V.League và sự khắc nghiệt với các đội bóng của bầu Hiển
Giai đoạn 2009-2019, các con số thống kê đơn thuần đủ cho thấy tầm ảnh hưởng bao trùm của ông Hiển với bóng đá Việt Nam.
Các đội bóng được giới bóng đá lâu nay cho rằng có liên quan tới bầu Hiển đã đoạt tới 8/11 cúp vô địch V.League. Đó là CLB Hà Nội 5, SHB Đà Nẵng 2 và Quảng Nam 1. Chưa kể các danh hiệu khác như Siêu cúp hay cúp Quốc gia, chỉ con số trên đủ cho thấy sự thống trị gần như tuyệt đối của “anh em T&T” với V.League.
Trong từng nấy thời gian, chỉ Becamex Bình Dương ở giai đoạn cực thịnh có thể vượt qua CLB Hà Nội và những “người anh em” để đoạt cúp vô địch V.League các năm 2014, 2015. Một lần khác thuộc về SLNA vào năm 2011 dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Thành tích trên khiến cho nhiều người khi nhắc tới bầu Hiển phải ví ông với Vua Midas, vị vua có bàn tay chạm vào đâu là ở đó biến thành vàng. Sự kỳ diệu luôn gắn liền với những thành công của các đội bóng liên quan tới bầu Hiển. CLB Hà Nội với tuổi đời non trẻ chỉ sau một thập niên đã vươn lên thống trị V.League với 5 cúp vô địch. Một đội bóng như Quảng Nam, thực lực không quá vượt trội vẫn có thể đăng quang năm 2017 trong sự ngỡ ngàng của tất cả.
Nhưng thành công của các đội bóng bầu Hiển cũng gắn với những lời ì xèo. Đó sự mối quan hệ chằng chịt phía sau. Năm 2012, ông bầu trẻ Nguyễn Đức Thuỵ từng cay đắng nói về chuyện đội bóng của mình, Xuân Thành Sài Gòn bị Hà Nội T&T “lăn ra” cầm hoà, tạo điều kiện cho SHB Đà Nẵng lên ngôi. Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khi rút khỏi bóng đá Thanh Hoá cũng phát biểu một câu để đời, Thanh Hoá đá mấy cũng không thể vô địch vì “chỉ có 1 đội”.
HLV người Serbia, Petrovic sau một trận thua của Thanh Hoá cũng khiến cả làng bóng đá “bật cười” với “gợi ý”: V.League nên đá chọn ra đội thứ 2. Gần hơn cả, bầu Đức của HAGL từng đưa ra dự báo về việc Tp Hồ Chí Minh không thể vô địch V.League 2019 với tuyên bố “5 thằng ốm đánh 1 thằng mập cũng chết”.
Sự luân chuyển nhân sự giữa các đội bóng liên quan tới bầu Hiển cũng khiến dư luận nhiều phen bàn tán. Như việc mùa giải 2019, CLB Hà Nội chi viện một loạt HLV, cầu thủ cho Quảng Nam để tranh trụ hạng.
Sự phát triển của V.League là nền tảng cho các ĐTQG. Với tất cả các giải đấu trên thế giới, duy trì sự đa cực luôn là yếu tố căn bản tạo nên sự hấp dẫn, bên cạnh sự minh bạch, công bằng giữa các CLB.
Năm 2012, Thanh tra Bộ VH-TT&DL từng vào cuộc câu chuyện “một ông chủ, hai đội bóng” liên quan tới Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội) và SHB Đà Nẵng. Nhưng kết quả của nó gần như không đem lại điều gì mới mẻ cho nền bóng đá cũng như giới hâm mộ và 8 năm sau, ảnh hưởng của bầu Hiển lên V.League thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Tuy vậy, thời điểm này, các đội bóng của bầu Hiển đã cảm nhận rõ sự khắc nghiệt. CLB Hà Nội chỉ vô địch 1/4 mùa giải gần nhất. Đà Nẵng và Quảng Nam có nhiều thời điểm lay lắt xuống hạng rồi lên hạng.
Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố. Tính cạnh tranh giải đấu phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư từ các đội bóng. Thời điểm này, nhiều đội bóng đầu tư lớn mang đến cán cân cân bằng hơn ở cuộc đua vô địch. Phong độ của CLB Hà Nội cũng hết sức phập phù. Họ thường rơi vào các cuộc khủng hoảng ngắn, dẫn đến sự thiếu ổn định về mặt thành tích.
Quảng Nam và Đà Nẵng không còn được đầu tư mạnh như những thời điểm trước đó. Hệ quả tất yếu, các đội bóng liên quan đến bầu Hiển cũng không còn bá chủ ở đấu trường V.League. Một điều hết sức hiển nhiên trong thế giới bóng đá hiện đại.