Thư EURO: Một ngày trong hầm mộ giữa Paris

thứ tư 6-7-2016 14:55:07 +07:00 0 bình luận
Bước xuống đúng 83 bậc thang xoắn ốc, nhỏ và dốc, là một không gian ẩm thấp, mang đến cảm giác lạnh buốt da thịt và lạnh cả sống lưng. Vâng! Đây là Catacombs!

Bước xuống  đúng 83 bậc thang xoắn ốc, nhỏ và dốc, là một không gian ẩm thấp, mang đến cảm giác lạnh buốt da thịt và lạnh cả sống lưng. Vâng! Đây là Catacombs!

Nhiều người đã biết những kiệt tác kiến trúc trên mặt đất như tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, cung điện Versailles, mà ít biết rằng ngay trong lòng đất của Paris đã và đang tồn tại một địa điểm thăm quan mà nếu chỉ nghe tên, hẳn nhiều người phải rùng mình.

Phải! Đó là Catacombs, hầm mộ cổ nằm sâu cả trăm mét dưới lòng đất, nơi được cho là đang chứa tới 6 triệu bộ hài cốt, khi những bộ hài cốt bắt đầu được chuyển từ các nghĩa trang của thành phố về đây kể từ tháng 4/1786.

Cánh cửa sắt nhỏ dẫn vào Catacombs

Đúng là khó tưởng tượng giữa Paris, ở độ sâu cả trăm mét dưới lòng đất đã và đang tồn tại một khu hầm mộ rộng lớn có sức hút, khơi gợi sự tò mò khám phá và cả những sự tưởng tượng rùng mình nào đó.

Nhưng dòng người xếp hàng dài chờ đợi 2-3 tiếng hoặc thậm chí lâu hơn để được đặt chân xuống “địa ngục” đã nói lên tất cả.

Hàng dài người chờ đến lượt… xuống nhà mồ

Những bậc cầu thang nhỏ xoắn ốc sâu hun hút dẫn xuống Catacombs

Catacombs, đấy không đơn giản chỉ là một cái nhà mồ lớn nhất thế giới khi ôm trong lòng những bộ xương, đầu lâu, được xếp ngay ngắn như những bức tường dày hằng mét, cao tới hơn 1,5m, mà nó còn là một phần lịch sử của chính Paris và nước Pháp.

Người Pháp đã xếp Catacombs vào 1 trong 14 khu bảo tàng, nhà tưởng niệm trực thuộc sự quản lý của chính quyền thành phố Paris. Và từng đến thăm nơi này không chỉ có bá tước Artois (người sau này là vua Charles X của Pháp) mà còn có Hoàng đế đầu tiên của Áo, Franz I, hay Hoàng đế Napoleon III.

Chính xác thì Catacombs không phải xuất hiện với mục đích để chứa những bộ hài cốt. Hệ thống đường ngầm chằng chịt dài hằng km nằm dưới quảng trường Denfert-Rochereau ngày nay, từng nằm trong cả hệ thống hầm mỏ cũ phục vụ việc khai thác lớp đá vôi tầng Lutetian được hình thành từ cách đây hằng chục triệu năm.

Loại đá này còn được gọi là “đá Paris”, có trữ lượng lớn ở bờ Bắc sông Seine mà ngày nay thuộc quận 14. Rất nhiều bộ phận trong công trình nổi tiếng của thủ đô nước Pháp như bảo tàng Louvre, quảng trường Concorde hay Invalides đã được xây dựng với chất liệu “đá Paris”. Và người ta đã ca ngợi đó là “đá màu kem xám ấm áp của nước Pháp”.

Những khối đá vôi được dùng để xây chính tường và cột đỡ mái

Những khối đá vôi được dùng để xây chính tường và cột đỡ mái

Catacombs chỉ chính thức trở thành “nhà mồ” và những bộ hài cốt bắt đầu được di chuyển về đây cách nay 240 năm, trong giai đoạn 1776-1778, sau sự cố rất nhiều hầm mỏ bị sập, phải cải tạo lại, trong khi nhu cầu xây dựng một khu chôn cất mới cho Paris khi các nghĩa trang của thành phố đều “quá tải”, đã trở nên cực kỳ cấp thiết.

Rốt cuộc, khu vực ngày nay nằm sâu dưới mặt đất, phía trên quảng trường Denfert-Rochereau và những con phố như General Leclerc, Rene Coty… đã được chọn. Như một sự trùng hợp, khu vực Catacombs ngày nay từng nằm trong vùng cửa ô được gọi là “cổng địa ngục”. Giờ thì nó là nơi hằng triệu bộ hài cốt yên nghỉ.

