Xuân Trường, Công Phượng và… tương ớt Chin-su
Điều đáng nói, doanh nghiệp trên lại đưa ra giải thích rằng đó là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam: “Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised” (Chỉ bán ở Việt Nam. Không được xuất khẩu).
Từ đó nảy ra tranh luận: phải chăng có những sản phẩm chứa chất cấm thì người Việt ăn được còn người Nhật thì không? Cuộc tranh luận khá sôi nổi trên mạng và chưa có hồi kết.
Vấn đề ở đây tiêu chuẩn nội - tiêu chuẩn ngoại và tiêu chuẩn toàn cầu khác nhau như thế nào?
Không chỉ có câu chuyện tương ớt, thực phẩm mà tiêu chuẩn cho người - tức là cầu thủ cũng có những quy định riêng, tùy từng thị trường.
Bóng đá Việt Nam nếu có những cầu thủ xuất sắc như Messi hay Ronaldo thì việc được chơi ở các thị trường khác, cụ thể như Premier League lại là câu chuyện hoàn toàn khác mà chuyên môn chưa hẳn đóng vai trò quyết định.
Ví dụ, một trong những điều kiện quan trọng mà các CLB Anh phải cân nhắc khi thực hiện một thương vụ chuyển nhượng chính là khả năng được cấp giấy phép lao động của cầu thủ. LĐBĐ Anh (FA) có cả một quy định về việc cấp giấy phép lao động cho các cầu thủ có quốc tịch ngoài khu vực kinh tế châu Âu (EEA).
Với quy định này, giải Ngoại hạng Anh cũng như những giải đấu hạng thấp hơn thuộc hệ thống Football League (từ hạng 2 đến hạng 4) chỉ chào đón những cầu thủ "đã khẳng định được năng lực ở tầm quốc tế" và "có thể đóng góp đáng kể cho bóng đá Anh". Điều kiện để cầu thủ được cấp giấy phép lao động ở Anh có liên quan trực tiếp đến thứ hạng FIFA của các đội tuyển quốc gia.
Thế nên dù cầu thủ Việt Nam có chất lượng “tuyệt hảo” nhưng khả năng thi đấu chính thức ở Ngoại hạng Anh chỉ là giấc mơ. Thế hệ Xuân Trường, Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh dù có thời điểm được HLV Asene Wenger “chấm” nhưng để đạt tiêu chuẩn của Ngoại hạng Anh thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Công Phượng từng có thời gian khoác áo CLB Mito Hollyhock ở J-League II (giải hạng 2 Nhật Bản) nhưng thi đấu không thành công và phải trở lại Việt Nam. Thậm chí tổng số thời gian thi đấu của Công Phượng chỉ gói gọn trong vài chục phút.
Phải chăng cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường chỉ là một dạng sản phẩm “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu”?
Để thi đấu ở những môi trường như J.League, K.League hay đơn giản như Thai.League đều có những “tiêu chuẩn” và trở thành hàng rào kỹ thuật riêng mà cầu thủ không dễ gì vượt qua.
Lần này, Công Phượng sang thi đấu ở Hàn Quốc. Những tiêu chuẩn ở thị trường này đối với cầu thủ cũng không dễ dàng nhưng chí ít cho tới thời điểm hiện tại, cùng với sự ra sân đều đặn của Công Phượng, bất chấp đội bóng Incheon của anh thua liểng xiểng, thì vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Phượng đủ tiêu chuẩn để trụ lại, vấn đề ở chính anh mà thôi.
Những Văn Lâm, Xuân Trường hay Công Phượng sẽ không rơi vào tình trạng của những chai tương ớt Chin-su. Hiển nhiên ở trong nước, họ đã được khẳng định là có chất lượng cao song để tồn tại thì việc đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật chỉ là khởi đầu. Để tồn tại ở những thị trường đòi hỏi chất lượng rất cao như Thai.League, K.League hay J.League thì nỗ lực của cầu thủ mới chính là đòi hỏi và có tính quyết định nhất.
Và đó là điều mà người ta đang chờ ở những “đại sứ bóng đá Việt” sau những ồn ào về “tiêu chuẩn nội - tiêu chuẩn ngoại”.