Học ông Trump cho vấn đề của ông Park
Mặc dù bắn tin là đã có một số doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ lương cho ông thầy người Hàn Quốc nhưng có lẽ, nghệ thuật đàm phán là thứ VFF đang cần. Cuốn sách cùng tên của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là một gợi ý cần thiết lúc này. Xin đưa ra để tham khảo.
“Tôi thích nghĩ lớn. Tôi luôn nghĩ lớn. Đối với tôi, rất đơn giản: Dù sao thì bạn cũng phải suy nghĩ, vậy sao không nghĩ lớn” - Tổng thống Trump đã nói một câu rất nổi tiếng như vậy đấy. Thế thì tại sao VFF không… nghĩ lớn luôn một thể. Ví dụ để tăng lương, ông Park phải chấp nhận một số điều khoản khó về thành tích của đội tuyển Việt Nam. Ví dụ như thành tích và vé dự… World Cup chẳng hạn. Có thể đưa vấn đề này ra, biết đâu VFF lại có lợi thế?
“Tôi không bao giờ quá gắn bó với một thỏa thuận hay một chiến lược… Tôi luôn có nhiều chiến lược, vì hầu hết các thỏa thuận sẽ thất bại, bất kể lúc đầu trông chúng có sức hứa hẹn ra sao”. Ý của ông Trump là tối đa hóa sự lựa chọn. Cho tới thời điểm này, HLVPark Hang-seo là một lựa chọn tốt nhất nhưng không phải là duy nhất.
Bên cạnh những nỗ lực giữ ông Park, VFF có lẽ cũng cần những phương án khác bởi biết đâu đàm phán sẽ… thất bại. Bởi, Trump cũng nói thêm: “Tôi luôn đi đến các thỏa thuận bằng cách cân nhắc điều tồi tệ nhất trước. Nếu bạn lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất, nếu bạn có thể sống với điều tồi tệ nhất” và “Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm khi thỏa thuận là liều lĩnh ký kết”. Sẽ là rất liều lĩnh nếu VFF chấp nhận các điều kiện của ông Park trong bối cảnh mình không thể đáp ứng tối đa những điều kiện đó, đặc biệt là tiền lương.
“Hãy nâng cao vị thế”. Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, hai bên cũng cố nâng cao vị thế của mình lên để “mặc cả” nhằm có được thỏa thuận “hời” nhất cho mình. Trong thời điểm hiện tại, với sự ủng hộ của truyền thông, vị thế của ông Park Hang-seo đang được đẩy lên rất cao. Nhưng trên thực tế, người có quyền quyết định là VFF. Đáng tiếc là quan chức VFF không làm rõ vấn đền này. Họ phải là những người chủ động cuộc chơi, nói “yes” hay “no” chứ không phải chạy vòng vòng theo truyền thông.
Về vai trò của truyền thông trong đàm phán, Trump viết rằng: “Tôi đã nhận ra một điều là báo chí luôn khao khát một câu chuyện hay, và càng giật gân càng tốt… Điểm cốt yếu là nếu bạn hơi khác biệt, hơi kỳ quái một chút, hoặc nếu bạn làm một điều gì đó liều lĩnh hay gây ra tranh cãi, báo chí sẽ viết về bạn”. Vấn đề của VFF là làm sao để truyền thông đứng về phía mình. Còn làm như thế nào thì họ tự phải nghĩ ra giải pháp.
Quan điểm của tôi: rất cần đánh giá cao ông Park Hang-seo nhưng cũng không nên đánh giá quá cao, biến việc ông thầy trở thành duy nhất trong cuộc đàm phán rất quan trọng sắp tới. Việc lựa chọn các nhà tài trợ để lo phần trả lương cho ông Park Hang-seo cũng là giải pháp hay. Nhưng nên nhớ rằng cái gì cũng có giá của nó và “miếng phô mai miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột”. Ai đảm bảo rằng các nhà tài trợ - những doanh nghiệp lại không có những tác động nào đó (cả tiêu cực lẫn tích cực) trong công việc của ông Park Hang-seo sau này?
Lời khuyên của Trump là “Nên chi tiêu những gì bạn cần. Nhưng tôi cũng tin rằng không nên chi tiêu nhiều hơn những gì bạn nên chi”.
Và cũng để nói rõ, tất nhiên là tôi ủng hộ Park Hang-seo nhưng cũng chúc VFF thành công.