Thư EURO: Xem bóng đá ở Fanzone có an toàn?
Tôi giật mình khi đọc thấy thông tin cảnh sát Pháp và Bỉ đã phá âm mưu khủng bố nhắm vào những khu vực tập trung đông CĐV xem bóng đá tại Bỉ, bởi mới chỉ cách đây hơn 1 tuần, tôi đã có mặt ở một trong những “điểm nóng” đó.
May mắn là đến thời điểm này an ninh cho EURO vẫn được đảm bảo khá tốt. Chưa có những sự cố lớn nào, ngoại trừ một vài vụ xô xát, gây rối của các đám CĐV quá khích của Nga, Anh hay Đức.
Nhưng hãy nhớ rằng giải đấu còn gần 3 tuần nữa. Như thế, số lượng nhân viên cảnh sát, quân đội, lực lượng an ninh với quân số được huy động lên tới 90.000 người còn phải làm việc. Đặc biệt, trong bối cảnh Paris, thủ đô nước Pháp và cũng là trái tim của EURO năm nay, còn phải hứng chịu những cuộc biểu tình phản đối dự Luật lao động mới.
Không thể loại trừ khả năng các phần tử khủng bố sẽ trà trộn vào đám đông biểu tình để kích động hoặc tệ hơn, nếu một vụ tấn công khủng bố xảy ra ở một cuộc biểu tình, khiến nhiều người thương vong, khi đó việc giải đấu có thể tiếp tục diễn ra hay không sẽ là dấu hỏi lớn.
Trở lại với câu chuyện cảnh sát Pháp và Bỉ vừa phát hiện, triệt phá một âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào những địa điểm tập trung người xem bóng đá tại thủ đô Bruxelles, trước trận CH Ireland - Bỉ mới đây.
Rõ ràng, nguy cơ Fanzone hay các điểm tập trung đông CĐV xem bóng đá, ví như quán Bar, quảng trường, công viên, quán café là nguy cơ đã được cảnh báo. Lực lượng cảnh sát, quân đội không thể rải rác người đảm bảo an ninh cho tất cả những khu vực như thế.
Còn nhớ, trước thềm EURO chính phủ Anh đã khuyến cáo CĐV nước này nên tránh đến những quán Bar, café hay địa điểm công cộng đông người tại Pháp để xem bóng đá. Bởi đã có thông tin rằng bọn khủng bố đã nhắm tới những địa điểm như thế, khi an ninh tại đây khá lỏng lẻo và sự có mặt của nhiều CĐV từ các nước khác nhau càng khiến tình hình khó kiểm soát.
Tại Bỉ, cảnh báo tương tự cũng đã được chính phủ nước này ban ra. Thậm chí, ở Bruxelles, tình trạng an ninh cấp độ 2 vẫn được duy trì, kể từ sau vụ việc những kẻ khủng bố đánh bom ở sân bay Zaventem khiến nhiều người thương vong hồi đầu năm nay.
Điều đó lý giải vì sao khi đi trên đường phố Bruxelles, không khó để thấy những chiếc xe quân đội và từng tốp lính tay lăm lăm súng trường canh gác.
Nhưng trớ trêu là một trong những tụ điểm tập trung đông CĐV xem bóng đá, có thể gọi đó là “Fanzone thu nhỏ” ở thủ đô Bỉ, Bruxelles, an ninh lại rất lỏng lẻo.
Tôi đã có mặt ở Bruxelles cách đây 1 tuần để tác nghiệp về bầu không khí hưởng ứng EURO tại đây, trước thềm trận đấu quan trọng giữa Bỉ và Italia. Tại Bruxelles, một “Football Village” (tạm dịch: Làng bóng đá) đã được dựng lên để các CĐV có thể đổ về thưởng thức trái bóng EURO.
Football Village nằm trong công viên Juben Park, một địa điểm rộng rãi nằm ở trung tâm Bruxelles. Tổ hợp này có 3 chỗ xem bóng đá, 1 ngoài trời và 2 trong phòng nhỏ liền kề được bố trí như những quán Bar, với sức chứa cả thảy lên tới 200-300 người.
Để vào Football Village, bạn chỉ cần bỏ ra 10 euro mua vé và số tiền này cũng được quy đổi ra thành 2 chai bia.
Tôi đến Football Village từ khá sớm, khi trận đấu Thụy Điển – CH Ireland chuẩn bị diễn ra và đã có một nhóm CĐV 2 đội tụ tập về đây. Dễ thấy ngay đó là không có biện pháp kiểm tra an ninh nào cả. Và chỉ tới sát giờ diễn ra trận Bỉ - Italia, khi lượng CĐV đổ về rất đông, hàng rào an ninh mới được thiết lập.
Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng rất sơ sài, ví như nhân viên an ninh chỉ ngó qua bên trong ba lô của bạn có gì và soát bằng tay từ vai đến chân xem có mang theo súng hoặc “vật lạ”. Không có máy dò tìm kim loại. Và cũng chỉ có khoảng 3-4 người kiểm tra an ninh ở lối vào cho lượng CĐV đông gấp cả trăm lần. Còn ở bên ngoài là 3-4 chiếc xe cảnh sát túc trực.
Rõ ràng, hàng rào an ninh mong manh như thế không thể ngăn những kẻ khủng bố tinh vi xâm nhập và gây tội ác.
Đấy là “Fanzone” bên ngoài nước Pháp. Còn ở những Fanzone trải dài tại 10 thành phố của Pháp đăng cai EURO năm nay, an ninh đương nhiên được siết chặt hơn. Nhưng liệu như thế có đủ để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố sẽ không có cơ hội ra tay?
Tôi thường xuyên tác nghiệp ở Fanzone tại thủ đô Paris, được dựng ngay sát chân tháp Eiffel, và cũng đã tới Fanzone ở các thành phố như Lille, Toulouse hay Bordeaux. Chừng đó đủ để đưa ra một cái nhìn khách quan về việc đảm bảo an ninh ở những nơi được ví như ngôi nhà cho các CĐV tại EURO năm nay.
Thông thường mỗi khu Fanzone đều có 2, 3 hoặc 4 cửa ra vào và đương nhiên lực lượng cảnh sát, thậm chí quân đội đều ứng trực ở đó. Để vào Fanzone, mỗi CĐV phải trải qua ít nhất 2 vòng kiểm tra.
Nhân viên an ninh sẽ trực tiếp soát người bằng tay và máy dò tìm kim loại. Chất lỏng bị cấm mang vào. Và bất kỳ đồ vật nào bị nhận diện khả nghi, lực lượng an ninh sẽ buộc bạn phải bỏ lại.
Việc kiểm soát tương đối gắt gao như thế hẳn khiến nhiều CĐV thấy phiền toái, nhất là khi họ phải xếp thành những hàng dài, đứng chờ cả tiếng dưới nắng nóng hoặc dưới mưa.
Nhưng suy cho cùng điều đó nhằm tốt cho tất cả, sự an toàn của CĐV, của giải đấu. Và nếu đến thời điểm này lực lượng an ninh Pháp đang làm tốt nhiệm vụ thì hãy cùng hy vọng rằng điều đó sẽ được duy trì đến hết giải.
Không ai muốn thấy một thảm họa phá hỏng ngày vui 4 năm mới có một lần của bóng đá châu Âu.