V.League - Thức tỉnh đi!
Qua câu chuyện bạo lực sân cỏ, V.League dường như vẫn chưa thức tỉnh với những pha bóng thô bạo có thể cướp đi sự nghiệp cầu thủ.
Mới đầu V.League 2019, người yêu bóng đá sôi sục bởi pha bóng rợn người của Quế Ngọc Hải với Dominik Schmitt của Đà Nẵng. Kết quả kiểm tra cho thấy Schmitt bị gãy xương sườn. Chấn thương này khiến anh phải nghỉ thi đấu trong thời gian tới.
Cũng không cần phải nói thêm về những pha bóng như vậy của Quế Ngọc Hải. Thật tình cờ, thời điểm này, nếu ai còn nhớ là “kỷ niệm” tròn 3 năm cái ngày Quế Ngọc Hải có cú ra chân đối với Anh Khoa tại sân Vinh (8/3/2016). Hải bị cấm thi đấu nửa năm, bị phạt một khoản tiền lớn và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để lên đội tuyển nhưng vẫn chưa thấm tháp với anh Khoa. Sau những cơn đau vật vã và đi mổ ở Singapore, Khoa đã phải giải nghệ sau cú đạp đó. Trường hợp ấy điển hình nhất cho khái niệm gọi là “đá bể nồi cơm của đồng nghiệp”.
Tất nhiên, Hải không chỉ có pha ra chân với Anh Khoa, trên Youtube còn nguyên một clip mà khán giả nào đó đã tổng hợp 6 pha bóng tệ hại của Quế Ngọc Hải.
Thể nhưng ranh giới giữa quyết liệt và bạo lực vẫn còn gây ra tranh cãi. Có thể hiểu cho Ngọc Hải khi mới đầu quân cho Viettel theo một bản hợp đồng đáng giá, hiển nhiên đó là một áp lực khiến Hải phải thể hiện mình một cách rõ rệt nhất, máu lửa nhất. Từ máu lửa tới bạo lực là một lằn ranh rất mong manh. Giống như trường hợp của những cầu thủ từ lò SLNA như Huy Hoàng, Sầm Ngọc Đức vẫn thường được nói đỡ cho những pha bóng nhuốm mầu bạo lực bởi hai từ mỹ miều: máu lửa.
V.League bao năm qua vẫn chưa bỏ được tiếng xấu về bạo lực
Với Hải cũng vậy, có ý kiến cho rằng pha vào bóng đó (với Dominik Schmitt) không phải là có ác ý hay triệt hạ, đơn thuần là vào bóng sai và anh này đã nhận thẻ vàng (ở tình huống sau, Hải nhận thêm thẻ do tình huống bóng chạm tay và phải rời sân). Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, may mắn cho cả Hải, cho cả Đà Nẵng, Viettel và cả V.League là pha bóng này diễn ra ngay vòng đầu tiên của V.League, nó tạo ra sự cảnh báo sớm để ngăn chặn, để phòng ngừa.
Đâu cũng thấy có cái lý đúng nhưng câu hỏi là Quế Ngọc Hải hay bất kỳ cầu thủ nào khác có vô tình hay hữu ý phải xuất chiêu những pha bóng như vậy không? Tôi cho là không, bởi nó phụ thuộc vào môi trường. Tôi cũng đã dành cho Quế Ngọc Hải những lời tán thưởng khi thấy cầu thủ này chơi trong màu áo đội tuyển QG: chững chạc, chín chắn và đặc biệt đáng tin cậy.
Cùng một cầu thủ nhưng hai cách thể hiện ở đội tuyển với CLB sao lại khác nhau đến vậy? Phải chăng môi trường V.League cho phép người ta sai số nhiều hơn?
Quế Ngọc Hải (trái) ở cấp CLB là một con người khác với ở ĐTQG
Ở đây tôi cho rằng thái độ của BHL tạo ra hành động cầu thủ. Dịp này người ta cũng nhắc lại câu chuyện diễn ra năm ngoái, khi Tăng Tiến của HAGL có pha vào bóng thô bạo với Duy Mạnh thì cầu thủ này đã bị chính CLB đưa ra mức phạt rất nặng là treo giò đến hết giao đoạn 1 V.League 2018. Một ứng xử, theo tôi là văn minh và thực sự tạo ra văn hóa sân cỏ với khái niệm hạn chế bạo lực, không đá bể nồi cơm cầu thủ.
Tinh thần của HAGL, của Park Hang-seo phải được lan tỏa ngay tại V.League. Tất cả phải cùng nhau xây dựng một văn hóa sân cỏ cụ thể hơn, nói không với bạo lực một cách quyết liệt hơn bởi một trận đấu hay một giải đấu hấp dẫn không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu ca chấn thương nguy hiểm xảy ra.
Cú ra chân của Quế Ngọc Hải, cái xương sườn gãy của Dominik Schmitt đã ra một thông điệp rõ ràng: Vleague Wake-up 2019, hãy thức tỉnh đi!