Đừng khóc cho Tiến Minh
Ở tuổi 36, việc vẫn còn thi đấu đỉnh cao và đoạt nhiều danh hiệu (trước khi đoạt hạng 3 Châu Á, Tiến Minh từng vô địch giải New Zealand mở rộng hồi tháng 3.2019) cho thấy Tiến Minh nỗ lực không ngừng và điều này đáng ghi nhận. Tất nhiên, Minh không thể so với Federer, huyền thoại quần vợt hơn anh 2 tuổi vẫn chinh phục đỉnh cao ở tuổi 38 nhưng Minh lại khiến người ta nhắc đến khi mà anh tưởng chừng đã giải nghệ.
Tiến Minh phải tự bỏ tiền túi để lo toàn bộ kinh phi khí tham dự giải đấu quan trọng của châu lục nằm trong hệ thống của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF). Bởi từ tháng 2.2019, tay vợt này đã bị Tổng cục TDTT cắt hết chế độ ở đội tuyển cầu lông Việt Nam.
Nghe có vẻ sai sai khi mà những VĐV Việt Nam lâu nay vẫn dùng “tiền nhà nước” để đi thi đấu, ngay cả những giải dành cho các VĐV chuyên nghiệp.
Tiến Minh không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước có thể khiến anh gặp khó khăn và chạnh lòng nhưng có thể đó là bước tiến của thể thao chuyên nghiệp. Nghĩa là nhà nước không can thiệp vào quá trình thi đấu chuyên nghiệp của vận động viên chuyên nghiệp mà để chính các VĐV tự vận động tài trợ bằng khả năng và ảnh hưởng của mình.
Định nghĩa về thể thao chuyên nghiệp được Tổng cục TDTT ghi rõ như sau: Thể thao chuyên nghiệp là hoạt động thể thao trong đó HLV, vận động viên lấy huấn luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao làm nghề của mình. Những người tham gia thi đấu trong thể thao nhà nghề vì mục đích duy nhất là tài chính. Các VĐV nhà nghề thường là người tự do và kiếm tiền bằng cách thi đấu để lấy tiền thưởng ở các giải thể thao nhà nghề. Lợi ích tài chính là điểm khác biệt rõ nhất giữa thể thao nhà nghề và thể thao nghiệp dư.
Vậy thì Tiến Minh khi đã xác định là một tay vợt chuyên nghiệp thì việc tự bỏ tiền để đi thi đấu thể thao với mục đích tranh giải thưởng để kiếm tiền là một chuyện bình thường.
Các khó của thể thao Việt Nam khi bước sang chuyên nghiệp là vẫn muốn bám vào ngân sách nhà nước, muốn nhà nước đầu tư mà không đặt mình vào cái thế phải thi đấu để kiếm tiền. Chính bởi vậy không chỉ những môn cá nhân mà bóng đá Việt Nam, sau gần 20 năm kể từ khi giải bán chuyên nghiệp đầu tiên khởi tranh vào năm 1999, cho đến nay tính nhà nghề vẫn là một khái niệm mơ hồ.
Chuyên gia người Đức, ông Rainer khi ở Việt Nam đưa ra định nghĩa rất đúng: “Bóng đá chỉ chuyên nghiệp thực thụ khi cầu thủ kiếm được tiền thông qua khe cửa bán vé ở sân vận động”. Nghĩa là khi anh có thành tích, thu hút được khán giả vào sân, truyền hình trả thật nhiều tiền thì đó mới chính là lúc bóng đá chuyên nghiệp được thực hiện. Đó cũng là lý do các CLB hàng đầu Châu Âu ngoài tranh những ngôi vị vô địch còn rất quyết liệt tranh suất dự Cúp Châu Âu, bởi chỉ có tham dự những giải danh giá này thì họ mới có tiền để đầu tư, mua cầu thủ, trả lương cho các siêu sao.
Thực tế mà nói, cho đến nay, các CLB bóng đá ở Việt Nam vẫn không thể tự nuôi sống chính mình bằng việc bán vé, bản quyền truyền hình hay mua bán cầu thủ. Họ vẫn phải trông vào những ông bầu như khoản thu duy nhất, nghĩa là thay vì bầu sữa ngân sách của bóng đá quốc doanh trước đây chuyển sang nguồn sữa khác.
Hãy để những VĐV chuyên nghiệp kiếm tiền bằng chính tài năng của họ. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ và đừng trông chờ vào đồng ngân sách nào cả.
Vì thế, đừng khóc cho Tiến Minh. Thay vì đó, hãy chúc mừng anh.