Sút vào lưới nhà là... giang hồ xử lý
Hôm 30.3 vừa rồi, ở trận Cúp Quốc gia giữa chủ nhà Bình Phước và Cần Thơ, đội trưởng Nguyễn Văn Quân của Cần Thơ đá vào lưới nhà từ tình huống đá phạt ở phần sân nhà.
Các tình huống này có gì giống nhau? Cú sút của Lã Xuân Thắng là tình huống bóng sống. Cú sút của Văn Quân là tình huống bóng chết. Nếu như trước đây, bàn thắng (hay bàn thua!?) đã được công nhận nhưng FIFA đã kịp thời đổi luật để tránh khả năng “ghi bàn vào lưới nhà” khi không công nhận những bàn thắng tương tự.
Vấn đề là Văn Quân có biết luật này không? Hay chỉ sau khi nhỡ chân mới về đọc lại luật? Có thật cầu thủ Cần Thơ “sai kỹ thuật” hay... quá kỹ thuật với một cú sút “mắt siêu lác” như thế? Và nếu Quân biết luật (nghĩ là biết ngay bàn thắng đó không được công nhận) thì sao?
Nguyễn Văn Quân đá phản lưới nhà một cách khó tin
Phân tích một chút - dù lãnh đội Cần Thơ ra sức bảo vệ cầu thủ kiểu “Văn Quân là cầu thủ hiền lành” thì động tác ngã ra đất thất vọng cùng cực có thể khẳng định: ở thời điểm đó Quân tin rằng mình đã phạm tội tày trời.
Lãnh đạo VPF ngay lập tức đưa ra thông điệp: sẽ xử lý nghiêm. Nhưng không hề đơn giản chút nào. Xã hội bây giờ có nhiều vụ việc rõ rành rành nhưng cách xử lý vẫn khiến dư luận phẫn nộ: vụ cưỡng hôn chỉ bị phạt 200.000 đồng, vụ thỉnh vong báo oán có dấu hiệu lừa gạt hàng trăm tỉ đồng ở chùa Ba Vàng chỉ bị phạt hành chính 5.000.000 đồng thì Văn Quân sẽ bị phạt bao nhiêu, có thuyết phục không vẫn còn là ẩn số.
Hãy nghe lãnh đạo Cần Thơ giải thích: “Văn Quân thừa nhận mình đá sai kĩ thuật ở tình huống đó. Nguyên nhân là bởi mặt sân mấp mô, anh vấp chân và đá sai kĩ thuật. Thêm vào đó, trên sân khi đó cũng xuất hiện... lốc xoáy, khiến thay đổi quỹ đạo nảy của trái bóng và đi vào lưới nhà”.
Thế thì hãy kỷ luật Văn Quân theo cách “cho về rèn kỹ thuật” rồi ra quyết định kỷ luật… “lốc xoáy”.
Không được, khi bóng đá càng thăng hoa với những chiến tích mới của đội tuyển và các lứa U, đặc biệt trong cơn say “vượt qua người Thái” thì càng phải làm nghiêm, càng phải có những án kỷ luật đủ sức răn đe khiến cho không còn cầu thủ nào tái phạm.
Cần Thơ đang rối bời vì Văn Quân
Còn nếu trong trường hợp VPF hay Ban kỷ luật bó tay thì có lên nên dùng phương pháp này: giao cho giang hồ xử lý.
Ấy là nhân chuyện học sinh lớp 9 bị bạn học quây đánh, xé bỏ quần áo ở Hưng Yên khiến dư luận nổi giận, trong khi ngành, chính quyền bận họp để tìm cách xử lý thì một “giang hồ” xuất hiện và được đón tiếp như người hùng. Hiện tượng này cũng như Khá Bảnh được chào đón, cũng dùng Facebook, YouTube để “lan tỏa”, cũng từng đánh người đến nỗi phải vào tù ra tội.
Nếu gia pháp của VFF không đủ năng lực xử lý thì có lẽ cũng chỉ còn cách: hãy giao những việc khó cho… giang hồ!