Thế nào là thể thao khiêu dâm?
Hẳn nhiên, những hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục là điều đáng lên án, thậm chí là cần chế tài mạnh. Nhưng vấn đề là định nghĩa về khiêu dâm, đồi trụy là rất cảm tính, tùy vào góc độ nhận thức, phông văn hóa của mỗi người. Ví dụ như tranh khỏa thân chẳng hạn. Với người này là đồi trụy, với người kia lại là nghệ thuật và ranh giới của những vấn đề này là rất mong manh.
Thực tế thì từ năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng đã ban hành thông tư số 01/2016, có hiệu lực từ ngày 15/5/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Trong đó có những quy định gây tranh cãi. Ví dụ quy định cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu "chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông".
Đến như những người mẫu như Hạ Vy cũng tỏ ra băn khoăn về quy định trên và cho rằng các điều khoản, quy định cần ghi rõ “nude” trong trường hợp nào thì phải bị phạt còn trường hợp nào thì được chấp nhận. Còn các chuyên gia nghệ thuật thì nói quy định này là quá chặt, lại chưa thực sự rõ ràng về mức độ “thế nào là phản cảm?”.
Bây giờ là lĩnh vực thể thao, lâu này chuyện ăn mặc “mát mẻ” khi tập luyện và thi đấu thể thao cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Cách đây khá lâu, những VĐV như Bích Hường, Khánh Đoan... từng “gây sốt” với những trang phục như bikini trên đường chạy.
Tròn 20 năm trước, nữ tuyển thủ bóng đá Mỹ Brandi Chastain đã nổi tiếng và đi vào lịch sử với màn cởi áo ăn mừng sau khi thực hiện thành công quả 11m giúp tuyển Mỹ giành chức vô địch World Cup 1999 trước Trung Quốc. Dù có nhiều người chỉ trích nhưng pha ăn mừng đó cho đến giờ được coi là biểu tượng của cuộc đấu tranh đòi nữ quyền trong thể thao. Pha ăn mừng “sexy” ấy đã tạo bước ngoặt để người dân Mỹ quan tâm hơn đến bóng đá nữ.
Trong thể thao, cũng có rất nhiều môn thể thao bản thân sự “sexy” đã là một phần không thể tách rời như thể dục nghệ thuật, bơi nghệ thuật hay bóng chuyền bãi biển hoặc khiêu vũ thể thao.
Với quy định mới này có thể nào, các VĐV bóng chuyền bãi biễn sẽ phải ăn mặc kín đáo hơn với quần chùng- áo dài để đỡ bị phạt?
Trong khi đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch lại cho rằng Nghị định 46 chủ yếu là mang tính chất răn đe để ngăn chặn những hành vi thực sự đi ngược lại chuẩn đạo đức dưới danh nghĩa núp bóng thể thao.
Chỉ có điều, nếu quy định rõ ràng hơn thì sẽ thuyết phục thay vì không ít người lại cho rằng: chúng ta đã thêm một quy định nữa kiểu: không quản được thì lại cấm.