Ai đang thao túng bóng đá Việt Nam?
Năm 2008, Việt Nam lần đầu đăng quang ngôi vô địch AFF Cup dưới sự dẫn dắt của HLV Henrique Calisto. Thành công nói trên đã tạo hiệu ứng rất tích cực tới đời sống bóng đá quốc nội khi 2 năm sau đó, V.League trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn hẳn. Giá trị của các ngôi sao bóng đã cũng tăng lên đáng kể.
Nếu nhìn lại thì 2 năm qua, chuyện tương tự đang xảy ra với bóng đá Việt Nam. Thành công của các ĐTQG gắn với tên tuổi của HLV Park Hang Seo đã dẫn tới những thay đổi đột biến trong đời sống bóng đá Việt Nam, cả về chất và lượng. Đó là sự gia tăng giá trị của các ngôi sao, hoạt động tấp nập của các “cò” hay người đại diện cầu thủ. Các ngôi sao bóng đá cũng trở nên đắt khách không kém gì các người đẹp trong giới showbiz.
V.League phần nào đó được hưởng lợi khi hiệu ứng từ các ĐTQG giúp cho sân chơi quốc nội lôi cuốn người xem hơn. Tuy nhiên, lại phải nói tuy nhiên. Cũng giống như giai đoạn trước đó, sau khi HLV Henrique Calisto không còn gặt hái được thành công như trước, thất bại của các ĐTQG lập tức cũng tác động tới V.League. Các khán đài vắng khán giả, niềm tin của người hâm mộ rơi xuống đáy khi liên tiếp các vụ tiêu cực xảy ra, nổi cộm là vụ bán độ ở CLB The Vissai Ninh Bình.
Sự xuất hiện của lứa 1 Học viện HAGL với những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…hâm nóng bóng đá Việt Nam trở lại. Nhưng thất bại liên tiếp ở AFF Cup 2016 rồi SEA Games 2017 một lần nữa đẩy bóng đá Việt Nam vào cảnh u ám, xen lẫn màn đấu đá nơi thượng tầng VFF.
Nếu không có sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo kết hợp với lứa cầu thủ tài năng vừa đủ độ chín Công Phượng, Quang Hải, Duy Mạnh…thật khó hình dung bóng đá Việt Nam sẽ ra sao. Thành công của các ĐTQG dưới sự dẫn dắt của ông Park được chờ đợi sẽ là tiền đề tạo nên sức bật mới cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng khi triển vọng tươi sáng đang mở ra, những tín hiệu tiêu cực ở V-League một lần nữa lại khiến những người yêu bóng đá phải lo lắng. Không phải ngẫu nhiên, trận thắng 2-0 của Quảng Nam trước Nam Định hôm 19/10 với sự “giúp sức” tích cực từ sai sót của trọng tài lại tạo nên những phản ứng mạnh mẽ như vậy.
Nó nhắc tất cả nhớ tới những thực trạng vẫn tồn tại lâu nay ở V.League, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững, lâu dài của bóng đá Việt Nam. Đó sự thiếu minh bạch trong mối quan hệ giữa các đội bóng có sự liên quan về mặt lợi ích, những tiếng còi “méo mó” là nỗi sợ hãi, ám ảnh của nhiều CLB “thấp cổ, bé họng”, hay cách ứng xử chưa chuyên nghiệp của quan chức BTC, CLB.
Nhiều người đã phải đặt câu hỏi, liệu có bàn tay nào đang thao túng V.League, hay có hay không một cuộc “giải cứu” đối Quảng Nam? Năm 2017, Quảng Nam vừa thăng hạng không lâu đã khiến cả V.League ngỡ ngàng khi vượt qua một loạt ông lớn để đăng quang ngôi vô địch để rồi sau đó tuột dốc không phanh. Mùa giải trước trong tình cảnh nguy cấp, đội bóng miền trung đã được CLB Hà Nội chi viện một loạt cầu thủ.
Bước sang mùa giải năm nay, khi ở thời khắc quyết định của cuộc đua trụ hạng, Quảng Nam tiếp tục sống lại hy vọng với chiến thắng đúng lúc trước Nam Định với sự tiếp sức của trọng tài như kể trên.
LĐBĐVN (VFF) hay ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm với Nam Định và người hâm mộ đội bóng này, nếu họ rớt hạng? Nỗ lực của hàng chục con người, hàng chục tỷ đồng đầu tư, một sân bóng “nóng” và đông đảo hàng đầu V.League có thể bị “thổi bay” chỉ bằng một tiếng còi, cái phất cờ sai.
Số phận một đội bóng có thể gắn liền với số phận, sự phát triển của cả nền bóng đá. Ai đang thao túng, biến bóng đá Việt Nam thành con tin phục vụ cho những lợi ích riêng?