đây, lượng sát thương phép của Shyvana bị giảm đi, trong khi Shyvana lại là một đấu sĩ không có khống chế, nên tôi nghĩ Shyvana không phải lựa chọn tốt khi đi rừng.
Meta thay đổi rất nhiều, để kết hợp tốt với các khu vực đường, người đi rừng cũng phải thích nghi với meta mới. Ví dụ như trường hợp của Viktor, vị tướng này đã trở nên khó giết hơn trong giai đoạn đầu sau khi được tăng khả năng chống chịu. Đây là vị tướng có khả năng thăng tiến sức mạnh lớn, điều này cũng sẽ có những ảnh hưởng làm thay đổi bể tướng đi rừng phù hợp với meta.
Là một tuyển thủ chuyên nghiệp suốt một thập kỷ, anh nghĩ Esports và LMHT đã có sự chuyển dịch như thế nào?
Tôi cho rằng LMHT ngày càng trở thành một tựa game đồng đội. Trong giai đoạn đầu trận, một đội tuyển sẽ cần một hoặc vài tuyển thủ phải chơi hi sinh vì lợi ích của toàn đội.
Các đội tuyển cũng nhận ra sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên quan trọng đến mức nào. Tuy nhiên, vẫn có một số tuyển thủ chú trọng vào khu vực và vị trí của mình hơn những thành viên khác. Một số tướng đi rừng phụ thuộc nhiều vào carry chính của đội sẽ rất phù hợp với meta này.