Những bức tường hài cốt ở Catacombs

Chỉ mất 12 euro để mua vé thăm quan “địa ngục”, nhưng việc xếp hàng có thể mất tới hằng giờ chờ đợi.

Dẫu vậy, khi bước xuống những bậc thang nhỏ, hẹp, xoắn ốc, và bắt đầu “chuyến hành trình vượt không gian và thời gian” - như lời giới thiệu ở gian phòng nhỏ đầu tiên ở sâu dưới lòng đất, đánh dấu điểm đầu vào Catacombs, có lẽ tất cả đều thấm thía 2-3 tiếng xếp hàng chẳng là gì nếu biết rằng, từ mặt đường phố Paris hiện tại xuống dưới tới dưới hầm mộ là cả chiều dài lịch sử hình thành lớp địa chất suốt 45 triệu năm qua.

Và trong ánh đèn chỉ đủ sáng để tránh cho du khách va quệt vào nhau, hay cảm thấy sợ sởn gai ốc vì bóng tối, bước đi trong đường hầm với bề ngang khoảng 1 mét và cao chừng 1,9 mét khiến bất kỳ ai cũng quên đi khái niệm thời gian ở cuộc sống hối hả phía trên đầu cách cả 100 mét.

Trên những con đường ngoằn nghèo, thi thoảng xuất hiện những viên gạch được khắc ngày tháng năm rõ ràng, từ cách đây 2-3 thế kỷ, như là dấu mốc cho việc cải tạo lại đường hầm bằng việc gia cố, chống đỡ phần mái cũng như hai bên đường đi, trước khi biến nơi này thành nhà mồ khổng lồ.

Và sau chừng vài trăm mét bước qua những đường hầm tăm tối, cảnh tượng những bức tường được dựng lên bằng những khúc xương và đầu lâu có lẽ không thích hợp chút nào với những người yếu tim.

Tác giả bên cạnh một bức tường hài cốt

Những bức tường bằng hài cốt chạy dọc hai bên của đường hầm cho tới tận lối ra với chiều dài lên tới gần 1 km. Người ta đã tính rằng quãng đường từ đầu vào đến lối ra của Catacombs chừng 1,8 km.

Nhưng đó là lối đi chính để thăm quan. Còn trên đường có thể gặp những ngóc ngách được khóa kín bằng những cánh cổng thép và nhìn sâu vào đó là bóng tối hun hút rợn người.

Những “vùng cấm” trong Catacombs dễ gợi lên những nỗi sợ hãi trong trí tưởng tượng.

Những “vùng cấm” trong Catacombs dễ gợi lên những nỗi sợ hãi trong trí tưởng tượng

Anh bảo vệ có tên Michels ngồi ở gần cửa ra giới thiệu, có khoảng 2 km đường hầm cấm như thế, tức đường bị khóa cửa không cho khách du lịch đi vào bởi dễ bị lạc và ai mà biết khi đó có bị rơi xuống “địa ngục thật” hay không.   

Nhưng rõ ràng, sau một hành trình vượt không gian thời gian và chứng kiến những bức tường hài cốt có lẽ là lớn nhất thế giới, hẳn chẳng ai đủ dũng cảm để bước qua những cánh cổng sắt được khóa trái để khám phá tiếp Catacombs.

Sau khi trải qua những bậc thang dẫn xuống xuyên 45 triệu năm lịch sử của các lớp địa tầng đất đá và hành trình khám phá ngôi nhà mồ lớn chưa từng thấy, 83 bậc thang nữa dẫn dắt người ta lên mặt đất để trở lại với cuộc sống hiện đại tràn ngập ánh sáng.

Nếu còn chút vấn vương nào đó với Catacombs, bạn có thể chạy sang cửa tiệm bán đồ lưu niệm ở phía đối diện với cửa ra. Tại đó có mọi thứ đồ lưu niệm thông dụng và đương nhiên hình ảnh chủ đạo in lên đồ vật là… chiếc đầu lâu.

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm về nhà mồ Catacombs

Những vật dụng được chế tác theo chủ đề nhà mồ Catacombs

Những vật dụng được chế tác theo chủ đề nhà mồ Catacombs

Những vật dụng được chế tác theo chủ đề nhà mồ Catacombs

 Có lẽ, chẳng ai không muốn mang về nhà một chút kỷ vật gợi là lưu lại chuyến hành trình vượt không gian thời gian trong ngôi nhà mồ lớn nhất thế giới như thế.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội